Giá cả sẽ “hạ nhiệt” trong quý 4/2008
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Thứ nhất, thủ phạm chính gây lạm phát phi mã trong một thời gian dài sẽ tiếp tục được chế ngự.

Trước hết, nhìn vào “rổ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng” của nước ta có thể thấy rằng, giá của nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống chiếm 42,85% trong “rổ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng” ba tháng vừa qua lần lượt chỉ tăng 0,99%; 1,56% và 0%, cho nên cũng là nguyên nhân chủ yếu khiến giá tiêu dùng chỉ tăng với tốc độ “rất dễ chịu” 0,95%/tháng.

Trong đó, việc giá của nhóm hàng này ngừng tăng có phần rất quan trọng là do giá lương thực đã rơi tự do, bởi sau sáu tháng “bốc lửa” với tổng mức tăng 59,44%, ba tháng vừa qua đã lần lượt giảm 0,37%, 1,10% và 1,75%.

Do vậy, hoàn toàn có căn cứ để tin rằng giá lương thực những tháng sắp tới sẽ ổn định, thậm chí có thể tụt dốc, kéo giá tiêu dùng xuống thấp. Sản lượng lúa năm nay ước tăng 2,6 triệu tấn, không chỉ cao kỷ lục trong suốt hai thập kỷ qua, mà còn “tự cổ chí kim” chưa từng có.   Trong khi đó, cho dù đạt được mục tiêu 4,5 – 4,6 triệu tấn, nhưng khối lượng gạo xuất khẩu như vậy vẫn chỉ là “giẫm chân tại chỗ” như ba năm qua, cho nên tồn kho dự trữ trong nước tất yếu sẽ tăng đột biến. Khả năng giá gạo vẫn tiếp tục tụt dốc cùng giá gạo thế giới trong những tháng tới là rất lớn.

Thứ hai, với một nền kinh tế “sống nhờ” vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu như nước ta, việc giá nguyên liệu thế giới tiếp tục xu thế hạ nhiệt là một yếu tố cực kỳ quan trọng khiến giá cả trong nước tiếp tục hạ nhiệt.

Các số liệu thống kê của IMF cho thấy, giá nguyên liệu thế giới trong tháng 7 đã chững lại (chỉ tăng 1,62%), còn hai tháng 8 và 9 liên tục rơi tự do với các mức giảm 10,69% và 9,92%.

Còn về ba tháng cuối năm nay, có hai lý do để tin rằng, xu thế hạ nhiệt này sẽ còn tiếp tục.

Một là, trái với thực trạng càng cuối năm càng tăng trong điều kiện xu thế sốt nóng còn tiếp tục tăng trong những năm trước, trong những năm sốt nóng đã lên tới mức “đỉnh” như năm nay, ba tháng cuối năm thị trường thế giới bao giờ cũng hạ nhiệt mạnh so với chín tháng đầu năm.

Kết quả tính toán từ các số liệu thống kê của IMF cho thấy, bình quân trong ba năm sốt nóng chưa đạt mức “đỉnh” như 2005, 2006 và 2007, giá nguyên liệu thế giới ba tháng cuối năm tăng 8,35% so với chín tháng đầu năm. Thế nhưng, ngược lại, bình quân trong ba năm sốt nóng giá nguyên liệu thế giới đã đạt mức “đỉnh” như 1981, 1991 và 1996 trong ba chu kỳ sốt nóng 1980 – 1984, 1988 – 1992 và 1994 – 1997, giá nguyên liệu phi lương thực, thực phẩm ba tháng cuối năm giảm 5,92%, còn giá của nhóm hàng nguyên liệu còn lại giảm 6,58%.

Hai là, triển vọng u ám của kinh tế thế giới những tháng cuối năm là điều chắc chắn, cho nên giá nguyên liệu thế giới chắc chắn cũng sẽ “mềm hơn” và “hiệu ứng” giảm giá trong nước chắc chắn sẽ còn mạnh hơn.

Thứ ba, có nhiều căn cứ để cho rằng, các thị trường đầu ra của nền kinh tế nước ta những tháng cuối năm sẽ không thuận lợi, nên xu thế giá cả tiếp tục hạ nhiệt gần như là điều chắc chắn.

Về thị trường xuất khẩu, với việc giá cả thế giới “rơi tự do” trong hai tháng vừa qua, chúng ta cũng đã phải đối mặt với những khó khăn này và đương nhiên xu thế này sẽ còn tiếp tục mạnh lên.

Bên cạnh đó, việc hầu như tất cả những thị trường xuất khẩu chủ yếu của nước ta đều phải vật lộn với cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay cũng đồng nghĩa với việc chúng ta gần như chắc chắn sẽ phải đối mặt với những khó khăn không nhỏ trong việc duy trì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu. Khi khả năng hút hàng của thị trường này giảm thì lực ép khiến giá cả trong nước không thể tăng nhanh sẽ càng lớn.

Cuối năm nay sẽ là “mùa tiêu dùng” kém sôi động so với những năm gần đây. Lạm phát tăng phi mã trong một thời gian rất dài khiến một bộ phận rất đông đảo dân cư chắc chắn đã phải “dốc túi” chi tiêu cho những nhu cầu thường nhật, đặc biệt là những bộ phận dân cư “yếu thế” trong xã hội, cho nên ảnh hưởng đáng kể đến sức mua xã hội trong những tháng tới.

 Việc tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng chín tháng đầu năm tăng cao ngất ngưởng 30,1%, nhưng nếu loại trừ yếu tố tăng giá thì “co lại” chỉ còn vỏn vẹn 6% đủ cho thấy ảnh hưởng rất xấu của lạm phát phi mã đến sức mua xã hội.

Tiếp theo, đó là tốc độ tăng trưởng kinh tế năm nay gần như chắc chắn thấp, đồng nghĩa với thu nhập của đại đa số dân cư tăng chậm lại và sức mua xã hội cũng yếu một cách tương ứng,

Việc giá tiêu dùng trong quý này chỉ xoay quanh mức tăng khoảng 1 – 1,4% là điều hoàn toàn có thể tính tới.

Nguồn: Báo điện tử Sài Gòn Tiếp thị