FDI: “Lợi thế” có thể thành “thất thế”
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Trong chiến lược đầu tư vào Việt Nam của các nhà đầu tư Hàn Quốc do ông Sung Seog Ki, Giám đốc Phòng Thương mại Đại sứ quán Hàn quốc (KOTRA) tại Hà Nội vừa đưa ra tại Hội thảo Môi trường và Cơ hội đầu tư tại Việt Nam, thì ngành công nghiệp tập trung kỹ thuật như điện tử, sắt thép, linh kiện vật liệu vẫn được coi là một trọng tâm cùng với hướng mở rộng sang các lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, viễn thông, tài chính, phân phối bán lẻ…

Trước đó, trong khảo sát của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) với các nhà đầu tư Nhật Bản quan tâm tới thị trường Việt Nam vừa được công bố vào cuối tháng 11/2010, thì công nghiệp chế biến, chế tạo, đặc biệt là điện máy, cũng được coi là lĩnh vực tạo nên nhiều lợi nhuận nhất trong năm 2010. Mối quan tâm của các nhà đầu tư Nhật Bản trong năm 2011 tới thị trường Việt Nam cũng tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, ô tô, xe máy với khoảng 81,8% doanh nghiệp được khảo sát quan tâm.

Đây là lý do để đưa ra dự báo rằng, nguồn vốn FDI vào lĩnh vực chế biến, chế tạo sẽ tiếp tục tăng đều trong năm tới. Cùng với đó, các vị trí hàng đầu trong danh mục các quốc gia, nền kinh tế đầu tư vào Việt Nam sẽ tiếp tục là Hàn Quốc và Nhật Bản.

Tuy nhiên, trong nghiên cứu về Năng lực cạnh tranh Việt Nam năm 2010 vừa được công bố, GS. Micheal Porter (Trường kinh doanh Havard) cũng nhắc tới xu hướng dịch chuyển các dự án FDI trong lĩnh vực chế biến, chế tạo từ Trung Quốc sang Việt Nam sẽ tiếp tục tăng lên. “Vào thời điểm này, nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc đang tìm kiếm những địa điểm có tính cạnh tranh cao hơn để thay thế một số địa điểm tại Trung Quốc. Và Việt Nam với ưu thế là vị trí địa lý, văn hoá và những lợi thế về lao động rẻ vẫn được cho là quốc gia có lợi nhất trong xu thế chuyển dịch này”, ông Micheal Porter phân tích.

Ngay bản thân các doanh nghiệp Hàn Quốc khi nói tới chiến lược đầu tư vào Việt Nam cũng thẳng thắn nói tới kế hoạch xây dựng nền tảng đầu tư ở các quốc gia phụ cận như Việt Nam, Campuchia… khi rủi ro ở thị trường Trung Quốc tăng cao. Hơn thế, quan điểm mà ông Sung Seog Ki đưa ra trong chiến lược này là tập trung mở rộng xuất khẩu với vai trò là nơi sản xuất số lượng lớn trong ngắn hạn và tấn công thị trường nội địa với số dân 100 triệu người trong dài hạn.

Có lẽ, cũng phải nhắc tới kết quả khảo sát gần đây của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đối với các doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực may mặc và điện tử tại Hưng Yên, Hải Dương, Vũng Tàu, Bình Dương và Đồng Nai cho thấy, các doanh nghiệp này chỉ thực hiện những khâu đơn giản nhất trong dây chuyền sản xuất tại Việt Nam. Toàn bộ phần thiết kế, xác định dung lượng và các khâu tinh vi khác đều do công ty mẹ ở nước ngoài quyết định. Công ty mẹ cũng lo luôn cả việc cung cấp nguyên liệu đầu vào, phân phối và bán sản phẩm cuối cùng. Với mô hình gia công đơn giản điển hình dựa vào lao động giá rẻ và tiêu tốn năng lượng này, tác động tràn tích cực từ khu vực FDI sang khu vực doanh nghiệp trong nước, tới kỳ vọng về tăng năng suất lao động, tiếp cận công nghệ cao… sẽ không thể đạt được.

Trong phát biểu tại Quốc Hội, ĐBQH Phạm Xuân Thường (Thái Bình) đã nêu vấn đề giải quyết tình trạng chuyển giá, trốn thuế của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) .

ĐBQH Thường nêu rõ, năm 2009 toàn quốc có 1.358 doanh nghiệp FDI đang hoạt động thì có tới 56% số doanh nghiệp báo cáo làm ăn thua lỗ. Các doanh nghiệp này đều có công ty mẹ tại nước ngoài, hàng sản xuất ra 99% là xuất khẩu sang nước thứ ba.

Một doanh nghiệp FDI ở Tp.HCM liên tiếp trong ba năm báo cáo lỗ hàng nghìn tỷ đồng, có điều lạ là lỗ như vậy nhưng doanh nghiệp này vẫn mở rộng sản xuất, năm sau cao hơn năm trước.

Theo ĐBQH Thường, đây thực chất là hình thức chuyển giá để trốn thuế của doanh nghiệp, bằng cách nhập nguyên liệu đầu vào từ công ty mẹ với giá cao ngất ngưởng, hàng đầu ra xuất sang các nước có thuế suất bằng 0 hoặc thuế suất thấp, nên danh nghĩa theo báo cáo là lỗ ở công ty con, nhưng lại lãi cực lớn ở công ty mẹ.

Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh nói rằng trên thực tế Bộ Tài chính đã bắt tay vào việc chống chuyển giá từ lâu, nhưng đây “là một việc khó”. “Bộ đã tích cực trong việc triển khai thực hiện thanh tra, kiểm tra để hạn chế việc chống trượt giá, tuy nhiên việc chống trượt giá là vô cùng khó khăn, bởi vì việc xác định giá trị thiết bị, nhiên nguyên vật liệu nhập từ công ty mẹ nhìn trên hình thức giấy tờ là rất hợp pháp”.

Ông Ninh cho biết, khi Việt Nam gia nhập WTO, việc áp định bảng giá tối thiểu làm căn cứ vào đó xác định thuế đã phải huỷ bỏ và cơ quan quản lý phải chuyển sang xác định thuế trên cơ sở giá trị theo chứng từ hoá đơn. Chính vì thế, quá trình triển khai về thanh tra, kiểm tra rất khó khăn.

Thông tư 66 về chống chuyển giá được ban hành vào tháng 4/2010 được xem là một nỗ lực nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý cho việc chống chuyển giá. Theo Bộ trưởng Vũ Văn Ninh, Bộ Tài chính khi thanh tra 127 doanh nghiệp FDI lỗ nhiều liên tục trong 3 năm, cũng đã phát hiện khai lỗ không đúng là 1.450 tỷ đồng, truy thu vào ngân sách.

Thay vì chỉ thanh kiểm tra và xử phạt chung chung như trước, chống chuyển giá đã được “hình sự hoá” trong năm nay, khi mà cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án trốn thuế tại Khách sạn Equatorial, Tp.HCM.

Lịch sử thu hút đầu tư nước ngoài cho thấy trong hầu hết trường hợp vi phạm về thuế của doanh nghiệp FDI, cách xử lý thông thường vẫn là “xử lý hành chính”, phổ biến nhất là phạt và rồi… xong chuyện, với mức phạt mà nhiều doanh nghiệp sẵn sàng chấp nhận.

Theo tài liệu của cơ quan điều tra, Khách sạn Equatorial đã có hàng loạt sai phạm trong quá trình hoạt động. Trong hồ sơ chuyển giao cho cơ quan an ninh, Cục Thuế Tp.HCM nhận định từ năm 2003 đến 2008, khách sạn này không mở sổ sách kế toán theo quy định, không áp dụng hệ thống kế toán Việt Nam.

Ngoài ra, các phương thức đăng ký chuyển lỗ và xác định số liệu không nhất quán liên quan đến chênh lệch tỷ giá giữa các năm cũng chưa được liên doanh này thực hiện. Từ đó, cơ quan quản lý không thể xác định kết quả kinh doanh và xác định thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, khách sạn đã không kê khai nộp thuế nhà thầu hơn 6,3 tỉ đồng và kê khai thiếu tiền thuế phải nộp hơn 8,5 tỉ đồng. Việc ngành thuế chuyển hồ sơ sang cơ quan an ninh để khởi tố Khách sạn Equatorial có thể coi là một lời tuyên chiến đối với hành vi chuyển giá, cho dù ai cũng biết rằng đó là một cuộc chiến không hề đơn giản.

Việc ban hành Thông tư 66 được cộng đồng doanh nghiệp xem là động thái rõ nhất cho thấy quyết tâm của Bộ Tài chính trong việc thanh tra kiểm tra chống chuyển giá trong thời gian tới.

Công ty kiểm toán Deloitte, trong một tài liệu công bố gần đây, đánh giá rằng Thông tư 66 “là dấu hiệu cho thấy sau một thời gian gián đoạn, cơ quan quản lý thuế sẽ có những quan tâm mạnh mẽ hơn, sẽ có những động thái tích cực hơn đối với vấn đề chuyển giá. Điều này cũng có nghĩa là sẽ gia tăng các hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với vấn đề chuyển giá, đặc biệt tập trung vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài”.

Minh Đăng
Nguồn: Báo điện tử Tầm Nhìn