Đừng để xã hội hóa thành “món nợ” 
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.
Mới đây, Thanh tra TP Hồ Chí Minh công khai kết luận có 4 doanh nghiệp đến nay vẫn chưa chịu đóng hơn 73 tỷ đồng tiền hỗ trợ bắn pháo hoa trong 2 năm 2018 – 2019 cho Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh. Câu hỏi đặt ra là, vì sao doanh nghiệp lại không thực hiện đúng như cam kết? Liệu quy trình thực hiện đóng góp xã hội hóa trong trường hợp này đã làm đúng theo quy định hay chưa?

Dù không mong muốn, nhưng nhiều công ty đã bị điểm tên trong việc để lại khoản nợ tiền bắn pháo hoa. Việc nêu tên doanh nghiệp “nợ” tiền bắn pháo hoa là việc bất đắc dĩ, là điều “cực chẳng đã” buộc phải làm, bởi pháo hoa thì đã bắn, tiền vẫn chưa thấy đâu.

Từ lâu, pháo hoa đã trở thành món ăn tinh thần của người Việt, nhất là vào ngày chào mừng Quốc khánh, ngày Tết, hay ngày lễ lớn. Tùy điều kiện cụ thể, thời gian qua nhiều địa phương cũng đã tổ chức bắn pháo hoa. Nếu như trước đây, việc bắn pháo hoa thường được sử dụng từ tiền ngân sách thì thời gian gần đây, việc bắn pháo hoa cơ bản được thực hiện dưới hình thức xã hội hóa, với sự tài trợ tự nguyện của các doanh nghiệp. Để chia sẻ với địa phương về tiết giảm ngân sách và với mục đích mang lại niềm vui cho người dân trên địa bàn, không ít doanh nghiệp đã tham gia tích cực vào việc xã hội hóa này.

Khi ngân sách nhà nước có hạn, đôi khi phải cân, đong, đo, đếm từng tý một trong các khoản chi thì việc địa phương kêu gọi xã hội hóa việc bắn pháo hoa trong mỗi dịp đặc biệt cũng là điều hoàn toàn bình thường. Thời gian qua, các doanh nghiệp ở các địa phương cơ bản đều đã thực hiện đúng như cam kết theo chủ trương xã hội hóa. Việc có một số doanh nghiệp ở TP Hồ Chí Minh không thực hiện đúng cam kết này có thể doanh nghiệp rơi vào tình trạng khó khăn, chưa có nguồn để hỗ trợ, cũng có thể do doanh nghiệp cố tình “dây dưa” dù đã cam kết.

Việc cơ quan, chính quyền kêu gọi doanh nghiệp tài trợ bắn pháo hoa, căn cứ vào điều kiện cụ thể doanh nghiệp có thể tham gia hoặc không. Nhưng khi đã tham gia thì doanh nghiệp phải thực hiện đúng như đã cam kết, tránh tình trạng doanh nghiệp được xướng tên như là mạnh thường quân nhưng sau đó lại cố tình chây ỳ không đóng góp. Cần có biện pháp xử lý nếu doanh nghiệp không thực sự rơi vào tình trạng sản xuất, kinh doanh khó khăn thực sự. Dù số doanh nghiệp “nợ” trong tình huống này chỉ là cá biệt, nhưng thực tế này là điều cần phải suy ngẫm về việc thực hiện xã hội hóa việc bắn pháo hoa.

Thực tế cho thấy, kinh phí cho việc bắn pháo hoa không phải là số tiền nhỏ, có khi lên đến hàng tỷ đồng. Khi doanh nghiệp đóng trên địa bàn, cơ quan quản lý, chính quyền kêu gọi xã hội hóa, đôi khi cũng đặt doanh nghiệp vào tình thế khó. Nói “có” đồng nghĩa với việc phải chi khoản tiền để hỗ trợ. Nói “không” doanh nghiệp cũng ngại ngần bởi chẳng mấy khi địa phương kêu gọi, trong khi doanh nghiệp lại đóng trên địa bàn. Điều này đôi khi cũng đặt doanh nghiệp vào tình huống khó xử…

Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, việc để xảy ra tình trạng “nợ” cho thấy cơ quan tiếp nhận tiền đóng góp từ nguồn xã hội hóa chưa thực hiện đúng quy trình tiếp nhận, quản lý, sử dụng khoản tiền đóng góp. Theo quy định Nghị định số 29/2018/NĐ-CP và Thông tư số 57/2018/TT-BTC thì khi tiếp nhận số tiền đóng góp, cơ quan tiếp nhận phải thực hiện thủ tục nhập vào ngân sách nhà nước. Sau đó mới lên phương án sử dụng ngân sách đó (từ tiền đóng góp), trích ngân sách vào việc chi mua pháo hoa để bắn. Nếu chưa nhận được tiền đóng góp vào ngân sách để sử dụng theo quy trình mà cơ quan có thẩm quyền tạm ứng ngân sách để bắn pháo hoa trước là thực hiện không đúng quy định. Trong trường hợp các công ty nợ tiền, cơ quan (ở đây là Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh) có thể kiện các công ty ra tòa dân sự. Tuy nhiên, điều này không mang lại hiệu quả và sẽ không đạt được ý nghĩa khuyến khích xã hội hóa bởi rất có thể có những doanh nghiệp gặp khó khăn tài chính nên vi phạm nghĩa vụ cam kết.

Để khuyến khích xã hội hóa và không xảy ra những tình trạng “nợ” tương tự, các doanh nghiệp cần phải hết sức cân nhắc điều kiện cụ thể của mình khi tham gia đóng góp xã hội hóa. Cùng với đó, cơ quan tiếp nhận nguồn xã hội hóa phải thực hiện theo đúng quy trình, tránh tình trạng “chi trước, thu sau” chẳng khác nào chúng ta “thả gà ra đuổi”.