FDI vào nông nghiệp: Thêm ưu đãi, tăng hấp lực?
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Trước tiên, việc đầu tư của khối doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài (FDI) trong lĩnh vực nông nghiệp cho thấy vẫn còn rất khiêm tốn. Riêng trong 10 tháng năm 2015, theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), chỉ có 18 dự án FDI đầu tư vào lĩnh vực nông – lâm – thủy sản với tổng vốn cấp mới 176 triệu USD.

Còn theo Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN&PTNT), tính đến năm 2014, tổng số dự án lũy kế còn hiệu lực trong lĩnh vực nông nghiệp là 512 với tổng số vốn đăng ký trên 3,34 tỷ USD, chỉ chiếm 3,06% tổng số dự án FDI và 1,35% tổng số vốn đăng ký của các dự án FDI trong cả nước.

Ưu đãi cho khối ngoại

Giới chuyên gia kinh tế cho rằng việc thu hút dòng vốn FDI vào nông nghiệp còn yếu là do thiếu những chính sách đặc thù trong lĩnh vực nông nghiệp, nhất là các lĩnh vực cụ thể mà ta cần thu hút vốn ngoại và có lợi thế cạnh tranh.

Trong dự thảo mà Bộ NN&PTNT đang lấy ý kiến rộng rãi có đề xuất danh mục các lĩnh vực và ngành, nghề, ưu đãi đầu tư gồm 4 lĩnh vực: 1/Sản xuất và phát triển giống cây trồng, vật nuôi; 2/Sản xuất nguyên vật liệu phụ trợ tạo giá trị gia tăng tăng cao; 3/Chế biến sâu các sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản gắn với vùng nguyên liệu và xuất khẩu; 4/Sản xuất thuốc thú y, bảo vệ thực vật.

Bộ này cho rằng đây là những lĩnh vực mà năng lực sản xuất trong nước còn yếu, chưa đáp ứng được nhu cầu, vì vậy cần có vốn, công nghệ tiên tiến và công nghệ sạch từ Nhà đầu tư nước ngoài để tạo cú hích nhằm tăng năng lực cạnh tranh của ngành, giá trị gia tăng sản phẩm, an toàn vệ sinh thực phẩm, tạo thêm nhiều công ăn việc làm và thu nhập cho người nông dân.

Theo đó, nhà đầu tư nước ngoài thực hiện dự án đầu tư thuộc danh mục các dự án ưu đãi sẽ được hưởng nhiều ưu đãi như: Miễn giảm thuế, miễn giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất…Doanh nghiệp sẽ được giảm các loại thuế thu nhập doanh nghiệp; thuế xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

Một câu hỏi đặt ra là với nhiều ưu đãi như vậy trong tương lai, các doanh nghiệp FDI có hào hứng rót vốn đầu tư vào 4 lĩnh vực nêu trên? Theo Bộ NN&PTNT, Nghị định sẽ là công cụ pháp lý quan trọng của ngành nông nghiệp trong việc đưa ra các chính sách đặc thù và lĩnh vực ưu đãi đầu tư để kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

Thực tế hiện nay cho thấy khối ngoại dù có quan tâm đến nông nghiệp Việt Nam thì vẫn nhắm vào lĩnh vực phân phối, xuất nhập khẩu nông – lâm – thủy sản chứ chưa chú trọng khâu sản xuất, chế biến sâu vì sẽ ngốn một lượng vốn lớn từ việc xây dựng nhà máy cho đến liên kết vùng nguyên liệu. Đó là chưa kể những ưu đãi về thuế, về sử dụng đất liệu có đồng bộ với sự bất cập về hạ tầng giao thông nông thôn, rào cản từ thủ tục hành chính rườm rà…

Ưu tiên nông nghiệp công nghệ cao

Thực ra, trong lĩnh vực hút vốn FDI vào nông nghiệp, xu hướng đầu tư từ các doanh nghiệp Nhật Bản gần đây được cho là hình mẫu về đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao mà dự thảo nghị định này đang hướng đến ưu đãi.

Nếu hút được nguồn vốn FDI từ các quốc gia như Nhật Bản trong nông nghiệp sẽ giúp thúc đẩy chuyển giao công nghệ hiện đại cho ngành và các lĩnh vực cụ thể quan tâm, tiêu thụ nguyên liệu, cung cấp giống, vật tư chất lượng cao cho nông dân, tiếp cận thị trường quốc tế lớn hơn, tạo ra năng suất và giá trị cao.

Trong động thái mới nhất, từ ngày 7 đến 12/12, có 32 doanh nghiệp Nhật Bản (trong lĩnh vực ung cấp phân bón, giống, và máy móc nông nghiệp, mua sản phẩm và đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp) tham gia vào chương trình khảo sát nông nghiệp tại Việt Nam nhằm tiếp tục tìm kiếm các cơ hội đầu tư.

Nhận định của giới chuyên gia nông nghiệp cho rằng việc hợp tác với các nhà đầu tư Nhật Bản trong nuôi trồng, sản xuất, chế biến sau thu hoạch sẽ là cơ hội để nông nghiệp Việt chiếm lĩnh thị trường của nhiều nước trên thế giới, bởi Nhật Bản là một trong những quốc gia có yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm cao trên thế giới.

Giới phân tích cũng cho rằng đây là thời điểm nông nghiệp Việt Nam cần được chuyển giao công nghệ cao, giúp việc sản xuất nông nghiệp chuyển qua giai đoạn mới nhằm hướng đến mục tiêu nâng giá trị hàng nông sản xuất khẩu của khu vực FDI trong nông nghiệp trên cả nước từ 10-15% vào năm 2020 so với năm 2015 và 30- 40% vào năm 2030.

Tuy nhiên, không chỉ là các doanh nghiệp Nhật Bản, để hút vốn của khối FDI nói chung đầu tư vào nông nghiệp, Việt Nam cần phải xác định rõ những rào cản còn tồn tại nhằm sớm tháo gỡ, như thiếu một chiến lược dài hạn thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp, những hạn chế về tính minh bạch trong hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách…

Việc Bộ NN&PTNT đang dự thảo Nghị định về chính sách khuyến khích đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực nông nghiệp xây dựng là điều cần thiết trong lúc này. Nhưng để đạt mục tiêu nâng tổng số vốn FDI thực hiện đầu tư vào lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp lên mức 4,5 tỷ USD vào năm 2020 và 6 tỷ USD vào năm 2030, đồng thời nâng tỷ trọng vốn đầu tư FDI trong nông nghiệp trên tổng đầu tư FDI trong toàn bộ nền kinh tế lên mức khoảng từ 4-5% vào sau năm 2020 thì còn nhiều việc phải làm khi triển khai thực tế.

Thế Vinh
Nguồn: Thời báo Kinh Doanh điện tử