Giám sát đầu tư công: Tiêu chí nào đánh giá?
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Cắt giảm đầu tư chi phí không cần thiết, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước” là giải pháp đầu tiên trong 9 nhóm giải pháp nhằm kiềm chế lạm phát được cộng đồng doanh nghiệp đưa ra tại Hội nghị Doanh nghiệp triển khai các giải pháp kiềm chế lạm phát do VCCI tổ chức mới đây.

PV: Đầu tư công đang là vấn đề được quan tâm trong bối cảnh chúng ta đang quyết liệt chống lạm phát. Thực tế Trung Quốc đã thu được thành quả nổi bật trong giám sát và quản lý tài sản Nhà nước với việc thành lập Uỷ ban Giám sát và quản lý tài sản nhà nước trực thuộc Quốc hội. Có chuyên gia cho rằng Việt Nam nên chăng cũng lập một Uỷ ban Giám sát như vậy. Ý kiến ông về vấn đề này như thế nào?

Ông Vũ Viết Ngoạn: Các nền kinh tế đang chuyển đổi như Việt Nam, Trung Quốc… thường có tính tương đồng nhau là tỷ lệ doanh nghiệp nhà nước chiếm khá cao. Trong giai đoạn đầu phát triển, các doanh nghiệp này vẫn tiếp tục đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc thực hiện các chính sách đầu tư của Nhà nước.

Tuy nhiên, thực tiễn cũng khẳng định rằng các doanh nghiệp nhà nước, do nhiều yếu tố tác động, gặp khó khăn nhất định trong việc đảm bảo tính hiệu quả của đầu tư.

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế trên thế giới ngay cả khái niệm đầu tư công cũng cần xem xét. Ngoài việc Chính phủ đầu tư bằng nguồn vốn của ngân sách thì cũng cần tính đến nguồn vốn đầu tư bằng trái phiếu của Chính phủ đi vay và cả nguồn vốn Chính phủ vay dưới hình thức ODA.

Thêm vào đó, cả những dự án mà Nhà nước đầu tư một phần bằng ngân sách hay trái phiếu chính phủ đi vay và sau đó các doanh nghiệp Nhà nước sẽ thực hiện tiếp các phần còn lại. Đối với kinh nghiệm quốc tế, người ta đánh giá toàn bộ dự án lớn đó là đầu tư công.

Chính vì vậy cần phải có sự giám sát của xã hội để đảm bảo nâng cao tính hiệu quả. Tôi cho rằng trong điều kiện chung hiện nay, việc nâng cao tính giám sát để đảm bảo tính hiệu quả là điều cần thiết.

PV: Chính phủ đã bắt đầu họp để bàn về các tiêu chí rà soát dự án đầu tư công, ông đánh giá như thế nào về các tiêu chí để xem xét dự án hiệu quả hay không hiệu quả?

Ông Vũ Viết Ngoạn: Tôi chưa có thông tin cụ thể về đề án cắt giảm đầu tư công. Nhưng với nhãn quan thực tế hiện nay, chúng ta đang có rất nhiều dự án triển khai chậm.

Có nhiều lí do dẫn đến tình trạng này trong đó có cả lí do về nguồn vốn. Trong điều kiện vốn của chúng ta quá hạn hẹp thì cần thiết tập trung vào một số dự án nhất định để hoàn thiện một cách dứt điểm, sớm đưa vào khai thác. Như vậy, việc đầu tiên là phải phân bổ vốn để xem cần tập trung vào dự án nào.

Với câu chuyện đầu tư dàn trải cũng cần phải xem xét đánh giá một cách đầy đủ, sâu sắc. Nhiều chuyên gia nói rằng dọc bờ Tây của nước Mỹ chỉ có 3 cảng biển thôi trong khi Việt Nam có quá nhiều cảng. Như vậy, đầu tư cảng biển của Việt Nam có tính chất dàn trải hay không, hay đặc thù của Việt Nam còn có gì khác Mỹ? Trong trường hợp này, các nhà khoa học phải có phân tích kỹ lưỡng để giúp các nhà hoạch định chính sách đưa ra quyết định đúng đắn.

PV: Tuy nhiên, kể cả khi có tiêu chí rồi thì cũng khó để các doanh nghiệp, tập đoàn hay bộ, ngành chịu chấp nhận dự án trọng điểm thuộc mình quản lý không hiệu quả. Vậy ai sẽ là người giám sát để phân biệt đó là dự án có hiệu quả?

Ông Vũ Viết Ngoạn: Tôi cho rằng chúng ta phải có thái độ dứt khoát. Chúng ta chưa có cơ quan giám sát làm việc đó. Tôi nghĩ trách nhiệm của Chính phủ, của cơ quan Bộ phải có tiếng nói cuối cùng. Thực tế, dự án nào cũng mong muốn được tiếp tục triển khai, địa phương nào cũng mong muốn mình có nhiều vốn để đầu tư một cách sớm nhất. Trong điều kiện nguồn vốn của chúng ta có ít, khi phải quyết định thì chúng ta phải có lựa chọn cuối cùng.

PV: Vậy theo ông, lĩnh vực nào nên ưu tiên là lựa chọn cuối cùng?

Ông Vũ Viết Ngoạn: Thứ nhất là hiệu suất đầu tư của dự án ra sao. Thứ hai, dự án khi đi vào sử dụng mang lại hiệu ứng như thế nào. Thứ ba là các dự án đó phải được đưa vào sử dụng sớm nhất có thể, tránh đầu tư quá dàn trải, không thực hiện được.

Tôi cho rằng tiêu chí về mặt kinh tế học đều có rồi, chúng ta không phải bàn, chỉ có điều chúng ta chưa có thông số cụ thể để quyết định. Khi có thông số rồi, chúng ta chỉ phải đánh giá từng dự án để phân loại thôi. Dự án nào có chỉ số tốt nhất thì lựa chọn, dự án nào có chỉ số thấp nhất thì loại bỏ.

PV: Nhưng để rà soát lại những dự án đó mất rất nhiều thời gian trong khi chúng ta cần cắt giảm ngay. Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngay trong tháng 4 này phải đưa ra danh mục các dự án phải cắt giảm?

Ông Vũ Viết Ngoạn: Thực ra việc rà soát không lâu, từ khi xây dựng dự án đã có các dữ liệu rồi. Tuy nhiên, khó ở chỗ khi xây dựng dự án, các thông số có chuẩn hay không; trách nhiệm từ cơ quan xây dựng đến cơ quan thẩm định xem xét vấn đề đó.

Tóm lại, các dự án không phải không có thông số, điều quan trọng là ý chí chính trị của chúng ta đã quyết đến đâu./.
 
Nguồn: Thời báo Kinh tế Việt Nam