Giá vật liệu xây dựng tăng do lỗi ở cơ chế phân phối?
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Thưa ông, đâu là nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng giá VLXD tăng cao trong thời gian qua?

Để xảy ra tình trạng “sốt giá” VLXD thời gian qua là do chúng ta thiếu một số khâu trong cơ chế kiểm soát. Nếu không kiểm soát được giá thành sản xuất của các nhà sản xuất VLXD thì nền kinh tế sẽ tiếp tục phải chịu hậu quả, thậm chí là còn lớn hơn nữa. Nền kinh tế nước ta vận hành theo cơ chế thị trường, nhưng không có nghĩa “anh” muốn làm gì thì làm, mà vẫn phải có sự kiểm soát để biết giá thành sản xuất ra loại vật liệu đó là bao nhiêu.

Nếu “anh” bán phá giá, tức là giá bán bất hợp lý so với giá thành sản xuất, thì Nhà nước phải có chính sách xử lý ngay. Nếu không có một cơ chế hợp lý từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ sản phẩm đối với các nhà sản xuất VLXD thì chẳng sớm thì muộn sẽ lại có đột biến về giá.

Có ý kiến cho rằng, giá VLXD tăng đột biến chủ yếu do đầu cơ ở khâu phân phối để lũng đoạn giá?

Hiện nay, khâu phân phối sản phẩm, đặc biệt là những sản phẩm thiết yếu là đầu vào của các ngành khác, đang có vấn đề. Nhà nước hiện chưa kiểm soát chặt được giá cả các mặt hàng thiết yếu. Ví dụ, thị trường xi măng ở phía Nam đang “sốt”, trong khi sản lượng xi măng không thiếu, giá bán của các doanh nghiệp (DN) không tăng, thì nguyên nhân nào đẩy giá lên cao? Chắc chắn ở đây có chuyện đầu cơ ở khâu phân phối, lợi dụng sự khan hiếm xi măng nhất thời để đẩy giá lên cao nhằm trục lợi.

Vì vậy, tôi cho rằng, nếu Nhà nước không thể kiểm soát được giá tất cả VLXD, nhưng với những mặt hàng thiết yếu như xi măng, sắt thép, gạch xây… thì cần phải được kiểm soát chặt chẽ. Không thể “buông” hoàn toàn việc kiểm soát giá của các mặt hàng thiết yếu này được.

Song mỗi khi có biến động giá, Nhà nước vẫn tiến hành kiểm tra?

Hiện nay, mỗi khi có biến động giá thì Nhà nước mới tiến hành kiểm tra là hoàn toàn bị động. Theo tôi, Nhà nước phải có một cơ chế kiểm soát thường xuyên nhằm xác định được giá thành sản phẩm hợp lý của các DN. Không nên để xảy ra như tình trạng hiện nay, DN muốn giải trình thế nào cũng được, xác định giá thế nào cũng xong thì không thể kiểm soát được giá bán ra. Không thể có chuyện Nhà nước bỏ hàng ngàn tỷ đồng đầu tư cho các DN của mình, nhưng sản phẩm làm ra lại không bị kiểm soát. Chỉ có kiểm soát được như vậy thì cuối cùng người dân, người tiêu dùng mới được hưởng lợi.

Vậy theo ông, giải pháp nào để khắc phục tình trạng cố tình gây tăng giá đột biến VLXD như thời gian qua?

Vấn đề đặt ra là, tại sao những người tiêu dùng, đặc biệt là những DN tiêu thụ lượng sản phẩm VLXD lớn, lại không thể mua trực tiếp sản phẩm từ nhà sản xuất?

Theo tôi, nếu sản phẩm được phân phối theo phương thức kết hợp giữa các nhà phân phối chuyên nghiệp và bán trực tiếp cho người tiêu dùng thì mới khống chế hoặc chí ít cũng giảm được tình trạng đầu cơ, làm giá ở khâu phân phối. Cũng qua phương thức này, nếu nhà sản xuất bán giá cao một cách bất hợp lý thì Nhà nước sẽ xử lý được, còn nếu nhà phân phối ỷ vào độc quyền, cố tình “găm” hàng hoặc tự ý đẩy giá lên cao một cách bất hợp lý thì cơ quan chức năng cũng mới có căn cứ để xử lý.

Nguồn:  Báo Đầu tư