Gánh chịu nặng nề từ Covid-19, phải có ngay chính sách mà doanh nghiệp thực sự cần
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Doanh nghiệp đang ở đỉnh điểm của khó khăn, sau một năm gánh chịu những tác động nặng nề từ Covid-19, ở diện rộng. Việc có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp là cần thiết.

Khuyến nghị với các bộ, ngành về các gói chính sách bổ sung để hỗ trợ doanh nghiệp bị tác động bởi Covid-19, ông Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, câu hỏi khó nhất mà các gói chính sách phải trả lời là doanh nghiệp có tiếp cận được, có thực sự cần chính sách đó vào lúc này không.

 Ông Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ.

Thưa ông, giới kinh doanh đang tiếp tục khuyến nghị Chính phủ về các gói hỗ trợ mới, giúp doanh nghiệp vượt qua những tác động nặng nề của dịch bệnh. Ông nghĩ thế nào về điều này?

Trước hết, phải thấy rõ, doanh nghiệp đang ở đỉnh điểm của khó khăn, sau một năm gánh chịu những tác động nặng nề từ Covid-19, ở diện rộng. Việc có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp là cần thiết.

Nhưng, từ bài học trong thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp năm 2020, chúng tôi cho rằng, các bộ, ngành cần phải làm nhiều việc hơn, để trả lời được các câu hỏi cụ thể.

Ví dụ, năm 2020, ngành nào thiệt hại nặng nhất vì Covid-19; ngành, lĩnh vực nào cần hỗ trợ, hỗ trợ thế nào, các doanh nghiệp trong ngành đó đang gặp khó khăn gì, cần hỗ trợ gì…

Ví dụ, chúng ta thấy rõ, du lịch vô cùng khó khăn, đi kèm theo đó là nhà hàng, khách sạn, các dịch vụ vận chuyển, thương mại… Phương án hỗ trợ là gì? Tiền thì chắc là khó, vì ngân sách có hạn, nhưng còn cơ chế, cụ thể là những gì, vì sự đa đạng của các hoạt động đòi hỏi các cơ chế, chính sách phải cụ thể và tương thích với đặc thù của từng ngành, lĩnh vực.

Tôi chia sẻ khó khăn của các bộ, ngành trong việc đề xuất, xây dựng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng đây là việc phải làm và phải làm nhanh, ít nhất trong tháng 3 này phải hoàn tất để trình Chính phủ, trình Quốc hội tại kỳ họp sắp tới với các đề xuất, chính sách vượt thẩm quyền của Chính phủ…

Đơn cử, về chính sách hỗ trợ ngành du lịch, theo ông, có thể cân nhắc những phương án gì? “Hộ chiếu vắc-xin” mà doanh nghiệp, chuyên gia trong ngành du lịch đang đề xuất có thể được xem xét vào lúc này chưa, thưa ông?

Phải thấy rất rõ, khi nói đến du lịch là nói đến một chuỗi ngành, lĩnh vực đi kèm như tôi đã nhắc đến, nên du lịch có khách, sẽ tạo đầu vào cho vận chuyển, nhà hàng, khách sạn, thương mại… đang dư cung, tạo việc làm cho hàng triệu lao động. Khi đó, nhu cầu tiêu dùng mới trở lại, thúc đẩy sản xuất ổn định. Nếu chúng ta có thể mở cửa đón khách vào mùa du lịch hè và cuối năm 2021, thì rất có thể ngành này sẽ khôi phục được khoảng 80% doanh số của năm 2019.

Phải nhắc lại, du lịch – dịch vụ đang đóng góp 10% GDP. Nếu du lịch – dịch vụ hoạt động trở lại sớm, sẽ góp phần vào thực hiện kế hoạch tăng trưởng của Việt Nam trong năm nay, nhưng quan trọng hơn là tạo việc làm cho người lao động…

Nhưng câu hỏi là chúng ta đã sẵn sàng mở cửa chưa, thưa ông?

Tôi lại muốn đặt vấn đề là, chúng ta sẽ hành động thế nào trong bối cảnh nhiều nền kinh tế đang thúc đẩy kế hoạch hoàn tất tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 cho người dân vào quý II/2021 và có thể mở cửa vào quý III/2021? Quan điểm của tôi là cần lên các phương án sớm, để tùy theo tình hình thực tế có thể triển khai ngay.

Đặc biệt, Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ có đề nghị phương án xã hội hóa vắc-xin, để các doanh nghiệp, địa phương có thể chủ động nhập khẩu vắc-xin phục vụ nhu cầu của ngành, địa phương; nguồn vắc-xin từ ngân sách sẽ dành cho các đối tượng ưu tiên. Việc này thuộc thẩm quyền của Chính phủ, có thể thực hiện được ngay.

Nếu các cơ sở lưu trú, những người hoạt động trong ngành du lịch, vận chuyển khách… được tiêm vắc-xin sớm bằng nguồn vắc-xin xã hội hóa, phương án mở cửa du lịch với “hộ chiếu vắc-xin” là khả thi.

Lúc này, chúng ta phải tận dụng mọi nguồn lực, Chính phủ không thể lo hết được, nhưng cần thực hiện vai trò điều phối rõ ràng.

Một cách khái quát, theo ông, các gói giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tới đây cần lưu tâm những điểm gì?

Tôi muốn chia sẻ thông điệp mà các doanh nghiệp đã chia sẻ tại cuộc Đối thoại 2045 do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì đầu tháng 3 năm nay.

Thứ nhất, các doanh nghiệp tự tin về khả năng vượt qua khó khăn.

Thứ hai, họ cần sự minh bạch và kịp thời trong các chính sách, để doanh nghiệp không bị chậm chân trước các cơ hội mới.

Như vậy, các bộ, ngành cũng cần đánh giá, xem xét những điều kiện mới, đề xuất các phương án phù hợp và quan trọng là không bỏ lỡ cơ hội mới cũng như không bị chậm chân khi các nền kinh tế trong khu vực đã có kịch bản mở cửa trở lại rất cụ thể.