Gói kích thích kinh tế: Không phải là cứu cánh!
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

“Họa vô đơn chí,” cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới tồi tệ nhất kể từ Đại khủng hoảng xảy ra đúng vào lúc nền kinh tế Việt Nam đang rơi vào tình trạng bất ổn vĩ mô sâu sắc nhất kể từ Đổi mới.

Khủng hoảng kinh tế bên ngoài và bất ổn vĩ mô bên trong cùng nhau làm tốc độ tăng trưởng của Việt Nam giảm từ 8,5% trong năm 2007 xuống chỉ còn 6,2% trong năm 2008 và theo nhiều dự báo (như của IMF hay ADB), sẽ giảm tiếp xuống chỉ còn 5% trong năm 2009.

Cuối tháng 11-2008 Chính phủ đã đề xuất một gói kích thích trị giá 6 tỉ đô la nhằm ngăn chặn đà suy giảm kinh tế, hạn chế tình trạng thất nghiệp và cải thiện an sinh xã hội. Bài viết này sẽ chỉ ra rằng mỗi quốc gia thực hiện gói kích thích kinh tế trong những điều kiện hết sức khác nhau, và vì vậy những chính sách cụ thể và liều lượng của chúng cũng cần được điều chỉnh cho phù hợp.

Xuất phát từ điều kiện đặc thù của Việt Nam, bài viết này cho rằng gói kích thích hiện nay của Việt Nam không phải là cứu cánh, và trên cơ sở những phân tích này trình bày một số định hướng chính sách cần ưu tiên trong năm 2009.

“Mỗi nhà mỗi cảnh”

Để kích thích tăng trưởng kinh tế, các chính phủ có thể và nên sử dụng cả chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa. Tuy nhiên số liệu của bảng 2 cho thấy “dư địa” chính sách của các quốc gia rất khác nhau. Về chính sách tài khóa, trong khi ngân sách của Trung Quốc thặng dư nhẹ, của Thái Lan thâm hụt nhẹ thì ngân sách của Malaysia và Việt Nam (chưa kể các khoản chi ngoài ngân sách) thâm hụt nặng.

Điều này có nghĩa là nếu như Trung Quốc có thể rộng tay đẩy mạnh chi tiêu để kích cầu thì ba nước còn lại cần hết sức thận trọng để giữ ngân sách không bị thâm hụt tới mức không kiểm soát được. Đây là lý do tại sao Thái Lan chỉ viện đến gói kích thích có giá trị bằng 3,5% GDP, còn Malaysia thận trọng hơn chỉ chi 1% GDP.

Ở Việt Nam, chi ngân sách trung bình trong mấy năm gần đây lên tới 32% GDP. Một hệ quả của tình trạng chi ngân sách cao (và kém hiệu quả) là thâm hụt ngân sách kể cả các khoản chi ngoài dự toán của Việt Nam hiện nay có thể lên tới 7% GDP (theo ADB).

Nếu gói kích thích 6 tỉ đô la trở thành hiện thực thì mức thâm hụt trong năm 2009 sẽ có thể còn nặng nề hơn nữa. Điều này một mặt vượt quá sức chịu đựng của ngân sách, do vậy Chính phủ sẽ phải in thêm tiền hay đi vay để tài trợ thâm hụt và hệ quả có thể sẽ là một làn sóng lạm phát mới.

Vì những nguyên nhân có tính cơ cấu của lạm phát trong năm 2008 vẫn còn nên chính sách tiền tệ cần được mở rộng một cách thận trọng để tránh kích hoạt một làn sóng lạm phát mới.

Mặt khác, việc tăng thâm hụt ngân sách sẽ làm định mức tín nhiệm quốc gia suy giảm, và do đó làm tăng chi phí vay vốn của Chính phủ và doanh nghiệp trên thị trường quốc tế, đồng thời làm giảm hạn mức đầu tư vào Việt Nam của các nhà đầu tư quốc tế.

Một số người cho rằng trong hai năm trở lại đây, Việt Nam đã tích lũy thêm được một khoản dự trữ ngoại tệ đáng kể, dịp này có thể đem ra sử dụng cho gói kích thích. Tuy nhiên, cần nhớ rằng so với quy mô của nền kinh tế, nợ nước ngoài và kim ngạch nhập khẩu thì lượng dự trữ này của chúng ta là hết sức khiêm tốn.

Bên cạnh đó cũng cần lưu ý rằng với tình trạng nhập siêu nặng nề như hiện nay cùng với sự cạn kiệt dần của dòng vốn nước ngoài, nguy cơ suy giảm dự trữ trong năm 2009 là điều rất khó tránh. Vì vậy, Chính phủ phải hết sức cân nhắc trong việc sử dụng quỹ dự trữ vào mục đích kích cầu.

Tương tự như chính sách tài khóa, dư địa của chính sách tiền tệ ở Việt Nam cũng khá hạn chế. Vì những nguyên nhân có tính cơ cấu của lạm phát trong năm 2008 vẫn còn nên chính sách tiền tệ cần được mở rộng một cách thận trọng để tránh kích hoạt một làn sóng lạm phát mới.

Bên cạnh đó, một nền kinh tế mở và theo đuổi chính sách tỷ giá cố định như Việt Nam sẽ khó duy trì tính tự chủ của chính sách tiền tệ vì khi ấy chính sách tiền tệ phải chạy theo quy mô và chiều hướng lưu chuyển của dòng vốn nước ngoài.

Không những thế, với chế độ tỷ giá cố định, lãi suất giảm không những chưa chắc đã kích thích được doanh nghiệp và người dân tăng đầu tư và chi tiêu mà còn khuyến khích động cơ tích trữ vàng, ngoại tệ mạnh hay đầu tư quá mức vào bất động sản hay chứng khoán.

Bù 4% khi thiếu thông tinMọi chính sách, nhất là những chính sách trong tình huống “nước sôi lửa bỏng” đều có những mặt trái nhất định và chính sách bù lãi suất không phải là một ngoại lệ. Những hạn chế của chính sách này chủ yếu xuất phát từ tình trạng thông tin bất cân xứng (và những rủi ro tiềm tàng) vốn có giữa các ngân hàng thương mại (NHTM) – đóng vai trò trung gian trong hoạt động bù lãi suất – với một bên là Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và bên kia là doanh nghiệp.

Tình trạng bất cân xứng thông tin giữa các NHTM và khách hàng khiến nhiệm vụ của NHTM trong việc bảo đảm khách hàng sử dụng vốn hỗ trợ đúng mục đích trở nên khó khăn, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp có hoạt động phức tạp và có quan hệ tín dụng với nhiều ngân hàng. Chỉ doanh nghiệp mới biết trong số vốn mình vay, “đồng nào mua mắm, đồng nào mua tương”, còn NHTM rất khó biết, hoặc nếu muốn biết chính xác thì cũng rất tốn kém.

Bình thường thì đây đã là một vấn đề lớn, nhưng với chính sách hỗ trợ lãi suất thì động cơ và quy mô có thể lợi dụng của doanh nghiệp sẽ được khuếch đại thêm nhiều lần. Chẳng hạn như doanh nghiệp sẽ có động cơ đảo nợ (vay nợ mới với lãi suất thấp để trả nợ cũ với lãi suất cao), hay đơn giản chỉ là vay tiền với lãi suất hỗ trợ 6% ở một ngân hàng để gửi tiết kiệm với lãi suất 7-8% ở ngân hàng khác, hoặc thậm chí mua ngoại tệ vì đoán rằng đồng Việt Nam có thể sẽ tiếp tục giảm giá so với đô la.

Việc khó giám sát khoản vay cộng với chế độ chịu trách nhiệm của lãnh đạo ngân hàng làm cho rủi ro pháp lý (bên cạnh rủi ro tín dụng và rủi ro chính sách) trở thành mối lo ngại thường trực của các NHTM khi thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất của Nhà nước.

Để giảm bớt một số rủi ro này, các NHTM có thể sẽ chỉ tập trung vào việc hỗ trợ một số nhóm khách hàng nhất định, và do vậy hạn chế tác động lan tỏa của chính sách. Chẳng hạn như NHTM có thể chỉ hướng vào hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu để đổi lấy quyền mua lại ngoại tệ, và nhờ đó giảm bớt rủi ro tỷ giá. Một số NHTM cũng có thể sẽ ưu tiên cho doanh nghiệp nhà nước vay vì cho rằng nếu có chuyện gì xảy ra thì đã có nhà nước đứng đằng sau…

Nhìn từ góc độ kinh tế vĩ mô, chính sách hỗ trợ lãi suất có thể đưa đến một số hệ quả không mong muốn. Thứ nhất, đó là tình trạng gia tăng dư nợ tín dụng ảo – tức là mặc dù dư nợ tín dụng tăng nhưng vốn lại không đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh như mong muốn mà lại quay trở lại hệ thống ngân hàng hay đổ vào các hoạt động có tính đầu cơ vì những lý do đã thảo luận vắn tắt ở trên và vì những đồng vốn rẻ hơn giá thị trường thường rất dễ bị lạm dụng và phung phí.

Thứ hai, chính sách bù lãi suất khiến lãi suất thực tế thấp hơn nhiều so với lãi suất cân bằng thị trường sẽ làm xói mòn hiệu lực của chính sách tiền tệ. Hơn nữa, nếu phối hợp không khéo thì chính sách hỗ trợ lãi suất, chính sách lãi suất cơ bản và chính sách tỷ giá có thể không tương thích với nhau.

Chẳng hạn như nếu NHNN tiếp tục hạ lãi suất cơ bản thì vì mỗi khi lãi suất cơ bản hạ 1%, lãi suất hỗ trợ sẽ giảm 1,5% nên NHTM sẽ rất khó duy trì được thanh khoản và có lãi nếu tham gia tích cực vào chương trình hỗ trợ lãi suất.

Một ví dụ nữa là nếu như tỷ giá đô la Mỹ/đồng Việt Nam tiếp tục tăng thì doanh nghiệp sẽ có thêm động cơ lợi dụng khe hở của chính sách để vay tiền đồng với lãi suất hỗ trợ rồi chuyển sang đô la để hưởng lợi. Vì những lý do này, chính sách tỷ giá và lãi suất cần được thực hiện hết sức thận trọng vì nếu không khéo thì chính sách hỗ trợ lãi suất sẽ trở thành một ràng buộc cho chính sách tiền tệ vốn đã thiếu tính tự chủ của NHNN, và do vậy cản trở khả năng sử dụng chính sách tiền tệ một cách linh hoạt để kịp ứng phó với tình hình vẫn đang biến động nhanh hiện nay.

Lựa chọn chính sách

Trong hoàn cảnh không có nhiều lựa chọn chính sách có hiệu lực và hiệu quả như hiện nay, Chính phủ cần một mặt triển khai những chính sách ngắn hạn để đối phó với tình hình trước mắt, đồng thời chuẩn bị cho sự phục hồi của nền kinh tế trong nước và thế giới.

Trong ngắn hạn, một số ưu tiên chính sách quan trọng là: Thứ nhất, cố gắng hạn chế tình trạng mất việc làm, đồng thời hỗ trợ cho người thất nghiệp bằng các chính sách trợ cấp thất nghiệp, đào tạo và đào tạo lại để một mặt giúp họ vượt qua khó khăn trước mắt, mặt khác giúp họ tăng cường kỹ năng và khả năng chuyển đổi việc làm khi có cơ hội mới.

Thứ hai, hỗ trợ các hộ nghèo, đặc biệt là ở khu vực nông thôn. Chính phủ nên cân nhắc chính sách hoãn hay miễn học phí cho con em nông dân trong một thời gian. Chính phủ cũng có thể hỗ trợ nông dân bằng cách tiến hành bảo dưỡng, cải tạo hệ thống thủy lợi hay tiếp tục chính sách đảm bảo đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp.

Thứ ba, tiếp tục giúp đỡ khu vực doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp dân doanh duy trì hoạt động để vượt qua giai đoạn nhu cầu sụt giảm.

Thứ tư, cần tiếp tục từng bước điều chỉnh chính sách tỷ giá trong mối quan hệ với chính sách lãi suất tiền đồng và đô la một cách hợp lý. Thứ năm, vì tỷ trọng đầu tư công của Việt Nam hiện nay đã rất cao nên ưu tiên không phải là tiếp tục đẩy mạnh đầu tư công (để giảm bớt gánh nặng cho ngân sách) mà là điều chỉnh cơ cấu và tăng cường hiệu quả cho đầu tư công.

Cần nhắc lại là trong quá trình triển khai những chính sách này, Chính phủ cần lường trước những hệ quả không mong muốn và những khe hở dễ bị lợi dụng của chính sách để chuẩn bị những biện pháp hạn chế những hệ lụy tiêu cực.

Vì mọi cuộc khủng hoảng dù tồi tệ đến đâu cũng phải có hồi kết thúc nên chính phủ cũng cần chuẩn bị cho sự phục hồi của nền kinh tế thế giới và trong nước. Những bất ổn vĩ mô có tính nội tại cùng với tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới đã giúp chúng ta nhận diện rõ những yếu kém nội tại, có tính cơ cấu của nền kinh tế.

Đây chính là lúc chúng ta cần sáng suốt và đẩy mạnh quyết tâm khắc phục những yếu kém nội tại, thực hiện những cải cách có tính cơ cấu tuy rất khó khăn nhưng hứa hẹn sẽ đưa Việt Nam trở lại quỹ đạo tăng trưởng nhanh và bền vững.

TS. Vũ Thành Tự Anh 

Bảng 1: Dự báo của IMF về triển vọng kinh tế thế giới

Thời gian thực hiện dự báo

11-2008

1-2009

2007

2008

2009

2009

2010

Thế giới

5,0

3,7

2,2

0,5

3,0

Các nước phát triển

2,6

1,4

-0,3

-2,0

1,1

Mỹ

2,0

1,4

-0,7

-1,6

1,6

Khu vực euro

2,6

1,2

-0,5

-2,0

0,2

Nhật Bản

2,1

0,5

-0,2

-2,6

0,6

Các nước đang phát triển và mới nổi

8,0

6,6

5,1

3,3

5,0

Trung Quốc

11,9

9,7

8,5

6,7

8,0

Việt Nam

8,5

6,25

5,0

NA

NA

ASEAN 5

6,3

5,4

4,2

2,7

4,1

NA: không có thông tin

Bảng 2: Điều kiện vĩ mô của Việt Nam và một số nước trong khu vực (2008)

Trung Quốc

Malaysia

Thái Lan

Việt Nam

Tốc độ tăng GDP [2007]

[11,9%]

[6,3%]

[4,9%]

[8,5%]

2008

9,1%

5,1%

3,4%

6,2%

Quy mô gói kích thích (tỉ đô la)*

586,0

1,9

8,7

6,0

Quy mô gói kích thích (% GDP)*

16,7%

1,0%

3,5%

6,8%

Thặng dư ngân sách (% GDP) **

0,2%

-5,4%

-1,4%

-4,5%

Chi tiêu ngân sách (% GDP)

20,4%

26,1%

19,3%

27,6%

Thặng dư tài khoản vãng lai (% GDP)

10,5%

10,6%

-1,0%

-13,7%

Dự trữ ngoại hối (tỉ đô la)

1995

100

103

23

Chỉ số giá tiêu dùng (%)

6,2%

5,7%

5,8%

22,4%

Lãi suất cho vay (%)

6,7%

6,0%

7,2%

16,1%

Nhập khẩu (% GDP)

41%

110%

56%

117%

Nguồn: Economist Inteligence Unit

Ghi chú: (*) Quy mô gói kích thích của các nước không thực sự có tính so sánh do cách tính của mỗi nước một khác, đôi khi chỉ là kết quả của những kỹ xảo chính trị.

(**) Số dương là thặng dư, số âm là thâm hụt ngân sách. Thâm hụt ngân sách của Việt Nam chưa bao gồm các khoản chi ngoài ngân sách.


 Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online