Giá gạo thế giới tăng đang có lợi cho các nhà xuất khẩu Việt Nam
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Giá tăng có lợi cho xuất khẩu

Hiện giá gạo trên thị trường thế giới đang tăng mạnh do Philippin mở thầu nhập khẩu khoảng 1,2 triệu tấn gạo trong tháng tới nhằm bù đắp nhu cầu thiếu hụt trầm trọng trong nước sau cơn bão, lụt lớn hồi tháng trước đã làm mất mùa lúa.

Mới đây, Ấn Độ vừa công bố sẽ nhập khẩu 3 triệu tấn gạo trong năm tới, trước mắt sẽ mở thầu mua 30.000 tấn gạo trăng loại 25% tấm để bù đắp sản lượng gạo thiếu hụt do bị ảnh hưởng bất lợi của thời tiết. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) giá gạo thế giới đã tăng thêm 70 USD/tấn so với tháng trước và đang trên đà tăng có lợi cho Việt Nam. Đến nay, số lượng hợp đồng đăng ký xuất khẩu của Việt Nam đã lên đến 6,453 triệu tấn, trong đó số lượng đã giao hàng là 5,425 triệu tấn… Hiện nay, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã tăng lên hơn 40 -50 USD/tấn và đang có chiều hướng tăng nữa. Các thành viên VFA đã thống nhất không hạ giá sàn gạo xuất khẩu. Hiện giá giao dịch gạo 25% tấm của Việt Nam đã được nâng từ 350 lên 390 USD/tấn; gạo 5% tấm đã được nâng lên từ 380 lên 430 USD/tấn. Lý do không hạ giá sàn xuất phát từ những diễn biến thị trường trong nước và quốc tế.

Theo đó, nhu cầu gạo của thế giới vẫn còn rất lớn nhưng do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế nên tốc độ nhập khẩu gạo sẽ chậm hơn những năm trước, tạo ra khó khăn cho các nhà xuất khẩu. Trong khi đó, ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng cũng tác động tới các nước có truyền thống viện trợ cho những nước nghèo thiếu lương thực. Thay vì mua gạo dự trữ trong kho như trước thì nay ,chỉ viện trợ khi có nhu cầu thật cần thiết.

Mới đây, Tổng công ty Lương thực miền Nam đã trúng thầu cung ứng 150.000 tấn gạo cho Philippin với giá 480 USD/tấn (trong gói thầu nhập khẩu 250.000 tấn của Philippin). Theo kế hoạch, ngày 1/12/2009, Philippine tiếp tục mở thêm gói thầu nhập khẩu 600.000 tấn nữa. Đây là cơ hội cho các nhà xuất khẩu gạo Việt Nam bởi nhiều khả năng giá sẽ lên đến 560 USD/tấn. VFA đưa ra dự báo giá gạo thế giới còn tiếp tục tăng, kể cả trong năm 2010 do thị trường thế giới đang có dấu hiệu “sốt” gạo bởi nhu cầu tăng.

Giá lúa gạo trong nước tăng nhưng sẽ không gây sốt

Giá gạo thế giới đang tăng trong khi ở trong nước, bão lũ tàn phá miền Trung trong tháng qua, cùng với thông tin dự báo hạn hán ở các tỉnh phía Bắc đã đẩy giá lúa gạo trong nước tăng nhanh kỷ lục trong nửa đầu tháng 11 này. Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo, dù giá lúa gạo tăng nhưng khó lòng xảy ra cơn sốt gạo như tháng 4 năm ngoái. Tại huyện lúa Đông Hòa – Phú Yên, nơi bị thiệt hại nặng bởi cơn bão số 11 vừa qua, đầu tháng 11 giá lúa thường loại khô chỉ 4.300 đồng/kg nhưng tới 17/11 đã lên 4.750 đồng.

Do giá lúa gạo thế giới tăng, xuất khẩu gạo đang thuận lợi nên nhiều thương nhân tích trữ lúa gạo, găm hàng không bán ra, chờ giá lên. Tại Đồng bằng sông Cửu Long, ngược với một vài tháng trước lúa đứng giá hay giảm nhẹ, thì từ đầu tháng 11 tới nay giá lúa liên tục tăng. Hiện giá lúa bình quân 4.800-5.200 đồng/kg, tăng hơn 1.000 đồng/kg so với đầu tháng 10. Không chỉ tăng giá mà các doanh nghiệp xuất khẩu còn không mua được lúa gạo vì lúa hàng hóa không còn nhiều. Giá gạo nguyên liệu loại 1 hiện 6.300-6.400 đồng/kg nhưng với các loại gạo chất lượng cao, gạo thơm giá hơn 11.000 đồng/kg. Tại TP. Hồ Chí Minh, giá gạo thường (gạo hạt dài dành cho xuất khẩu) trong vòng 1 tuần qua tăng thêm 500-1.000 đồng/kg, cá biệt có loại tăng 1.500 đồng/kg; trong khi các loại gạo tốt gần như không tăng. Theo các chủ vựa gạo, giá gạo thường dành cho xuất khẩu tăng là do doanh nghiệp mua gom hàng để thực hiện các hợp đồng xuất khẩu.

Xu hướng tăng giá gạo sẽ làm diễn biến thị trường gạo trong nước theo chiều hướng xấu, ảnh hưởng tới người tiêu dùng, nhưng VFA nhận định cũng không đáng lo ngại xảy ra sốt gạo vì hiện lượng gạo tồn kho của các doanh nghiệp xuất khẩu thuộc hội viên của VFA là khoảng 1,7-1,8 triệu tấn, các doanh nghiệp ngoài VFA khoảng 0,7 triệu tấn nên theo chủ tịch VFA là thừa sức giao cho khách hàng hơn 1,2 triệu tấn gạo theo các hợp đồng đã ký. Nếu cân đối nhu cầu giao gạo và lượng gạo đang tồn kho thì chúng ta còn ít nhất 800.000 tấn gạo để dự phòng khi cần thiết. Lúa hè thu hiện không còn lúa hàng hóa nhưng nông dân ĐBSCL đang thu hoạch lúa vụ 3 (vụ thu đông) ước chừng 1 triệu tấn gạo hàng hóa. Dù hợp đồng xuất khẩu năm nay có tăng mạnh nhưng sản lượng gạo trong nước không chỉ đủ, mà còn thừa dành cho gối đầu xuất khẩu quý 1 năm tới.

Tuy nhiên, để tránh nguy cơ xảy ra một cơn sốt gạo ảo như hồi tháng 4 năm ngoái, đầu tháng 11, VFA có công văn gửi các tỉnh đề nghị hợp tác với VFA để có phương án đối phó với khả năng sẽ xuất hiện những tin đồn thất thiệt về việc thiếu gạo, dễ gây nên một cơn sốt gạo mới trong nước. Từ sau cơn sốt gạo hồi năm ngoái, các doanh nghiệp hội viên VFA đã chú trọng nhiều hơn tới việc xây dựng hệ thống phân phối ở thị trường trong nước và sẵn sàng tung gạo ra bán khi cần thiết.

Kim Hiền
Nguồn: Báo điện tử Công thương