Giá tranh Việt
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Có lẽ do gene từ ông ngoại nên tôi thích vẽ. Tôi dành hơn 30 năm nghiên cứu về hội họa, tập trung vào hội họa Đông Dương.

Tôi may mắn có những quan hệ tương đối mật thiết với hậu duệ của danh họa Victor Tardieu và bậc thầy Inguimberty nên được tiếp cận nhiều tài liệu tiếng Pháp về mỹ thuật Đông Dương. Tôi cũng tìm thấy rất nhiều hồ sơ của Victor Tardieu tại Viện nghệ thuật quốc gia Pháp, gom gộp chúng lại với lưu trữ của gia đình.

Càng đọc tư liệu, xem nhiều tác phẩm của danh họa Đông Dương, tôi càng say mê. Trong những lưu trữ của gia đình tôi có một văn bản viết tay rất xưa cũ trình bày ý tưởng của ông ngoại tôi, họa sĩ Nam Sơn Nguyễn Văn Thọ, về việc lập một trường mỹ thuật.

“Lập nên một đại học để đào tạo lấy nghệ sĩ có tài duy trì nền tảng mỹ thuật của tổ tiên để lại, ngõ hầu cải tạo, sáng lập lấy một nền mỹ thuật Đông Phương có cá tính Việt Nam”, ông tôi viết.

Tốt nghiệp trường Bưởi năm hai mươi tuổi, ông ngoại tôi vào làm tại sở Tài chánh Đông Dương cùng với Tú Mỡ Hồ Trọng Hiếu và Nhất Linh Nguyễn Tường Tam. Vì có khiếu vẽ, biệt hiệu Nam Sơn đã xuất hiện thường xuyên qua các tranh bìa, minh họa bằng bút lông, bút sắt, mực nho trang trí cho các báo chí thời bấy giờ như Đông Dương tạp chí hay Nam Phong tạp chí, Viễn Á.

Khi gánh vác việc trang trí cho Hội quán sinh viên An Nam tại số 9 đường Vọng Đức, ông tôi được Chủ tịch danh dự của hội quán, cũng là Giám đốc Nha chính trị của Phủ toàn quyền Đông Dương, ông Louis Marty, giới thiệu với họa sĩ danh tiếng người Pháp Victor Tardieu năm 1921.

Ban đầu, Victor Tardieu tỏ vẻ ngần ngại vì ông thường tuyên bố “trong nghệ giới có rất nhiều người được triệu đến song rất ít được chọn”. Nhưng sau khi xem tranh vẽ của Nam Sơn, ông đã nhận hướng dẫn chàng trai trẻ vào con đường nghệ thuật.

Niềm say mê hội họa đã khiến Nam Sơn trình bày với Victor Tardieu ý tưởng “ngông cuồng”, mở ra một trường Mỹ thuật, bởi ông biết giáo sư sẽ trở về Pháp và có thể vĩnh viễn không quay lại nơi đây.

Victor Tardieu viết phúc trình “Nghệ thuật An Nam trong quá khứ, hiện tại và tương lai” đệ trình Toàn quyền Đông Dương. Bản phúc trình được chuẩn y bởi Toàn quyền Martial Merlin.

Ngày 27/10/1924, xuất hiện trong Công báo nghị định thành lập ngôi trường dưới tên trường Mỹ thuật Đông Dương, trực hệ Giáo đoàn Pháp tại Hà Nội, dưới sự hướng dẫn và kiểm soát của nha Học chính. Victor Tardieu là hiệu trưởng.

Ngày 1/10/1925 đánh dấu buổi khai trường Mỹ thuật Đông Dương. Nam Sơn là trợ giáo, thư ký, quản lý chi tiêu và thủ thư cùng đồng sự Inguimberty đã chuẩn bị buổi tuyển sinh được tổ chức cùng lúc tại Hà Nội, Huế, Sài Gòn, PhnomPenh và Vientiane với sự tham dự của 270 thí sinh. Chương trình học ba năm được mở đầu với 10 sinh viên trúng tuyển và khoảng hai mươi thí sinh dự bị.

Cuộc hành trình về phương Đông của Victor Tardieu những tưởng chỉ một năm theo học bổng của Giải thưởng Đông Dương, nhưng giữ chân ông ở lại xứ này đến hết cuộc đời.

Trong suốt thời gian làm hiệu trưởng, ông đã không ngừng nâng cao trình độ của sinh viên bằng cách dung hòa hai nền mỹ thuật Đông – Tây. Các thầy Pháp hướng dẫn học sinh Việt vẽ theo cách Tây, nhưng dùng tâm tình Việt. Điều đó tạo nên một dòng nghệ thuật hoàn toàn khác, mà cho đến giờ nó vẫn còn nguyên giá trị.

Dấu ấn của thời kỳ này sâu sắc đến mức tạo ra trường phái tranh Đông Dương. Ngày càng có nhiều nhà sưu tập quốc tế yêu thích dòng tranh này.

Kỷ lục họa phẩm Portrait of Mademoiselle Phuong (tạm dịch: “Chân dung cô Phương”) của họa sĩ Mai Trung Thứ vừa đạt giá 3,1 triệu USD, khoảng 72,3 tỷ đồng, chỉ là một trong nhiều bằng chứng cho thấy mỹ thuật Đông Dương ngày càng có chỗ đứng trên thị trường nghệ thuật thế giới.

Đây là niềm hân hoan cho mỹ thuật Việt, tuy ta không thể đánh giá nghệ thuật qua giá trị kinh tế. Nhưng, nhìn nhận thẳng thắn, tôi cho rằng giá trị cũng như sự nhận biết tranh Đông Dương và nền mỹ thuật Việt trên thị trường quốc tế vẫn chưa xứng tầm.

So sánh với các dòng tranh khác tại châu Á như Trung Quốc hay Nhật Bản, giá trị tranh Đông Dương phải hơn thế. Tôi tin rằng, những kỷ lục như 1,4 triệu USD bức “Khỏa thân” của cố danh họa Lê Phổ hay 3,1 triệu USD của “Chân dung cô Phương” sẽ bị phá vỡ trong một ngày rất gần. Những mức giá mới sẽ có thể là 4-5 triệu USD.

Có buồn không khi giá tranh đồng môn của ông tôi bên Pháp là họa sĩ Foujita, Nhật Bản và Từ Bi Hồng, Trung Quốc đã lên đến hàng chục triệu USD, còn tranh mình cán mốc 3 triệu USD thì đã vui mừng lắm, trong khi tầm mức của tranh Đông Dương nào kém tranh của Foujita hay Từ Bi Hồng.

Một nguyên nhân của câu chuyện khiến thị trường tranh Việt một thời gian dài như đứa trẻ không lớn được, giới sưu tập, giới chuyên môn nước ngoài không đánh giá cao, là do chính chúng ta.

Từ khi dòng tranh quý Đông Dương được khai quật và trả giá tương đối cao trong thời kỳ các họa sĩ Việt vẫn khó khăn, thị trường tranh trong nước bỗng phát triển nhanh do số nhà sưu tập, nhà đầu tư tăng dần. Người Việt thấy cái lợi trước mắt, lập nên hàng loạt lò tranh giả, khéo léo đưa những bức tranh ấy sang nước ngoài đấu giá. Rồi những nhà sưu tập lại mua chúng đem về nước. Ví dụ điển hình là tranh của Bùi Xuân Phái, đến nỗi thiên hạ phải thảng thốt kêu lên: “Họa sĩ Bùi Xuân Phái mất rồi mà sáng tác nhiều hơn lúc ông còn sống!”.

Vấn nạn tranh giả khiến ngành mỹ thuật không nâng tầm lên được như các nước Đông Á. Mỹ thuật Việt vẫn chưa được định vị trên thị trường.

Ở Pháp cũng như nhiều nước, tất cả đều rõ ràng ngay từ trứng nước. Luật lệ được đặt ra chặt chẽ để bảo vệ tác giả. Pháp, Mỹ, Nhật, Thụy Điển, Bỉ… đều đã ban hành những quy định rất rõ ràng, cụ thể về bảo vệ quyền tác giả tác phẩm văn học và nghệ thuật. Ngoài ra, từ lâu, giữa các nước trên thế giới đã có những công ước, hiệp ước quốc tế về bảo vệ quyền tác giả như Công ước Toàn cầu về bản quyền, Hiệp ước của WIPO về quyền tác giả.

Riêng tại Pháp, làm giả tranh của họa sĩ, vi phạm tác quyền có thể bị kết án 2-3 năm tù, bị phạt 150 đến 300 ngàn Euro, tương đương 4 đến 8 tỷ đồng.

Nếu tranh ghi rõ xuất xứ, đề hẳn là “tranh chép” thì đó là vấn đề rất khác. Ở nước ngoài, người ta vẫn chép tranh của các danh họa và bày bán ở các khu du lịch, nhưng các bức tranh ấy có giá của quà kỷ niệm. Hoạt động ấy được coi là thương mại, chịu quy định của luật thương mại.

Còn thị trường tranh Việt bị hỗn loạn. Người giàu bắt đầu “chơi tranh” nhưng không mấy ai nhìn ra đâu là tranh nhái, tranh giả. Tôi gặp những nhà sưu tầm chuyên nghiệp không dám chi tiền mua một bức tranh của các tên tuổi đã đi vào lịch sử nghệ thuật châu Á vì lo ngại về uy tín. Một số bức tranh Đông dương đem ra bán nhưng bị quy vào tranh giả.

Việc bài trừ tranh sao chép trái phép ở Việt Nam không dễ. Thói quen “copy” tranh đã ăn sâu vào suy nghĩ của một số người. Ngay cả trong môi trường sư phạm, một số thầy cô còn sao chép tranh để dự thi. Thậm chí, họ còn hớn hở khoe. Họ ăn cắp cái đẹp, đánh cắp công trình sáng tạo của người khác mà lại tự hào.

Bảo tàng, các hội mỹ thuật và nhà nghiên cứu hãy đồng lòng trong việc giữ gìn uy tín của tranh Đông Dương nói riêng và tranh Việt. Mặt khác, những điều luật minh bạch về tác quyền và sở hữu trí tuệ trong nghệ thuật phải được thực thi phân minh.

Hội Mỹ thuật, từ thời Nguyễn Đỗ Cung đã cho phép chép một số tranh Đông Dương làm quà cho nước bạn, hôm nay nên cùng cơ quan liên quan mạnh dạn lên tiếng để phân biệt rõ ràng tranh nào là tranh giả. Tuy thời gian trôi qua quá lâu, không còn phân định được thật giả, nhưng lịch sử của nó vẫn còn tồn tại qua các tài liệu hoặc chứng từ, nay cần được đánh số, ghi chú người sưu tập và lưu giữ ở đâu.

Đây là công việc khó khăn, cần nỗ lực của tất cả mọi phía: cơ quan quản lý văn hóa, quản lý thị trường và tác quyền, nhà buôn bán và cả nhà sưu tầm, người môi giới.

Mỹ thuật là vẻ đẹp. Chân thành với nó để có thể giành lại được nền mỹ thuật trong sáng và uy tín.

Ngô Kim Khôi