Đừng để Hội là cơ quan nhà nước “phẩy”
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

“Vì cái bánh ngân sách Nhà nước rất hẹp”

Khẳng định về vai trò của Hội, ĐBQH Lê Như Tiến (Quảng Trị) cho rằng, hội rất tốt vì đây chính là một tổ chức để giám sát, giúp thêm các hoạt động chung của xã hội. Song đại biểu cho rằng, đừng biến Hội thành cơ quan hành chính nhà nước thứ hai. Theo đại biểu, bây giờ đã có Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công thương và các bộ quản lý chuyên ngành… Tương tự với các bộ đó là các Hội mà các Hội lại làm thêm một “Bộ phẩy” nữa thì không nên mà “hội” là “hội”.

Tuy nhiên, theo đại biểu, nếu hội cũng cho trụ sở riêng, cho xe ô tô, lương của Chủ tịch hội mà nhà nước bảo đảm hết là không được. Hội phải hướng về lợi ích của hội viên, tự chi tiêu, tự quyết định chi tiêu của mình trong hội, chứ không dùng ngân sách nhà nước như hiện nay.

Đại biểu cho biết thêm, hiện nay các hội nghề nghiệp không dùng ngân sách ít thì nhiều, cũng dùng trụ sở riêng, ô tô riêng, có bộ máy riêng. Vậy hoạt động của hội là phải có chính sách cơ chế là tự bảo đảm, chịu trách nhiệm và kinh phí là hội viên đóng góp chứ không phải hội là một “cơ quan nhà nước phẩy” như hiện nay.

Về cơ cấu tổ chức hội, đại biểu Tiến cho rằng, hội là một tổ chức tự nguyện thì không nên cồng kềnh ban này, ban kia rồi phòng này, phòng khác, hệ số lương của Chủ tịch hội, phó chủ tịch hội… mà chủ yếu đối với hội là hoạt động tự nguyện trên cơ sở hoàn toàn tự giác, tự chịu trách nhiệm, không phải dùng ngân sách nhà nước. Đại biểu cũng cho biết, hiện nay chúng ta đang bao cấp ngân sách Nhà nước cho 7 hội chính trị xã hội làm nhiệm vụ chính trị là được. Nhưng, những hội khác không nên phát triển dàn trải tất cả các hội mà chỉ để lại một số hội phục vụ nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước như 7 hội hiện nay như: Hội thanh niên, Hội phụ nữ… Đây là những hội chính trị chúng ta có thể bao cấp phần nào. Nhưng theo đại biểu cũng cần dần dần giảm bớt vì “cái bánh ngân sách nhà nước” nó rất hẹp, rất nhỏ mà chúng ta có hàng vạn nhu cầu cần phải chi tiêu, đặc biệt là phát triển y tế, giáo dục, đồng bào vùng núi, vùng sâu vùng xa, an ninh quốc phòng và những nhiệm vụ trọng tâm khác.

Từ thực tế này, trong Luật về Hội không nên có chế định để Nhà nước phải bao cấp, phải đầu tư cho các hội mà hội đúng với nghĩa của hội là tổ chức tự nguyện của các thành viên trong hội, nhiệm vụ là bảo vệ quyền lợi chính đáng cho các hội viên như Hội nhà văn Việt Nam, Hội làm vườn… chứ không dùng kinh phí nhà nước để bao cấp cho các hội. Điều này, dự thảo Luật lần này cần thể hiện rõ hơn, đại biểu Tiến đề nghị.

Đồng tình với quan điểm này, ĐBQH Nguyễn Thị Huệ (Thái Nguyên) cho rằng, hiện nay cả nước có hơn 52.000 hội, thì cần giải thích thế nào là tổ chức chính trị xã hội, thế nào là tổ chức xã hội nghề nghiệp, thế nào là tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội. Theo Đại biểu, về giải thích từ ngữ như trong Luật là chưa rõ.

Đại biểu phân tích thêm, nếu trong Luật có quy định những hội nào mà do nhà nước đặt hàng, làm việc gì thì nhà nước hỗ trợ tiền việc đấy thì sẽ không có chuyện các hội tỵ nhau. Trong Luật về Hội cần có thông điệp cụ thể để phân rõ trong quá trình tổ chức thực hiện và những hội đã có hiện nay cũng cần từng bước “cơ cấu lại” để có quy định tương đối rõ những hội nào nên cấp kinh phí, hội nào nên cơ cấu lại. Hiện nay chúng ta cũng đang giảm biên chế một cách quyết liệt, nếu chúng ta không làm rõ những điều này thì rất là khó để các địa phương triển khai thực hiện.

Mỗi lĩnh vực chỉ thành lập một hội

Về việc thành lập hội, ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đề nghị, bổ sung mỗi lĩnh vực chỉ được thành lập một hội và phải có điều lệ hoạt động chung, không có các “chi nhánh” khác.

Đại biểu đưa ra ví dụ, chúng ta đã có tổ chức Hội Cựu chiến binh, thì không được thành lập những hội khác liên quan đến quân đội. Như rất nhiều tỉnh đã có Hội Cựu chiến binh rồi nhưng lại thành lập thêm các hội khác như sư đoàn không quân, binh đoàn Trường Sơn, hội chiến sĩ giải phóng quân… Với cách thành lập như thế rất rườm ra, khi có quá nhiều hội sẽ gây khó quản lý và thứ ba là vấn đề chi phí. Khi chưa thành lập thì các hội cam kết rằng chúng tôi sẽ cam kết tự nguyện và để sinh hoạt, động viên thăm hỏi nhau. Nhưng khi thành lập được rồi thì mỗi lần tổ chức kỷ niệm, hội họp lại dùng ảnh hưởng của hội để đi xin… tỉnh hoặc các cơ quan. Nếu tỉnh hoặc các cơ quan không cho thì cũng không được đâu. Bởi vì những người đứng ra chủ trì thành lập hội hầu hết là những người có “uy thế”. Phải bổ sung trong nguyên tắc là mỗi lĩnh vực chỉ thành lập một hội. Nguyên tắc này sẽ giúp tập trung đầu mối, tập trung nguồn lực và công tác quản lý của Đảng, Nhà nước chính quyền địa phương sẽ rạch ròi và tốt hơn, đại biểu nhấn mạnh.

Hà An – Văn Thăng – Lệ Thu
Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân