Giải pháp nâng cao chất lượng lao động Việt Nam đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động quốc tế
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Điểm qua một số thị trường chính mà chúng ta đã tiếp cận:

Khu vực Đông Bắc Á: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan: Cần nhiều lao động có nghề. Những lao động có nghề thực thụ để được tuyển chọn hơn trong chương trình cấp phép cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc hoặc tu nghiệp sinh của Nhật Bản làm việc trong công xưởng của Đài Loan. Đặc biệt, Nhật Bản và Hàn Quốc đều có chương trình tuyển chọn lao động kỹ thuật cao, chuyên gia cho một số nghề với chế độ cấp visa dài hạn ưu tiên đặc biệt.

– Khu vực Đông Nam Á: Malaysia là thị trường lớn, mặc dù nhiều doanh nghiệp chấp nhận tuyển lao động chưa có nghề từ Việt Nam, nhưng nhiều nhà máy cần lao động có kỹ năng nghề cao. Những lao động của ta đáp ứng được yêu cầu về trình độ nghề thường có thu nhập cao hơn hẳn những người chưa có nghề.
Singapore hiện tại mới nhận lao động có kỹ năng nghề tương đối cao của Việt Nam.

– Khu vực Trung Đông, Châu Phi:

Có nhu cầu nhận lao động chưa có nghề nhưng thu nhập rất thấp so với lao động có nghề. Lao động có kỹ năng nghề làm việc trong xây dựng và công xưởng đang có nhu cầu lớn và được trả lương cao hơn hẳn.
– Thị trường Australia, Canada, Mỹ: được coi là thị trường cao nhất kể cả về thu nhập và điều kiện nhập cảnh về trình độ kỹ năng nghề và ngoại ngữ. Muốn có visa vào Australia làm việc, người lao động phải có kỹ năng nghề cao, kinh nghiệm làm việc thực tế, được tổ chức đào tạo có chức năng của Australia kiểm tra, cấp chứng chỉ nghề và phải đạt trình độ tiếng Anh 4,5 điểm IELTS trở lên.

Trình độ kiến thức kỹ năng nghề ở đây không chỉ căn cứ vào bằng cấp, chứng chỉ của các cơ sở đào tạo trong nước mà phải được xác định thông qua tuyển lựa, kiểm tra, đánh giá của phía đối tác nước ngoài, quan trọng hơn, nó phải được thể hiện trong năng lực làm việc thực sự của người lao động có đáp ứng được đòi hỏi của công nghệ sản xuất, độ phức tạp của công việc mà họ đảm nhiệm ở nước ngoài hay không.

Đã có thực tế là nhiều lao động Việt Nam được coi là có nghề xây, trát và họ cũng đã làm việc đó trên công trường. Nhưng khi người nước ngoài tuyển chọn đã không đạt yêu cầu vì họ chưa thực hiện được những thao tác rất cơ bản của nghề do không được đào tạo bài bản. Lại có một trường hợp khác, gần một trăm học sinh đã tốt nghiệp nghề hàn ở một trường cao đẳng nhưng chuyên gia nước ngoài chỉ lựa chọn được 5 người có thể bồi dưỡng thêm để làm hàn kỹ thuật cao theo yêu cầu công việc của doanh nghiệp họ. Như vậy, thị trường đòi hỏi lao động được đào tạo cơ bản và chuyên sâu, đặc biệt là phải phù hợp với công nghệ sản xuất cụ thể.

Các cơ sở đào tạo của doanh nghiệp xuất khẩu lao động hiện nay chủ yếu mới đào tạo ngoại ngữ và giáo dục định hướng. Các doanh nghiệp có cơ sở dạy nghề thì đào tạo nghề ngắn hạn là chính. Một số ít doanh nghiệp có trường dạy nghề nhưng cũng không thể đào tạo được nhiều nghề để đáp ứng yêu cầu đa dạng của thị trường. Mặt khác, tuyệt đại bộ phận người lao động khi có nguyện vọng đi làm việc ở nước ngoài đều muốn đi bằng con đường nhanh nhất. Họ không đủ kiên trì và kinh phí để theo học một khoá chính quy 12 – 24 tháng trong điều kiện phải tự túc.

Như vậy, muốn có một nguồn lao động có kỹ năng nghề cao, phong phú và đa dạng để có thể tuyển chọn đưa đi làm việc ở nước ngoài, doanh nghiệp xuất khẩu không thể một mình làm nổi, mà phải trông cậy vào ” sản phẩm đầu ra” của hệ thống dạy nghề.

Mặc dù các cơ sở dạy nghề (không thuộc doanh nghiệp xuất khẩu lao động) trong những năm gần đây đã có bước phát triển mạnh mẽ về quy mô và tiến bộ bước đầu về chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, ngoài một số trường và trung tâm mạnh, phần đông chưa bắt bén được nhu cầu thị trường kể cả về nghề, cấp độ và công nghệ cần đào tạo, nên sản phẩm đầu ra chưa đáp ứng yêu cầu thị trường ngoài nước. Việc đào tạo ngoại ngữ trong trường dạy nghề cũng chưa đáp ứng yêu cầu cho học sinh ra trường có đủ trình độ đi làm việc ở nước ngoài theo nghề được đào tạo.
Một trong những nguyên nhân chính của tình hình trên là do chưa có sự gắn kết chặt chẽ, hợp tác chiến lược giữa cơ sở dạy nghề với doanh nghiệp xuất khẩu lao động. Sự gắn kết này nếu được thiết lập tốt sẽ đem lại lợi ích to lớn cho cả hai phía. Nhà trường sẽ thực hiện được định hướng thị trường trong đào tạo, có điều kiện nhanh chóng tiếp thu công nghệ mới vào đào tạo, nâng chất lượng ” đầu ra” và tăng sức hấp dẫn “đầu vào” khi học sinh tốt nghiệp được thị trường ngoài nước, nhất là thị trường có thu nhập cao chấp nhận ngày một tăng. Doanh nghiệp xuất khẩu lao động thì khắc phục được tình trạng tuyển lao động theo kiểu “ăn đong” không kịp thời, không đáp ứng được yêu cầu cả chất lượng và số lượng, khắc phục được tình trạng mất cơ hội, thị phần và uy tín.

Mô hình, mục tiêu và giải pháp:

Mô hình “ba nhà”

Những phân tích trên đây đã cho thấy rõ sự cần thiết và lợi ích của việc gắn kết giữa “Nhà tuyển dụng” ( Doanh nghiệp xuất khẩu lao động) và ” nhà trường” (Cơ sở dạy nghề) trong việc chuẩn bị nguồn lao động có trình độ kỹ năng nghề và ngoại ngữ cho thị trường ngoài nước. Tuy nhiên, sự gắn kết này chỉ thực sự có hiệu quả, bền vững và thực sự tháo gỡ khó khăn cho người lao động, nhất là về kinh phí học nghề, ngoại ngữ, vốn vay để trang trải các chi phí xuất cảnh khi có sự vào cuộc đồng bộ của “Nhà nước” (Cơ quan quản lý nhà nước về dạy nghề và về xuất khẩu lao động). Vai trò ” Nhà nước” ở đây chính là ” bà đỡ” tạo cơ chế và theo dõi, chỉ đạo sự gắn kết đó đi đúng hướng, hiệu quả. Đây cũng chính là sự đầu tư cần thiết và hiệu quả của Nhà nước trong phát triển nguồn nhân lực và đem lại lợi ích to lớn nhiều mặt của xuất khẩu lao động cho xã hội.

Mục tiêu của mô hình là:

Trong ngắn hạn: Đáp ứng nhu cầu cấp thời về lao động có nghề, ngoại ngữ trên cơ sở bổ túc, nâng cấp học sinh học nghề theo yêu cầu của hợp đồng ngoại.

Trong dài hạn: Xuất phát từ định hướng tăng tỉ trọng xuất khẩu lao động có nghề và trình độ cao (đạt 65 – 70 % vào năm 2010 và cao hơn vào những năm tiếp theo), mục tiêu dài hạn là chủ động chuẩn bị được một ” Quỹ” lao động có kỹ năng nghề và ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu thị trường ngoài nước, có sức cạnh tranh tốt, khắc phục cơ bản tình trạng tuyển lao động theo kiểu ” ăn đong” hiện nay.

Để thực hiện được các mục tiêu trên , cần thực hiện các giải pháp sau:

Trong ngắn hạn: Mỗi doanh nghiệp xuất khẩu lao động Việt Nam cần hợp tác với một số trường nghề và ngược lại, mỗi trường nghề có quan hệ hợp tác với một số doanh nghiệp xuất khẩu lao động để tư vấn, tuyển chon, tạo điều kiện cho số học sinh có nguyện vọng đi xuất khẩu lao động được tham gia tuyển chọn và nếu cần được bổ túc thêm nghề ngắn hạn đáp ứng yêu cầu hợp đồng. Đây là quan hệ hợp tác tự nguyện, lâu dài, đôi bên cùng có lợi. Cơ quan quản lý Nhà nước cần tạo điều kiện về cơ chế vay vốn cho số học sinh đủ điều kiện xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài, nhà trường có cơ chế bảo lưu kết quả cho số học sinh chưa hoàn thành khoá học mà trúng tuyển.

Về lâu dài:

+ Doanh nghiệp xuất khẩu lao động cần bám sát, dự báo được nhu cầu của thị trường lao động ngoài nước về ngành nghề, trình độ cần đào tạo. Các cơ quan quản lý nhà nước về dạy nghề, xuất khẩu lao động phối hợp với Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam tổng hợp, phân tích, dự báo từ nguồn thông tin của các doanh nghiệp và các nguồn thông tin khác, xác định chỉ tiêu đào tạo và chuẩn bị nguồn cho lao động xuất khẩu.

+ Cơ quan quản lý Nhà nước về dạy nghề bố trí kinh phí và tổ chức đấu thầu, giao chỉ tiêu đào tạo cho các trường có năng lực tốt nhất trong đào tạo nghề tương ứng thực hiện.

+ Các trường dạy nghề được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với doanh nghiệp xuất khẩu lao động với đối tác nước ngoài cần cụ thể hoá chương trình đào tạo nghề và ngoại ngữ phù hợp yêu cầu thị trường để tổ chức thực hiện; lồng ghép đào tạo ngoại ngữ trong đào tạo nghề theo chương trình chuẩn cho từng nghề; Tuyển lựa học sinh có nguyện vọng đăng ký học theo chương trình mục tiêu xuất khẩu lao động, tư vấn, giáo dục ý thức học tập rèn luyện cho họ..

Để làm tốt việc này, cần tranh thủ hợp tác, sử dụng kiếnn thức, kinh nghiệm của các chuyên gia kỹ thuật, công nghệ của các tập đoàn nước ngoài sử dụng lao động Việt Nam, và giáo viên các trường dạy nghề danh tiếng nước ngoài mà ta sẽ gửi lao động đến trong việc xây dựng chương trình đào tạo và trong chuyển giao công nghệ.

+ Nhà nước cần có cơ chế cho vay vốn để chi phí học nghề, ngoại ngữ, chi phí xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài.

Người lao động cần có trình độ kỹ năng nghề và ngoại ngữ ngày càng cao để có cơ hội việc làm (và việc làm ngày càng tốt hơn) ở ngoài nước. Doanh nghiệp xuất khẩu lao dộng đang và sẽ rất cần một lực lượng lao động có trình độ như thế để tăng khả năng cạnh tranh, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu thị trường ngoài nước.

Cơ sở dạy nghề nếu bắt bén và đáp ứng tốt nhu cầu trên của cả người lao động và Doanh nghiệp Xuất khẩu lao động thì sẽ khẳng định được vị trí, thương hiệu của mình và nhanh chóng phát triển tiếp cận trình độ khu vực và quốc tế.

Sự gặp nhau về mục tiêu và lợi ích đó vừa đòi hỏi, vừa là điều kiện khách quan thuận lợi để thực hiện mô hình ” Ba nhà” nhằm nâng cao chất lượng kỹ năng nghề, ngoại ngữ cho lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Mô hình này sẽ có điều kiện đảm bảo rất thuận lợi khi được thực hiện gắn chặt với các chương trình phát triển dạy nghề, việc làm cho thanh niên của chính phủ trong thời gian tới.

Để thực hiện thành công cần có sự phối hợp chặt chẽ triển khai từ điểm đến diện giữa cơ quan quản lý Nhà nước, Hiệp hội và các cơ sở dạy nghề, các Doanh nghiệp Xuất khẩu lao động.

Theo Bộ Lao động – Thương binh và xã hội