Giá cả tăng cũng không điều chỉnh thuế thu nhập cá nhân
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, đồng tiền VN đã mất giá 45,6% từ năm 2001 đến cuối năm 2007 và mất thêm 12% trong 4 tháng đầu năm nay. Tại thời điểm áp dụng thuế thu nhập cá nhân 1/1/2009, khoản giảm trừ gia cảnh 4 triệu đồng có thể thành lạc hậu.

Theo ông Phong, trong hai năm qua (2006-2007), lạm phát đã tăng tới 25% và dự báo sẽ là 30% vào cuối năm nay. Với tốc độ trượt giá này, mức giảm trừ để nộp thuế thu nhập phải tương ứng với 6 triệu đồng một tháng mới phù hợp.

Mức trượt giá 30% có nghĩa 4 triệu đồng của đầu năm 2006 chỉ có giá trị bằng 2,8 triệu đồng vào cuối năm 2008.

Một chuyên gia của Viện nghiên cứu kinh tế TP HCM nhấn mạnh, Luật chỉ khả thi và huy động được khả năng đóng góp của nhân dân khi mức thu nhập đã đảm bảo nhu cầu tiêu dùng và tích lũy tối thiểu. Ông này cũng đồng tình rằng mức giảm trừ 4 triệu đồng là quá thấp, cần phải điều chỉnh lên mức cao hơn có thể là 6-7 triệu đồng.

Mặt khác, người dân và công chức sống tại các khu đô thị luôn chịu áp lực giá, phí, lệ phí, thuế… cao hơn các vùng khác. Hà Nội và TP HCM đang ở trong danh sách các thành phố có giá sinh hoạt đắt đỏ nhất khu vực và thế giới. “Mức 4 triệu đồng sẽ thật sự “lạc hậu” rõ rệt đối với những vùng này”, vị chuyên gia nói.

Phó vụ trưởng Vụ chính sách thuế Bộ Tài chính Nguyễn Văn Phụng cho rằng, thuế thu nhập cá nhân khác với thuế thu nhập cao ở chỗ, thuế thu nhập cao có mức khởi điểm tính thuế. Khi đã có mức khởi điểm thì sẽ có việc điều chỉnh mức đó khi vật giá leo thang. “Còn với thuế thu nhập cá nhân theo tôi lẽ ra phải tính từ đồng thu nhập đầu tiên, tuy nhiên khi xây dựng Luật đã tính đến điều kiện thực tế của VN nên mới đưa khoản giảm trừ gia cảnh để giảm áp lực cho người nộp thuế”, ông Phụng nói.

Ông Phụng cho rằng dù giá cả có tăng hay không thì việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh lúc này là không cần phải đặt ra, bởi lẽ thuế thu nhập cá nhân không dựa trên cơ sở trượt giá. Con số 4 triệu đồng là mức vạch ra để xác định trước mắt có bao nhiêu người nộp thuế, chứ không phải cứ có thu nhập trên 4 triệu đồng là phải đóng thuế.

Ông Phụng khẳng định, mức khởi điểm đã được Quốc hội quyết định và sẽ thực hiện, hiện tại chưa có bất cứ một sự thay đổi nào. Hiện tại, Bộ Tài chính đang hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thực hiện thuế Thu nhập cá nhân trên cơ sở mức khởi điểm là 4 triệu đồng một tháng.

Khi đưa Dự luật thuế này ra bàn tại Quốc hội hồi tháng 11 năm ngoái, khái niệm “mức khởi điểm chịu thuế” đã được bỏ đi, thay bằng “giảm trừ gia cảnh”. Theo văn bản Luật được thông qua, bản thân người nộp thuế được giảm trừ tối đa 4 triệu đồng một tháng (tương đương với 48 triệu đồng một năm), và giảm trừ 1,6 triệu đồng một tháng cho mỗi cá nhân phụ thuộc như cha mẹ già, người tàn tật, vợ, con nhỏ dưới 18 tuổi…

Việc xác định người phụ thuộc chủ yếu dựa trên các giấy tờ, hồ sơ đã có của người phụ thuộc như giấy khai sinh, giấy đăng ký kết hôn, giấy xác nhận về tình trạng sức khỏe, khả năng lao động. “Điều này đồng nghĩa với việc một người thu nhập một tháng 5-10 triệu đồng thậm chí cao hơn chưa chắc đã phải đóng thuế, nếu như người ấy chứng minh được rằng họ đang phụng dưỡng mẹ già, nuôi vợ và con nhỏ”, ông Phụng nhấn mạnh.

Nguồn: Báo điện tử VnExpress