Giao dịch bảo đảm: Vướng nhất là quy trình xử lý tài sản
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Khi người bị kiện cố chây ì

Một khoản vay đã rơi vào tình trạng khó (không thể thanh khoản) thì rất nhiều bên bị hệ lụy, nhất là một tài sản được thế chấp bảo đảm cho nhiều khoản vay. Điều đáng nói, không phải cứ bán tài sản thế chấp ra là tất toán được tài khoản, không rơi vào nợ xấu, nợ khó đòi.

Hiện nay, thi hành án liên quan đến tín dụng ngân hàng được coi là điểm nghẽn mới trong công tác thi hành án dân sự. Đại diện ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, cơ chế, thủ tục xử lý tài sản bảo đảm còn rườm rà, phức tạp và phụ thuộc quá nhiều vào ý chí của bên bảo đảm (bên có nghĩa vụ thanh toán nợ) như người bị kiện, người có quyền và nghĩa vụ liên quan bỏ trốn khỏi nơi cư trú, cố ý trì hoãn vắng mặt nhiều lần ở phiên toà…

Khi tòa tuyên hoãn thì cũng lập tức tác động đến tài sản bảo đảm, bởi nói đến tài sản là nói đến yếu tố thị trường, đó là chưa bàn đến sự hao mòn vô hình của tài sản. Không hiếm trường hợp, xét xử xong thì tài sản chỉ còn là cái vỏ khung, không có giá trị lưu hành, sử dụng. Vậy là bao nhiêu công đoạn, bao nhiêu chi phí nhằm thu lại khoản vay cũng chỉ còn là con số không. Không những không thu hồi được vốn, mà còn phải bỏ thêm chi phí để giải quyết nợ xấu.

Thực tiễn xử lý nợ cho thấy các tổ chức tín dụng phải sử dụng nhiều giải pháp để xử lý nợ, nhưng nếu không đem lại hiệu quả thì khởi kiện ra Tòa án để thu hồi nợ sẽ là giải pháp cuối cùng. Tuy nhiên, quá trình này thường mất một vài năm và chi phí của tổ chức tín dụng. Đặc biệt, muốn xử lý tài sản thế chấp thì không được khởi kiện thẳng bên có tài sản thế chấp, mà phải kiện bên vay vốn (được cấp tín dụng).

Cũng không ít trường hợp người vay vốn, người thế chấp, bảo lãnh vay vốn bị khởi tố, điều tra xử lý trong một vụ án hình sự khác không liên quan đến việc người vay vốn, bên thế chấp, bên bảo lãnh vay vốn tại tổ chức tín dụng, nhưng tòa án vẫn ra quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án để chờ kết quả giải quyết của cơ quan điều tra. Hoặc, tổ chức tín dụng cũng phải chờ đợi khi tòa án quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án để đợi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trả lời về nội dung tòa án có văn bản hỏi.

Một yếu tố khác cũng bị liên đới, đó chính là lãi suất. Với thời gian xét xử quá dài, cách tính lãi suất chậm trả và lãi suất chậm thi hành án (chỉ phải trả lãi quá hạn theo lãi suất cơ bản, thấp hơn lãi suất nợ gốc), đến nợ gốc cũng không thu được, thì lãi suất cũng chỉ tính cho đủ.

Khó vì thông tư

Khoản 4 Điều 58 Nghị định số 163/2006/NĐ-CP và Điều 12 Khoản 2 Thông tư liên tịch số 16/2014/TTLT-BTP-BTNMT-NHNN ngày 6.6.2014 của Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định bên nhận bảo đảm có quyền căn cứ nội dung thỏa thuận trong hợp đồng để tiến hành xử lý tài sản bảo đảm mà không cần phải có văn bản ủy quyền xử lý tài sản bảo đảm.

Tuy nhiên, trên thực tế, hầu hết công chứng viên, tổ chức đấu giá và cơ quan đăng ký sang tên bất động sản chỉ chấp nhận thỏa thuận tại thời điểm bán tài sản, mà không chấp nhận thỏa thuận từ trước trong hợp đồng bảo đảm. Đại diện Câu lạc bộ pháp chế ngân hàng cho biết, hiện nay vướng mắc nhất là quy trình xử lý tài sản bảo đảm. Trong đó, nổi lên vấn đề tổ chức tín dụng có được ủy quyền xử lý tài sản hay không?. Theo quy định của pháp luật thì bên nhận ủy quyền không thể là một tổ chức, nhưng công chứng viên, tổ chức đấu giá lại yêu cầu bên thế chấp phải ký hợp đồng mua bán hoặc hợp đồng ủy quyền tại thời điểm xử lý tài sản thế chấp, nhất là đối với bất động sản.

Chính vì quy định, các tổ chức tín dụng không được ủy quyền xử lý tài sản nên các tổ chức này không tự bán, tự ký hợp đồng bán tài sản cho người có nhu cầu; hoặc cũng không được thuê thẩm định giá, đấu giá. Nhiều tổ chức tín dụng “lách luật” bằng cách: Lập hợp đồng công chứng ngay vào thời điểm ký hợp đồng thế chấp nhưng sẽ lấy ngày sau. Quy  trình này có vẻ không đường hoàng, chuyên nghiệp lắm, tuy nhiên các tổ chức tín dụng vẫn phải làm. 

Khang Bình
Nguồn: Báo Người đại biểu nhân dân điện tử