Giao thông đường thủy: Mô tô nước, xuồng kéo dù nằm ngoài sự quản lý
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Mô tô nước, xuồng kéo dù: nằm ngoài sự quản lý

Trên cả nước hiện có 32 địa phương có hoạt động của phương tiện thủy phục vụ vui chơi, giải trí, diễn ra trên các tuyến sông, hồ, ven biển và vùng vịnh. Theo kết quả khảo sát của liên Cục Cảnh sát đường thủy, Bộ Công an; Cục Đường thủy nội địa và Cục Đăng kiểm, Bộ Giao thông – Vận tải, tính đến tháng 2.2011, cả nước có 2.107 phương tiện: 1.181 chiếc không có động cơ, 289 chiếc có động cơ, trong đó xấp xỉ 92% phương tiện do người thuê tự điều khiển. Loại không sử dụng động cơ gồm: dùng chân đạp (hình thiên nga), chèo tay (trong đó có thúng chai), dùng sức gió (thuyền buồm, buồm lướt ván, diều lướt ván), phao, ván trượt, ván lướt dùng xuồng kéo. Loại có động cơ gồm: thuyền nhỏ, xuồng đụng chạy bằng ắc quy, mô tô nước, xuồng kéo dù, xuồng kéo phao, xuồng lướt, tàu kính, du thuyền. Hiện số phương tiện loại này không có đăng ký hành chính chiếm tới 66%, số không có đăng kiểm kỹ thuật chiếm tới 51%. Cũng đáng lo ngại là về tình trạng của người điều khiển phương tiện, chỉ riêng phương tiện có người điều khiển chuyên nghiệp (để phục vụ khách): 135/152 người không có bằng thuyền trưởng theo quy định.

Ở nhiều điểm có hoạt động của loại phương tiện trên, nhất là loại có động cơ, sự phát triển phương tiện đều là tự phát và gây mất trật tự, thậm chí gây tai nạn cho khách du lịch. Chỉ tính riêng loại môtô  trượt nước, từ khi có hoạt động của phương tiện này đã xảy ra 7 vụ tai nạn, làm chết 5 người và bị thương 6 người. Hoặc cũng đã xảy ra một số vụ thanh, thiếu niên thuê phương tiện hình thiên nga để vui chơi trên hồ và phương tiện bị lật dẫn đến tử vong. Ví dụ năm 2009 tại hồ Đại Lải, Vĩnh Phúc xảy ra vụ lật phương tiện này làm chết 2 nữ sinh viên. Rõ ràng hoạt động này tiềm ẩn khả năng cao xảy ra tai nạn, tuy nhiên, Phó cục trưởng Cục Đường thủy nội địa, Bộ Giao thông – Vận tải, Đại tá Nguyễn Anh Thắng cho biết, ở hầu hết các địa phương, cảnh sát đường thủy dường như không thể kiểm tra, xử lý các vi phạm liên quan đến phương tiện, người điều khiển phương tiện này. Bởi đối chiếu theo Điều 2 của Luật Giao thông đường thủy nội địa thì hoạt động của phương tiện thủy phục vụ vui chơi, giải trí trong khu vực không tổ chức quản lý, khai thác giao thông đường thủy nội địa (ví dụ hồ, vũng, vịnh, ven biển) thì không chịu sự điều chỉnh nào pháp luật giao thông. Về phương tiện, không rõ áp dụng quy định nào đối với ván trượt, dù… Hay đối với phương tiện, ví dụ mô tô nước, không thể áp dụng quy định về định biên (số lượng thuyền viên) theo quy định hiện hành. Vì thiếu hành lang pháp lý nên cách thức quản lý hoạt động này ở các địa phương rất khác nhau. Một số địa phương như Khánh Hòa, Bà Rịa – Vũng Tàu ban hành quy chế quản lý để phân công trách nhiệm cho các cơ quan chức năng, còn lại hầu hết nơi khác việc quản lý do doanh nghiệp, cá nhân tự thực hiện.
 
Chưa định dạng phương tiện lễ hội – du lịch

Cục trưởng Cục Cảnh sát Đường thủy, Bộ Công an Đại tá Nguyễn Văn Tuyên nêu lên một bất cập rằng, vào mùa lễ hội, trên suối Yến phục vụ tham quan chùa Hương, huyện Mỹ Đức, Hà Nội có vài ngàn phương tiện thủy chở khách. Có chiếc chở 15 – 20 người, có chiếc chở 30 – 40 người nhưng hầu hết không có phao cứu sinh, không có số đăng ký, đăng kiểm. Tuy vậy, vì đây lại không là tuyến được công bố là vận tải khách, phương tiện lại chưa được xác định là loại gì, số người được phép chở là bao nhiêu… nên cảnh sát đường thủy không có căn cứ để đánh giá có hay không có vi phạm, mức độ vi phạm thế nào. Trong khi đó, nguy cơ tai nạn nghiêm trọng là có thật bởi suối Yến nay có chỗ được nạo vét sâu tới 2,5m (bến Trù), phương tiện lại đông đúc. Đây là một trong những ví dụ cụ thể về bất cập trong quản lý phương tiện phục vụ lễ hội, du lịch. Trong một số lễ hội như Hội Nghinh Ông ở tỉnh Cà Mau, khi phương tiện tập trung để tham gia lễ hội, không phân biệt được đâu là phương tiện nghề cá, phương tiện du lịch, phương tiện gia dụng. Hay tại Thừa Thiên Huế, từng xảy ra chuyện hàng chục phương tiện thủy trên sông Hương được buộc lại cùng nhau để tham gia lễ hội (và gây cháy) khiến cơ quan chức năng địa phương lúng túng trong việc giải quyết.

Tương tự, cũng có thể nói, hình thức chợ nổi trên sông cũng còn thiếu các quy định quản lý cụ thể, và khiến việc áp dụng các quy định pháp luật giao thông đường thủy nội địa của cơ quan chức năng địa phương gặp nhiều lúng túng.

Theo Phó cục trưởng Cục Cảnh sát đường thủy Đại tá Nguyễn Anh Thắng, để giải quyết những vấn đề phát sinh nêu trên cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật Giao thông đường thủy nội địa. Tuy nhiên, vì hoạt động trên liên quan đến nhiều lĩnh vực như văn hóa, thể thao, du lịch, y tế, môi trường… nên trước tiên nên tổ chức hội thảo nhằm lấy ý kiến rộng rãi, thống nhất ý kiến để đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành các quy định pháp luật hoặc biện pháp quản lý.

Hồng Thanh
Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân