Giá xăng dầu thế giới tăng cao, giá trong nước thế nào?
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Mặc dù hiện nay, giá dầu thô đã giảm nhưng vẫn đứng ở mức cao. Tình hình đó tác động rất sâu sắc đến thị trường trong nước, gây sức ép nặng nề đối với ngân sách nhà nước cũng như hoạt động kinh doanh của các DN kinh doanh xăng dầu khi phải liên tục “gồng mình” giữ giá ổn định. Ngân sách nhà nước có đủ sức chịu đựng tiếp tục bù giá cho xăng dầu như hiện nay hay không, định hướng chính sách điều hành giá xăng dầu sắp tới như thế nào… đang là những vấn đề mà bạn đọc quan tâm. Phóng viên Báo Thương Mại đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú xung quanh nội dung này.

Trong tình hình giá xăng dầu thế giới “nóng bỏng” như hiện nay, khó khăn của Nhà nước cũng như của DN ngày càng lớn, vì thế vừa qua một số cơ quan báo chí nhận xét rằng, việc điều hành giá xăng dầu đang lúng túng, xin Thứ trưởng cho biết ý kiến?

– Trong quá trình điều hành giá xăng dầu, chúng ta phải quán triệt hai quan điểm lớn:

Thứ nhất, phải từng bước sớm xây dựng cơ chế điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường. Trong báo cáo của Chính phủ với Quốc hội tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XI có nêu: “Khẩn trương xây dựng các chính sách và thực hiện lộ trình hợp lý việc điều hành giá cả đối với những hàng hóa thiết yếu theo nguyên tắc của thị trường, có sự tăng cường thích hợp của Nhà nước, làm giảm tối đa những sai lệch và bất hợp lý trong sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực thích nghi của DN trong cơ chế thị trường, bảo đảm cung cầu, không để đầu cơ gây đột biến về giá cả. Năm 2007: xi măng, sắt thép, phân bón kinh doanh theo giá thị trường, không bù lỗ giá xăng, giảm nhanh bù lỗ giá dầu…”. Điều này đã được trù tính trong Quyết định 187/2003/CP của Chính phủ ban hành ngày 15/9/2003 về cơ chế kinh doanh xăng dầu; gần đây nhất, ngày 6/4/2007, quan điểm đó đã được xây dựng thành lộ trình trong Nghị định 55/2007/NĐ-CP của Chính phủ.

Quan điểm thứ hai là trong quá trình đang xây dựng cơ chế điều tiết giá cả xăng dầu phù hợp với sự biến động của giá thị trường thế giới thì chúng ta phải quán triệt nguyên tắc hài hòa lợi ích giữa các bên tham gia thị trường: người tiêu dùng được thụ hưởng mức giá không quá cao; DN kinh doanh xăng dầu phải triệt để tiết kiệm chi phí và điều hành kinh doanh theo hướng lấy thời điểm kinh doanh có lãi bù cho thời điểm kinh doanh bị lỗ, nhưng cả năm phải có lãi hợp lý để tái đầu tư; Nhà nước thực hiện được nhiệm vụ thu ngân sách của ngành xăng dầu nhưng phải phù hợp với lộ trình hội nhập đã cam kết. Tuy nhiên, những lúc khó khăn, giá xăng dầu thế giới tăng cao, chúng ta phải thực hiện nguyên tắc: Nhà nước, DN kinh doanh xăng dầu và người dân cùng cộng đồng chia sẻ trách nhiệm, chia sẻ khó khăn.

Đó là hai quan điểm lớn làm cơ sở để thực hiện điều hành giá xăng dầu vừa qua.

Xin Thứ trưởng giải thích rõ hơn về điều hành của Nhà nước dựa trên hai quan điểm nói trên đối với mặt hàng xăng dầu trong thời gian qua?

– Trước hết, tuy nói là điều tiết giá xăng dầu dựa trên nguyên tắc “Nhà nước, DN kinh doanh xăng dầu và người dân cùng cộng đồng chia sẻ trách nhiệm những khi thị trường biến động” nhưng thực tế lâu nay, mặt hàng xăng dầu vẫn trong tình trạng được Nhà nước bao cấp một phần. Hàng năm, Nhà nước phải bỏ ra một khoản ngân sách rất lớn, tới hàng ngàn tỉ đồng bù giá cho mặt hàng xăng dầu với mục đích ổn định giá trong nước, giảm thiểu ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Cụ thể, 10 tháng đầu năm 2007, tổng số lỗ do kinh doanh xăng dầu của các DN ước trên 6.000 tỉ đồng. Nhưng Bộ Tài chính mới tạm ứng bù giá vốn cho các DN được 38% so với số thực tế phát sinh (khoảng 2.300 tỉ đồng), còn lại phần lớn các DN tự gánh vác thông qua việc vay vốn ngân hàng. Như vậy, sức ép lên ngân sách, lên hoạt động kinh doanh đối với các DN là rất lớn. Mà các DN kinh doanh xăng dầu là DN của Nhà nước, do đó suy cho cùng cũng là Nhà nước gánh chịu. Điều đó cho thấy, thời gian qua, trách nhiệm vẫn nghiêng nặng về phía Nhà nước, trong khi người dân chưa phải ghé vai gánh vác nhiều trách nhiệm trong “phần” của mình.

Còn về quan điểm thị trường hóa giá xăng dầu, mặc dù Quyết đinh 187/2003/CP và mới đây là Nghị định 55/2007/NĐ-CP có đề cập và đưa ra lộ trình thị trường hóa dần từng bước, đến hết năm 2007 sẽ hoàn thành, nhưng thực tế việc thực hiện diễn ra còn chậm. Nguyên nhân chủ yếu do thị trường thế giới thời gian qua có biến động rất lớn, hầu hết giá các mặt hàng mà chúng ta còn phụ thuộc vào NK đều tăng cao. Chỉ số giá tiêu dùng trong nước cũng biến động tăng cao hơn một vài năm trước. Do đó Chính phủ phải chủ động kéo dài lộ trình điều tiết giá xăng dầu theo cơ chế thị trường so với thời gian dự kiến.

Do kéo dãn thời gian thực hiện lộ trình như vậy nên khi giá xăng dầu thế giới tăng lên nhưng giá trong nước hầu như không thay đổi. Để cụ thể vấn đề này, xin đưa ra các số liệu so sánh giữa năm 2006 và 10 tháng đầu năm 2007.

Giá dầu thô và xăng dầu thế giới:

BQ giá năm 2006 BQ từ 1-1 đến 12-10-2007 tăng

Dầu thô : 64,04 USD/thùng 64,80 USD/thùng 6,2%

Xăng RON92: 72,30 USD/thùng 78,10 USD/thùng 8,0%

Diezel 0,25S: 77,80 USD/thùng 81,50 USD/thùng 4,8%

Mazut : 317,40 USD/tấn 350 USD/tấn 10,5%

Trong khi đó giá trong nước:

– Mặt hàng dầu diezel, mazut, dầu hỏa do Nhà nước định giá nên năm 2007 không tăng so với năm 2006.

– Xăng có lúc tăng, lúc giảm, cụ thể:

+ Cuối năm 2006 : 10.500 đ/lít

+ Ngày 13-1-2007 : 10.100 đ/lít giảm 400 đ/lít

+ Ngày 6-3-2007 : 11.000 đ/lít tăng 900 đ/lít

+ Ngày 7-5-2007 : 11.800 đ/lít tăng 800 đ/lít

+ Ngày 16-8-2007 đến nay: 11.300 đ/lít giảm 500 đ/lít

Như vậy, giá bình quân tính từ 1/1/2007 đến ngày 2/10/2007 là 11.300 đ/lít thì chỉ tăng 1,6% so với mức bình quân 11.125 đ/lít của năm 2006, trong khi giá thế giới tăng ở mức cao hơn rất nhiều.

Nhưng do kéo dài lộ trình như vậy nên trong chuỗi trách nhiệm: Nhà nước, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu và người dân cùng chia sẻ thì Nhà nước phải gánh phần thiệt lớn hơn rất nhiều mỗi khi có biến động về giá xăng dầu.

Nhưng chính việc giữ ổn định giá trong nước, nhất là từ đầu tháng 11 đến nay trong khi giá xăng dầu thế giới có biến động tăng rất lớn, nảy sinh ý kiến cho rằng, phải chăng trước đây các DN kinh doanh xăng dầu được hưởng lãi quá lớn, Thứ trưởng bình luận gì về ý kiến này?

– Đây là một sự hiểu lầm lớn của người tiêu dùng. Thực tế, để giữ ổn định giá xăng dầu trong nước, Nhà nước đã phải bù giá vốn cho DN kinh doanh xăng dầu một khoản tiền rất lớn từ ngân sách. Như tôi đã nói ở trên, 10 tháng đầu năm, tổng số chênh lệch giữa giá vốn và giá bán xăng dầu ước gần 6.000 tỉ đồng. Nếu giá xăng dầu thị trường thế giới tiếp tục ở mức cao (trên 90 USD/thùng dầu thô) và giữ nguyên việc bù giá vốn như hiện nay, dự kiến 2 tháng cuối năm 2007 ngân sách nhà nước phải tiếp tục bỏ thêm ra một khoản như 10 tháng đầu năm. Nếu vậy, ước kinh doanh xăng dầu cả năm 2007 sẽ phải bù giá vốn khoảng 12.000 tỉ đồng (chưa kể ngân sách nhà nước bị giảm thu do giảm thuế NK các mặt hàng này xuống 0%).

Cũng cần nói rõ rằng, vừa qua một số báo chí cho rằng Nhà nước bù lỗ cho DN, thực ra là không phải như vậy. Do DN thực hiện chỉ đạo của Nhà nước bán xăng dầu theo giá quy định, mà giá Nhà nước quy định lại thấp hơn giá thế giới, tức là giá vốn. Như vậy là Nhà nước chỉ bù giá vốn cho DN, điều mà chúng ta vẫn thường nhầm là bù lỗ. Xin đưa ra số liệu so sánh giữa giá bán trong nước và giá vốn như sau: Trong khi hiện nay giá bán trong nước: xăng 92 là 11.300 đ/lít, diezen 0,25S: 8.700 đ/lít, mazút: 6.000 đ/lít, dầu hỏa: 8.600 đ/lít. Nếu so với giá xăng dầu trên thị trường thế giới hiện tại, với mức thuế NK bằng 0%, cộng cả thuế TTĐB, thuế GTGT và phí xăng dầu thì giá vốn phải như sau: Xăng 92: 12.667 đ/lít; dầu diezen 0,05%S: 12.521 đ/lít; diezen 0,25%S: 12.316 đ/lít; dầu hỏa 12.752 đlít; mazut: 9.521 đ/lit. Như vậy, hiện tại DN kinh doanh xăng dầu phải chịu lỗ giá vốn (chưa kể chi phí kinh doanh) đối với mặt hàng xăng 92 khoảng 1.500 đ/lít, diezen 3.600 đ/lít, dầu mazut trên 3.500 đ/lít, dầu hỏa lỗ trên 4.000 đ/lít.

Thông qua việc bù giá vốn cho DN, Nhà nước chịu gánh nặng gián tiếp bù cho người tiêu dùng, bù cho phương tiện giao thông đường bộ, vận chuyển hàng hóa, hành khách, các DN sản xuất trong nước. Giá đầu vào thấp thì giá sản phẩm đầu ra thấp người dân cũng được hưởng. Nhưng hẳn nhiều người sẽ ngạc nhiên, thông qua việc bù giá đó, ngân sách nhà nước còn bù cả cho các DN đầu tư nước ngoài có sử dụng xăng dầu. Trong khi đó, các nhà sản xuất nước ngoài vẫn bán sản phẩm với giá cao, ví dụ như mặt hàng ôtô, sắt thép… chẳng hạn.

Thời gian tới nếu giá xăng dầu thế giới vẫn đứng ở mức cao hoặc tiếp tục tăng lên, Nhà nước sẽ điều hành giá xăng dầu trong nước như thế nào?

Trong điều kiện hội nhập kinh tế thế giới hiện nay, nền kinh tế nước ta phải chấp nhận và thích ứng với mặt bằng giá thế giới đã tăng cao, không thể và cũng không có khả năng giữ hệ thống giá trong nước biệt lập với thị trường thế giới; giá xăng dầu nước ta cũng không thể biệt lập với giá xăng dầu của các nước khác, đặc biệt là các nước có chung đường biên giới với Việt Nam như Trung Quốc, Lào, Campuchia. Chúng ta phải lường trước khả năng, đến một lúc nào đó, ngân sách nhà nước sẽ không chịu nổi nữa. Thậm chí, do trong một thời gian dài, DN kinh doanh xăng dầu phải chịu đựng lỗ sẽ không còn khả năng vay vốn ngân hàng. Điều đó sẽ dẫn tới hậu quả nghiêm trọng là “đứt” nguồn cung cấp xăng dầu cho nền kinh tế- xã hội. Ngoài ra, do không có vốn, DN không thể tái đầu tư cho sản xuất, không thể phát triển hệ thống bán hàng, không đầu tư phát triển những dịch vụ có giá trị gia tăng để phục vụ người dân…

Hiện nay chênh lệch giá bán xăng dầu Việt Nam với các nước lân cận là khá lớn. Trong khi giá xăng 92 của Việt Nam là 11.300 đ/lít thì Campuchia tới 15.196 đ/lít (1-9-2007); Lào: 15.569 đ/lít (giá ngày 20/1/2007, khi thị trường chưa biến động lớn); vừa qua, trước tình hình giá dầu thô thế giới tăng cao, Trung Quốc phải tăng 10% giá xăng dầu đồng thời quản lý rất chặt các nhu cầu sử dụng. Nếu giá xăng dầu Việt Nam thấp hơn các nước như hiện nay sẽ khó kiểm soát tình trạng buôn lậu.

Lẽ ra, thay vì việc bù giá vốn hàng chục ngàn tỉ đồng cho kinh doanh xăng dầu mỗi năm, chúng ta có thể dùng khoản tiền đó để đầu tư vào phát triển sản xuất, hạ tầng giao thông, cầu cảng, đầu tư vào mạng lưới kinh doanh xăng dầu…

Chính vì thế, định hướng cơ bản lâu dài của Nhà nước vẫn là kiên quyết thực hiện thị trường hóa giá cả hàng hóa nói chung và mặt hàng xăng dầu nói riêng. Tuy nhiên, riêng đối với xăng dầu, quá trình thực hiện sẽ dần từng bước một, mỗi bước sẽ được thực hiện theo từng thời điểm phù hợp với hoàn cảnh để không ảnh hưởng lớn đến sản xuất, không làm xáo trộn quá nhiều đến đời sống nhân dân. Như vậy, đã đến lúc, người dân phải hiểu rõ và chia sẻ với gánh nặng của Nhà nước trong việc bù giá xăng dầu. Muốn như vậy, người dân phải sẵn sàng tâm lý đón nhận sẽ đến lúc thị trường hóa mặt hàng xăng dầu. Chúng ta phải dần dần điều chỉnh vai trò trách nhiệm trong chuỗi “Nhà nước, DN và người dân cùng chia sẻ trách nhiệm” theo hướng người dân phải chia sẻ trách nhiệm nhiều hơn.

Điều đáng suy nghĩ nhất là làm sao việc thị trường hóa xăng dầu không ảnh hưởng nhiều đến người nghèo. Vì thế, đồng thời với quá trình thực hiện cơ chế thị trường mặt hàng xăng dầu, Nhà nước sẽ tăng cường một số chính sách xã hội, hỗ trợ cho cuộc sống người nghèo để ít bị tác động hơn so với các đối tượng khác.

Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Theo Báo Thương mại