"Dưỡng liêm" cho cán bộ tư pháp 
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.
Trong phiên thảo luận sáng qua, 30.3, nhiều đại biểu Quốc hội chia sẻ với những áp lực của ngành tòa án, viện kiểm sát khi khối lượng công việc ngày càng lớn, phức tạp trong khi biên chế ngày càng giảm và chế độ, chính sách chưa tương xứng. Niềm tin vào nền tư pháp là một bộ phận hữu cơ của niềm tin vào chế độ, những điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán có vinh dự gánh trọng trách giữ vững niềm tin của Nhân dân vào chế độ thông qua hoạt động tố tụng. Nhấn mạnh điều này, một số đại biểu đề nghị cần bảo đảm chế độ “dưỡng liêm” tương xứng để cán bộ tòa án, viện kiểm sát vừa giữ được sự liêm chính vừa yên tâm thực thi chức trách, nhiệm vụ.

Những tín hiệu đáng mừng

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) cho rằng, trong nhiệm kỳ 2016 – 2021, các cơ quan tư pháp đã đấu tranh hiệu quả hơn với tội phạm và vi phạm pháp luật. Cụ thể, tổng số án các loại thụ lý xét xử tăng mạnh (tới 34%). Trong đó, nhiều vụ án đã đi vào lịch sử tố tụng nước ta bởi quy mô lớn và tính chất đặc biệt nghiêm trọng. Nhiều vụ án số tiền bị tội phạm chiếm đoạt đã lên đến hàng nghìn, thậm chí là hàng chục nghìn tỷ đồng. Nhiều vụ án số bị cáo tham gia đã có sự câu kết của hàng chục, thậm chí gần 100 bị cáo trong cùng một vụ án… Trong giai đoạn này cũng đã xuất hiện nhiều loại hành vi, thủ đoạn phạm tội mới; nhiều loại tranh chấp dân sự, kinh tế mới chưa từng xảy ra trước đây, ví dụ như vụ án sửa điểm thi trên máy tính trong kỳ thi phổ thông trung học quốc gia 2018 hay vụ kiện tranh chấp giữa các hãng taxi truyền thống và taxi công nghệ trong điều kiện phát triển nền kinh tế số… Mặc dù vậy, hầu hết vụ án trong nhiệm kỳ đã được giải quyết đúng pháp luật, đúng thời hạn, nghiêm minh.

<img alt="" src="” width=”850px” />
Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (TP. Hồ Chí Minh) phát biểu tại hội trường
Ảnh: Quang Khánh

Trong hoạt động tư pháp, quyền con người, quyền công dân đã được bảo vệ tốt hơn. Đơn cử, trong nhiệm kỳ này, chúng ta đã áp dụng quy định cho phép bị can đọc tài liệu trong hồ sơ vụ án nhằm thực hiện quyền bào chữa. Đại biểu Nguyễn Thị Thủy nhớ lại, khi xây dựng quy định này, một số ý kiến lo ngại về khả năng bị can có thể xé hoặc hủy tài liệu, gây khó khăn cho hoạt động tố tụng. Tuy nhiên, thực tế triển khai thi hành quy định này thời gian vừa qua cho thấy, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Bộ Công an đã tiến hành rất chặt chẽ. Hiện nay, việc thực hiện đã đi vào nền nếp, qua đó, bảo đảm quyền hiến định của người bị buộc tội.

Một thành tựu nữa của nền tư pháp trong nhiệm kỳ này là quy định bắt buộc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can. Đại biểu Nguyễn Thị Thủy khẳng định, đây là giải pháp quan trọng nhằm chống bức cung, nhục hình, đồng thời cung cấp những chứng cứ quan trọng để bảo vệ các cán bộ hỏi cung tiến hành tố tụng đúng luật.

Thời gian qua, người dân và xã hội cũng đã cảm nhận ngày càng rõ hơn về các phiên tòa tranh tụng ở nước ta. Tính tranh tụng đối kháng, cọ xát giữa các chứng cứ, lý lẽ, lập luận của các bên ngày càng mạnh mẽ, thậm chí là rất quyết liệt. Vừa qua, thực hiện hướng dẫn của Tòa án Nhân dân Tối cao, Tòa án Nhân dân các cấp đã không hạn chế thời gian dành cho tranh tụng, tạo mọi điều kiện để các bên thực hiện quyền tranh tụng, quyền đưa ra chứng cứ. Rất nhiều vụ án các kiểm sát viên cũng đã thể hiện bản lĩnh sắc bén, nắm chắc chứng cứ, bảo vệ thành công cáo trạng…

Các cơ quan tố tụng thời gian qua đã nỗ lực đổi mới, tiếp thu kinh nghiệm của nhiều nước. Đáng chú ý, Tòa án Nhân dân Tối cao đã đưa vào vận hành hệ thống nhận đơn khởi kiện qua mạng, cho phép người dân có thể gửi đơn khởi kiện trực tuyến mà không cần phải trực tiếp đến tòa. Tổng kết thí điểm vừa qua cho thấy, việc vận hành hệ thống này đã tiết kiệm đáng kể thời gian và chi phí của xã hội, đồng thời hạn chế việc tiếp xúc trực tiếp với các cán bộ tố tụng. Cùng với đó, Tòa án Nhân dân Tối cao đã tiến hành công khai các bản án trên internet và lập ra các tiện ích điện tử, giúp người dân có thể tham gia ý kiến hoặc đánh giá về bản án. 

Khẳng định đó là “những tín hiệu rất đáng mừng về một nền tư pháp công bằng, nghiêm minh”, đại biểu Nguyễn Thị Thủy cho rằng, những thành tựu của công tác tư pháp trong nhiệm kỳ đã khẳng định sự nỗ lực rất lớn của các cơ quan tư pháp dù trong điều kiện án tăng mạnh về số lượng, tăng về độ phức tạp và lại phải giảm biên chế theo yêu cầu chung nhưng đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, hoàn thành và vượt nhiều chỉ tiêu mà Nghị quyết của Quốc hội giao, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật. Qua đó, góp phần quan trọng giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội và thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển.

Chế độ, chính sách chưa tương xứng

Tuy vậy, các đại biểu cũng chỉ rõ, hoạt động của Tòa án, Viện Kiểm sát còn nhiều hạn chế cần khắc phục. Đó là, vẫn còn một số trường hợp án phải hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan; một số vụ án hình sự áp dụng sai tội danh, hình phạt, cho hưởng án treo chưa chính xác; một số vụ án kinh doanh thương mại giải quyết yêu cầu phá sản doanh nghiệp, thời gian giải quyết còn dài; một số vụ án hành chính xét xử chưa kịp thời, dư luận chưa đồng tình, tỷ lệ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm các loại án có nhiều chuyển biến tích cực so với đầu nhiệm kỳ nhưng vẫn chưa đạt chỉ tiêu Quốc hội giao…

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những tồn tại, hạn chế kể trên. Trong đó, một nguyên nhân được nhiều đại biểu Quốc hội chỉ ra cùng sự chia sẻ với ngành tòa án, kiểm sát chính là chế độ, chính sách cho đội ngũ cán bộ chưa tương xứng. 

Trong những năm qua, mặc dù điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện làm việc, chế độ chính sách đãi ngộ đối với các bộ, công chức các ngành tòa án và viện kiểm sát đã được Đảng, Nhà nước quan tâm và có những chuyển biến tích cực nhưng đến nay vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ đặt ra. Đặc biệt, trong bối cảnh hòa nhập quốc tế, nhiều đơn vị tòa án, viện kiểm sát chưa được xây dựng hoặc đã được đầu tư xây dựng nhưng xuống cấp trầm trọng, lạc hậu so với yêu cầu. Mặt khác, số lượng chính sách cũng như đãi ngộ của Nhà nước đối với cán bộ, công chức của ngành tư pháp hiện nay là rất khiêm tốn dẫn đến một số cá nhân, cán bộ chưa gắn bó thiết tha với ngành. Cá biệt, có một số trường hợp xin nghỉ việc, không tận dụng được chất xám của thẩm phán và kiểm sát viên có kinh nghiệm, có bề dày công tác. Nêu lên thực tế này, đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Chính (Hà Nội) kiến nghị Đảng, Nhà nước cần tiếp tục quan tâm hơn nữa đến cơ sở vật chất, chế độ, chính sách đãi ngộ đối với cán bộ, công chức ngành tư pháp, trong đó có hệ thống tòa án và kiểm sát, nhằm thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng được nhiệm vụ. 

Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, niềm tin vào tư pháp là một bộ phận hữu cơ của niềm tin vào chế độ. Những điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán có vinh dự gánh trọng trách giữ vững niềm tin của Nhân dân vào chế độ thông qua hoạt động tố tụng. Muốn vậy, họ phải giữ được sự liêm chính như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra. Để giữ được sự liêm chính thì cần phải “dưỡng liêm”. Theo ông, cách “dưỡng liêm” có hiệu quả nhất là cùng với sự tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất, đạo đức của các cá nhân cán bộ, công chức trong các cơ quan tư pháp thì Nhà nước cần phải bảo đảm thu nhập cho họ, ít nhất là ở mức trung bình của xã hội. “Cần có sự chăm lo một cách thiết thực cho họ. Có như vậy mới hoàn thiện được mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ tòa án, tư pháp trong sạch, vững mạnh và thực hiện tốt công tác cải cách tư pháp”, đại biểu Quốc hội Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh) đồng thuận.