Giải ngân nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI): Tiếp tục tập trung giải ngân
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Thưa ông, năm nay không phải là một năm thực sự thuận lợi cho triển khai các dự án đầu tư. Vậy tại sao giải ngân trong 6 tháng đầu năm lại đạt mức kỷ lục như vậy?
Đó là bởi vì nhiều dự án quy mô lớn sau thời gian chuẩn bị đã được triển khai trong năm nay. Không những thế, một số dự án quy mô lớn đã khai trương, động thổ ngay sau khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư.

Có thể kể đến Dự án Hồ Tràm đã được khởi công xây dựng, do Tập đoàn Asian Coast Development (Canada) đầu tư, được cấp phép tháng 4/2008 để xây dựng khu du lịch, khách sạn cao cấp với tổng vốn cam kết là 4,2 tỷ USD tại Bà Rịa-Vũng Tàu; Dự án sản xuất xe máy Vespa của Tập đoàn Piagio được cấp phép năm 2007, đã hoàn thiện nhà xưởng vào tháng 5/2008…

Trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, giá cả biến động mạnh, giá vật liệu xây dựng tăng tới 30-40% so với đầu năm và phần đông các nhà đầu tư trong nước đã quyết định tạm dừng, giãn tiến độ triển khai, thì các dự án trong lĩnh vực bất động sản lại được thực hiện khá nhiều và nhanh chóng?
Chúng tôi cũng đã đặt câu hỏi này với một số nhà đầu tư nước ngoài. Câu trả lời nhận được là, họ bắt đầu từ bây giờ để chuẩn bị nguồn cung, đón đầu nhu cầu tăng trưởng mạnh sau khi tình hình khó khăn được vượt qua trong vòng một hai năm tới. Trên thực tế, các nhà đầu tư nước ngoài nhìn nhận về kinh tế Việt Nam ở tầm nhìn dài hạn và họ đang đặt khá nhiều kỳ vọng.

Nhiệm vụ trọng tâm trong năm nay của lĩnh vực đầu tư nước ngoài là thúc đẩy giải ngân và xúc tiến đầu tư. Cùng với các địa phương, đề án đẩy mạnh giải ngân đang được phối hợp thực hiện rốt ráo. Tuy nhiên, để đạt được mức kỳ vọng là 10 tỷ USD giải ngân, khó khăn còn nhiều…

Đúng vậy. Khó nhất là trong việc thực hiện cơ chế phối hợp giữa trung ương và các địa phương. Chúng tôi thực sự lo ngại khi cơ chế phối hợp này chưa được thực hiện tốt. Sau khi phân cấp quản lý đầu tư nước ngoài tới chính quyền địa phương, việc thu thập thông tin về tình hình thu hút vốn FDI cũng như triển khai các dự án FDI trở nên khó khăn.

Cho đến thời điểm này, mặc dù Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản đề nghị các đầu mối quản lý đầu tư nước ngoài tại 64 tỉnh, thành phố gửi báo cáo rà soát tình hình giải ngân, so sánh với tiến độ cam kết, đề xuất giải pháp thúc đẩy và đề nghị hỗ trợ từ Trung ương trước ngày 15/5/2008, song mới có 33/64 tỉnh, thành phố thực hiện. Những địa phương có quy mô đầu tư FDI lớn như Bình Dương, TP.HCM cũng chưa có báo cáo. Điều này rất ảnh hưởng tới việc nghiên cứu, đề xuất các giải pháp phối hợp nhằm thúc đẩy giải ngân dự án FDI trên phạm vi toàn quốc.

Hiện nay, đang có thông tin về tình trạng nhiều địa phương ven biển không còn đất cho các dự án đầu tư nước ngoài mới, trong khi số diện tích đất “có chủ” lại rất chậm trễ trong việc đưa vào sử dụng?
Không chỉ các địa phương ven biển mà ngay cả các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM cũng có tình trạng đó. Từ nay đến cuối năm, Cục Đầu tư nước ngoài sẽ tổ chức một số đoàn kiểm tra việc thực hiện dự án trong một số lĩnh vực như cảng biển, giáo dục đào tạo, các dự án về bất động sản, cũng như các dự án quy mô lớn đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư trong năm 2006, 2007, để có những thông tin đầy đủ, hỗ trợ việc triển khai các dự án khi cần thiết.

Nguồn: Báo Đầu tư