Giảm sự can dự của chính quyền vào quản lý kinh tế
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Thiếu hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng: VN có chủ trương hỗ trợ cho nông nghiệp, nhưng nhiều chính sách hỗ trợ đến người kinh doanh thì dừng lại, chưa đến được với người nông dân. Chưa đẩy mạnh chính sách hỗ trợ đào tạo lao động có kỹ năng.

Trao đổi với VietNamNet, bà Lan phân tích: Nghị định 90 của Chính phủ có 14 giải pháp cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhưng trong thực tế mới có các giải pháp: tham vấn, lấy ý kiến các doanh nghiệp này khi xây dựng chính sách, hỗ trợ đào tạo nhân lực.

Chính sách ưu đãi về đất đai hầu như chưa thành hiện thực, chỉ có một số địa phương làm cục bộ. Cụm công nghiệp cho doanh nghiệp vừa và nhỏ nhỏ hơn rất nhiều so với quy mô các khu công nghiệp có nhiều doanh nghiệp lớn. Nhiều doanh nghiệp lớn có đất bỏ trống trong khi doanh nghiệp vừa và nhỏ muốn có đất rất khó khăn.

Ý tưởng quỹ bảo lãnh tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng không được thực hiện. Đây là công cụ cần thiết của các doanh nghiệp, khiến ngân hàng yên tâm hơn khi cho vay, giúp doanh nghiệp kỹ năng xây dựng, thẩm định các dự án. Doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng không được hỗ trợ về công nghệ.

Cũng theo bà Lan, 5 quyền sử dụng đất của người dân là sử dụng, chuyển nhượng, cho thuê, thừa kế, thế chấp vẫn chưa được trao đầy đủ, khiến nhiều hoạt động giao dịch nhà đất diễn ra không chính thức, tạo nhiều tiêu cực. Nếu các quyền trên được thực hiện đầy đủ, hoạt động mua bán sẽ diễn ra sôi động, Nhà nước và người dân cùng hưởng lợi, làm giảm hẳn lượng đất chết.

Không phân biệt đối xử

PGS.TS Đặng Văn Thanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính VN, góp ý: Chính sách luật phải khắc phục tình trạng phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế trên thực tế, đặc biệt là đối xử không bình đẳng với kinh tế tư nhân, kinh tế dân doanh trong việc sử dụng đất, tiếp cận vốn tín dụng, thực hiện thương quyền.

Các quy định phải góp phần kiểm soát chặt chẽ việc định giá, đồng thời tạo điều kiện thành lập các doanh nghiệp cạnh tranh nhau nhằm xoá bỏ độc quyền trong kinh doanh, kể cả trong những lĩnh vực còn tồn tại độc quyền Nhà nước.

Theo ông Thanh, “cơ chế đầu tư phát triển cần chuyển từ cách phân bổ mang tính hành chính sang cho vay theo cơ chế thị trường, xoá bỏ bao cấp thông qua tín dụng đầu tư. Hết sức hạn chế hình thức ưu đãi trước đầu tư thường gắn với xin – cho, chuyển sang áp dụng rộng rãi các chính sách ưu đãi sau đầu tư, khi công trình hoàn thành, đi vào hoạt động”.

Kiên quyết từ cấp cao nhất

PGS.TS Đỗ Tiến Sâm, Viện nghiên cứu Trung Quốc, nêu một số kinh nghiệm cải cách của Trung Quốc. Từ khi bước vào đổi mới (năm 1978), Trung Quốc đã tiến hành 5 đợt cải cách đều nhằm mục tiêu phát triển kinh tế, gắm với mỗi chính phủ mới.

Những điểm chính của cải cách là: Giảm sự can dự của chính quyền đối với điều hành kinh tế vi mô; giảm chức danh lãnh đạo, giảm chi phí hành chính; năm 2003 đưa 80% cán bộ được đào tạo ở Mỹ và Singapore về hành chính công để chuyên nghiệp hoá đội ngũ; trao quyền nhiều cho doanh nghiệp; coi kinh tế tư nhân là bộ quan trọng hợp thành của nền kinh tế; phân quyền cho địa phương…

Cải cách của Trung Quốc đều được thực hiện với quyết tâm chính trị từ người lãnh đạo cao nhất. Thủ tướng Trung Quốc Chu Dung Cơ từng tuyên bố thể hiện quyết tâm chống tham nhũng: Trong 100 cỗ quan tài, 1 cỗ dành cho ông, 99 cỗ dành cho quan tham.

Nguồn: Báo Điện tử VietNamNet