FDI vào Việt Nam cao nhất từ trước đến nay
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Kế hoạch thu hút FDI được đặt ra cho năm 2007 là 13 tỷ USD, thế nhưng số liệu thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa được công bố cho thấy, 12 tháng qua, cả nước đã thu hút được 20,3 tỷ USD vốn đầu tư đăng ký bao gồm cả cấp mới và tăng vốn, tăng 69,1% so với cùng kỳ năm trước, vượt 56% kế hoạch dự kiến.

Tổng vốn thực hiện cũng đạt kết quả khả quan là 4,6 tỷ USD, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm trước, vượt 2,2% kế hoạch năm đề ra (4,5 tỷ USD).

Trong 12 tháng, cả nước đã có 1.406 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký lên 17,6 tỷ USD, tăng 68,8% về số dự án và 94% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Số lượt dự án tăng vốn trong 12 tháng qua cũng đạt 361 lượt dự án với tổng vốn tăng thêm hơn 2,65 tỷ USD, bằng 74,3% về số dự án và 91,2% về vốn bổ sung so với cùng kỳ năm 2006.

Năm 2007, mặc dù chịu tác động của một số yếu tố không thuận lợi, đặc biệt là sự cạnh tranh gay gắt trong thu hút đầu tư nước ngoài, nhưng một lần nữa, đầu tư nước ngoài lại đem đến những tín hiệu vui cho nền kinh tế.

Bên cạnh vốn thực hiện của các doanh nghiệp FDI vượt kế hoạch 2,2%, doanh thu của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trong năm 2007 đạt 39,6 tỷ USD, tăng 34,8% so với cùng kỳ năm trước, xuất khẩu cũng đạt 19,7 tỷ USD, tăng 37,6% so với cùng kỳ năm 2006. Quy mô vốn đầu tư trung bình của mỗi dự án thời gian qua đạt gần 11 triệu USD, cao hơn mức bình quân cùng kỳ năm trước.

Đặc biệt, trong số các dự án mới cấp phép, có một số dự án có quy mô vốn đầu tư đăng ký lớn như dự án xây dựng nhà máy lọc dầu Vũng Rô tại Phú Yên, tổng vốn đầu tư 1,7 tỷ USD.

Đáng chú ý là nhiều nhà đầu tư đặc biệt quan tâm đến những dự án bất động sản. Kiên Giang đang chuẩn bị mặt bằng cho dự án Hòn ngọc châu Á tại Phú Quốc với quy mô 2 tỷ Euro của Tập đoàn uỷ thác Trustee Suisse (Thụy Sĩ). Tp.HCM cũng đã ký biên bản ghi nhớ với nhà đầu tư Berjaya Land Berhad, Malaysia xây dựng dự án Khu đô thị đại học quốc tế có quy mô vốn 3,5 tỷ USD. Hà Nội có thêm dự án xây dựng khách sạn – căn hộ cao cấp Keangnam của Hàn Quốc có vốn đầu tư 500 triệu USD cùng với dự án xây dựng cụm công trình công viên, khách sạn tại khu vực hồ Yên Sở của Malaysia với tổng vốn đầu tư lên 2 tỷ USD.

Năm 2007 cũng là năm “được mùa” của lĩnh vực công nghệ cao với việc triển khai nhiều dự án lớn, trong đó phải kể đến Công ty Compal xây dựng tại Vĩnh Phúc nhà máy sản xuất linh kiện điện tử, máy vi tính và thiết bị ngoại vi với vốn đầu tư 500 triệu USD; Công ty TNHH Jabil (Singapore) sản xuất bản mạch in với tổng vốn 100 triệu USD tại thành phố Hồ Chí Minh; Hai nhà máy công nghệ cao của Foxconn (Đài Loan) ở Bắc Ninh có tổng vốn 80 triệu USD.

Điểm nhấn trong hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 2007 là việc phân cấp mạnh mẽ về cho các địa phương. Tính đến nay, có 60 địa phương trong cả nước đã thực hiện việc cấp giấy phép đầu tư cho các dự án FDI theo các điều kiện phân cấp tại địa bàn.

Tp. HCM có nhiều nhất dự án được cấp giấy phép theo cơ chế phân cấp. Năm 2007, thành phố Hồ Chí Minh đã cấp 410 giấy phép đầu tư với tổng vốn đầu tư ước 2,5 tỷ USD. Mặc dù có không ít khó khăn, song dòng vốn FDI đã có sự tăng trưởng ngoạn mục, góp phần không nhỏ vào việc nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Với 20 năm triển khai Luật Đầu tư nước ngoài và 20,3 tỷ USD FDI năm 2007, một con số trùng hợp đầy ý nghĩa, khẳng định sự quan tâm chưa từng có của các nhà đầu tư đến thị trường Việt Nam.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Việt Nam