Giảm thuế thu nhập: DN sẵn sàng nộp thuế hơn!
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Thực tế, việc giảm thuế thu nhập DN là vấn đề đã được cộng đồng DN các nhà đầu tư kiên trì đề nghị qua nhiều năm. Trong diễn đàn DN Việt Nam hàng năm, vấn đề thuế luôn nóng bỏng và thuế thu nhập DN là một chủ điểm lớn. Theo các DN, mức thuế 28% là cao so với khu vực và chưa thực sự khuyến khích đầu tư kinh doanh. 

Cạnh tranh thu hút đầu tư bằng giảm thuế

Trong các luật thuế, thì thuế TNDN có ý nghĩa điều tiết rất nhạy cảm, có tác động sâu rộng đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Vì vậy, đòi hỏi các quy định về thuế TNDN cần phải hợp lý, thống nhất và đồng bộ hơn bất cứ một sắc thuế nào trong hệ thống thuế, nhất là trong điều kiện hội nhập như hiện nay. Thông tin giảm thuế TNDN xuống 25% đã xuất hiện từ trước nhưng với động thái chính thức này khiến cho cộng đồng DN thực sự vui mừng, đại diện Hiệp hội DN Hà Nội nói.

Thực tế, hạ thuế suất và sửa đổi hệ thống ưu đãi qua thuế, bộ Tài chính mong muốn duy trì và tăng sức hấp dẫn cho môi trường đầu tư, vì thuế TNDN không những tác động đến môi trường kinh doanh trong nước mà còn ảnh hưởng đến việc cạnh tranh quốc tế về thu hút đầu tư nước ngoài.

Theo Bộ Tài chính, do tác động của quá trình toàn cầu hóa, cạnh tranh giữa các quốc gia ngày càng trở nên gay gắt, cải cách thuế TNDN được các nước quan tâm nhiều hơn. Gần đây cho thấy nhiều nước trên thế giới và trong khu vực đã giảm mức thuế TNDN nhằm thực hiện ưu đãi trên diện rộng cho cả nền kinh tế, tăng tính cạnh tranh quốc gia trong thu hút đầu tư.

So sánh với các nước trong khu vực, Bộ Tài chính đã thừa nhận mức thuế 28% là cao hơn các nước trong khu vực có điều kiện cơ sở hạ tầng, môi trường đầu tư thuận lợi hơn. Cụ thể, Singapore – nơi có môi trường đầu tư thuận lợi cũng đã quyết định hạ thuế suất thuế TNDN từ 20% xuống còn 19%; Philippines giảm từ 35% xuống 30%.

Và mới đây nhất, Trung Quốc cũng đã quyết định giảm mức thuế suất thuế TNDN từ 33% xuống còn 25% để cạnh tranh với các nước trong thu hút đầu tư nước ngoài và nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Thực tế này đặt ra yêu cầu cần phải xem xét, cân nhắc kỹ hơn về mức thuế suất đang áp dụng 28%. Việc điều chỉnh giảm mức thuế đối với DN trong nước không chỉ tạo thuận lợi cho các DN mới thành lập mà còn tạo thêm tiềm lực tài chính cho các DN đang hoạt động đổi mới thiết bị, bổ sung vốn đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. 

Giảm thuế: xu hướng của hội nhập

Đón nhận thông tin này, ông Vũ Duy Thái – Chủ tịch Hiệp hội Công thương Hà Nội, đồng thời là giám đốc DN và cũng là chuyên gia có mặt trong nhiều nhóm tư vấn chính sách tỏ ra rất vui mừng.

“Chúng tôi đã mong muốn và đề xuất điều nay từ lâu rồi, nay Bộ Tài chính làm là rất ủng hộ và nên thực hiện sớm”. ông Thái nói.

Theo ông Thái, giảm thuế là xu hướng chung và điều này có tác động tốt cho DN. Nhất là trong điều kiện hiện nay chi phí kinh doanh đang tăng cao từ tiền nhân công, vận tải, nguyên liệu đầu vào… Giảm thuế sẽ giúp DN giảm chi phí và cạnh tranh tốt hơn.

Việc giảm thuế đang là xu hướng của quốc tế, bước đi của Việt Nam cũng là theo thông lệ này và điều này sẽ giúp cải thiện môi trường đầu tư, tăng hấp dẫn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Đồng thời, giảm gánh nặng cho DN, khuyến khích đầu tư trong nước phát triển. Đầu tư tăng, DN hoạt động hiệu quả là cơ sở cho một nền kinh tế phát triển bền vững.

Ông Thái cũng cho rằng, giảm thuế không phải là giải pháp duy nhất để tăng sức cạnh tranh mà hệ thống thuế Việt Nam cần tiếp tục có nhiều cải cách đồng bộ hơn nữa. Các sắc thuế như thuế trước bạ, thuế chuyển quyền sử dụng đất… cũng cần phải có nghiên cứu sửa đổi.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Cung – Trưởng ban Nghiên cứu chính sách kinh tế vĩ mô, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế cũng cho rằng, giảm thuế trong bối cảnh hiện nay là cần thiết để duy trì sức cạnh tranh trong thu hút đầu tư. Hơn nữa, khi gia nhập WTO, việc trợ cấp DN thông qua thuế sẽ dần bãi bỏ nên việc giảm thuế sẽ mang lại lợi ích cụ thể và trực tiếp cho DN và tăng tính hấp dẫn của môi trường đầu tư.

Tuy nhiên, mức 25% còn cao nên giảm xuống 20-23%, ông Cung đề xuất.

Về tác động đến thu ngân sách, việc giảm thuế suất có thể tác động giảm nguồn thu. Tuy nhiên, khi giảm thuế, sẽ có nhiều DN sẵn sàng nộp thuế hơn, tình trạng thất thu sẽ giảm và đây sẽ là xu hướng tích cực giúp tăng nguồn thu ngân sách. Điều đáng chú ý hơn, khi giảm thuế, DN tuân thủ nộp thuế thì tính minh bạch sẽ giúp DN xây dựng hệ thống sổ sách kế toán tốt hơn và quản trị DN cũng không phải che đậy và biến báo nữa. Điều này sẽ giúp DN cải thiện tình hình quản trị DN, hoạt động minh bạch và bền vững hơn.  
Nguồn: Báo Điện tử VietNamNet