Giảm được bao nhiêu thủ tục cho doanh nghiệp ?
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Nhặt sạn dự thảo văn bản
   
Nhận xét chung các dự thảo Nghị định gửi về cơ quan thẩm định, ông Nguyễn Hồng Tuyến, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật thuộc Bộ Tư pháp cho biết, do yêu cầu về tiến độ, thực hiện quy trình rút gọn, hầu hết các dự thảo văn bản không thể tổ chức lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động trực tiếp; không đánh giá tổng kết thực tiễn, chưa nghiên cứu kỹ các vấn đề cần được quy định. Cũng từ sức ép của tiến độ, nên việc thẩm định bị rút ngăn 1/3 thời hạn theo luật định, nên khó tránh khỏi hạn chế trong việc bảo đảm chất lượng tính khả thi của văn bản, cũng như tính hợp lý của các quy định về điều kiện kinh doanh. Trong khi đó, tinh thần cốt lõi Nghị quyết 59 của Chính phủ về triển khai thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư giảm gánh nặng chi phí tuân thủ, thời gian thực hiện đối với nhà đầu tư, giảm thiểu hình thức xin cấp phép, xác nhận hoặc chấp nhận đầu tư, đơn giản hóa các điều kiện đầu tư kinh doanh.

Có thể dễ dàng nhận thấy những vấn đề nêu trên ở một số dự thảo như Nghị định về điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực hải quan đã viện dẫn cả văn bản hết hiệu lực thi hành; hoặc có Nghị định còn viện dẫn cả thông tin, thiếu quy định chuyển tiếp, chưa bảo đảm yêu cầu về ngôn ngữ, kỹ thuật soạn thảo văn bản, thể thức ban hành văn bản, thậm chí Nghị định sửa đổi, bổ sung và ban hành một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực công thương lại viện dẫn đến các điều kiện, yêu cầu quy định tại các Thông tư của Bộ trưởng Bộ Công an.

Thực tế quá trình “nâng cấp” từ thông tư sang nghị định cũng là quá trình rà soát lại các quy định không phù hợp, hoặc chưa thuận tiện cho doanh nghiệp, cũng như cơ quan quản lý. Song điều dễ nhận thấy trong hồ sơ trình thẩm định thì các cơ quan chủ trì soạn thảo lại chưa chỉ ra được vấn đề đó, chưa làm nổi bật được tinh thần của Nghị quyết 59 với những con số cụ thể nhằm trả lời cho câu hỏi đang được người dân, doanh nghiệp quan tâm. Đó là bao nhiêu thủ tục hành chính được bãi bỏ, được đơn giản hóa, từ đó giảm gánh nặng chi phí tuân thủ là bao nhiêu từ việc nâng cấp thông tư sang nghị định. Theo Luật Đầu tư, chỉ có 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, song, thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, hiện có tới 6.475 điều kiện kinh doanh, trong đó 3.299 điều kiện được quy định tại các văn bản ban hành không đúng thẩm quyền. Như vậy, 49 Nghị định này phải làm sáng rõ được câu hỏi, còn bao nhiêu điều kiện kinh doanh sau khi đã ban hành, chỉ thuần túy là nâng cấp cơ học từ các thông tư lên nghị định.

Rà soát tổng thể

Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành tập hợp, rà soát các quy định về điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực mình quản lý; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bức xúc; đơn giản hóa và công khai thủ tục hành chính; loại bỏ giấy phép con không phù hợp; tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, khuyến khích khởi nghiệp, phát huy tự do sáng tạo, huy động mọi nguồn lực cho doanh nghiệp phát triển.

Thực tế đây là vấn đề kỹ thuật, không phải ai cũng “tinh ý” để nhận ra vấn đề này và làm rõ trong Tờ trình dự thảo văn bản, nhưng từ đây lại thấy việc chưa chỉ ra được những TTHC, những điều kiện kinh doanh được đơn giản hóa cũng có thể hiểu các cơ quan soạn thảo chỉ “nâng cơ học” các Thông tư thành Nghị định, chứ chưa có sự sàng lọc, rà soát – hiểu nôm na là chưa có sự đầu tư kỹ lưỡng. Chính vì thế, lo lắng của một số chuyên gia lập pháp là không chừng sẽ có tình trạng ào ào ban hành rồi ào ào sửa đổi, bổ sung vì những quy định không phù hợp, gây khó cho doanh nghiệp.

Điều đáng quan tâm hơn, các Nghị định hướng dẫn về điều kiện đầu tư kinh doanh theo tinh thần của Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư là sẽ áp dụng ngay, không còn hướng dẫn nữa. Trong khi đó, nhiều quy định không có tính khả thi, “có những quy định không bao giờ được đánh giá được”, có nghĩa là không thực hiện được… thì không thể tổng kết đánh giá thực tiễn được mà tiến hành sửa đổi, bổ sung. Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Lê Mạnh Hà nêu vấn đề, cần phải làm rõ trong 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì hiện có bao nhiêu điều kiện và sau khi ban hành các Nghị định mới thì giảm được bao nhiêu điều kiện. Bởi, giảm điều kiện là giảm được nhũng nhiễu cho doanh nghiệp. 
 
Chia sẻ những khó khăn trong quá trình thẩm định 49 Nghị định trên, ông Nguyễn Thanh Tú, Vụ trưởng Vụ pháp luật Kinh tế – Dân sự thuộc Bộ Tư pháp, khẳng định, không rà soát được các điều kiện, nhất là đối với các siêu Nghị định. Điều này cũng hoàn toàn dễ hiểu, bởi có những Nghị định được sửa đổi, nâng cấp từ 8 Nghị định và 22 Thông tư. Không dừng lại ở đó, nhiều nghị định thêm những quy định không có trong Luật chuyên ngành, quy định chung, văn phong như nghị quyết với những khái niệm khó định lượng… và đặc biệt không hiếm Nghị định lồng ghép lợi ích của bộ ngành như Nghị định về kinh doanh bảo hiểm với quy định Quỹ bảo hiểm

Từ thực tế này cho thấy, không thể vội vàng soạn thảo, thẩm định, thẩm tra rồi ban hành. Bởi, nếu ban hành rồi không tổ chức triển khai được, vướng chỗ này, chồng chéo chỗ kia, không tạo thuận lợi cho doanh  nghiệp còn gây khó cho cơ quan quản lý thì “bình mới nhưng rượu vẫn cũ”. Trong bối cảnh thời gian không còn nhiều đối với 49 dự thảo, thiết nghĩ vai trò của Văn phòng Chính phủ và Bộ Tư pháp không chỉ dừng lại ở thẩm định và thẩm tra mà còn phối hợp với các bộ để giải quyết những vấn đề còn ý kiến khác nhau, những quy định còn chồng chéo, gây khó cho doanh nghiệp.

Khang Bình
Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân