Giao thương VN – thế giới: Giá lương thực thế giới tăng kỷ lục
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Chuyên gia kinh tế chính của Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO) Abdolreza Abbassian nhận định: “Thế giới đang bước vào một thời điểm nguy hiểm”. Giá lúa mì tăng gần gấp đôi kể từ tháng 6-2010, giá đường ở mức kỷ lục 30 năm qua và giá thịt heo tăng 1/4 kể từ đầu năm 2010.

Người dân nghèo ở thế giới thứ ba sẽ là lực lượng cảm nhận rõ nhất ảnh hưởng của giá lương thực leo thang, vì chi tiêu của họ cho miếng ăn hằng ngày chiếm phần lớn hơn rất nhiều trong khoản thu nhập của gia đình so với người dân ở các nước phát triển. Tờ The Guardian dẫn ý kiến giáo sư kinh tế Paul Collier của Đại học Oxford (Anh) cho rằng: “Các gia đình nghèo chi tới một nửa thu nhập để có miếng ăn và dĩ nhiên không thể tự vệ trước cơn bão giá”.

Chuyên gia Abbassian cho biết FAO rất lo ngại về tương lai lương thực toàn cầu vì tính khó đoán trước của thời tiết và có thể giá lương thực sẽ còn tăng hơn. Các chính sách cấm xuất khẩu của các nước như Ấn Độ và Nga cũng đang góp phần đẩy vấn đề giá lương thực leo thang cao hơn trên thị trường thế giới. Ngoài ra, giá dầu tăng gần đây cũng gây không ít quan ngại cho viễn cảnh giá lương thực.

Nhiều chuyên gia nhận định ít có dấu hiệu cho thấy giá dầu sẽ giảm, ngược lại sẽ sớm vượt qua mốc 100 USD/thùng. Trong trường hợp căng thẳng với Iran nổ ra thì giá dầu có thể vượt qua mức kỷ lục 150 USD/thùng. Giá dầu tăng sẽ khiến giá lương thực tăng theo vì chi phí vận chuyển tăng. Thời tiết nóng hơn do La Nina đang khiến người ta giảm bớt hi vọng vào mùa màng bội thu ở Nam Mỹ, và Nga cũng đã cấm xuất khẩu ngũ cốc vào mùa hè này do hạn hán. Lũ lụt ở Úc đang làm giảm 20% sản lượng đường của nước này.

Theo Reuters, nghiên cứu của các nhà kinh tế cho thấy các quốc gia nghèo và không sản xuất đủ lương thực cho nhu cầu trong nước sẽ ít có khả năng chống đỡ nhất trước cơn sốc giá, đặc biệt Bangladesh, Morocco và Nigeria ở hàng đầu danh sách “gặp nguy hiểm”.

Ngoài đe dọa gây suy dinh dưỡng và các biến động lớn về chính trị, giá lương thực thế giới tăng cao cũng là yếu tố gây nên tình trạng lạm phát trong nước và cũng có khả năng ảnh hưởng tới chính sách tiền tệ của thế giới.

Trung Quốc đã tăng tỉ lệ lãi suất hai lần trong những tháng gần đây để chống lạm phát. Và thế giới cũng chứng kiến lần đầu tiên tỉ lệ lạm phát ở khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (euro) đã tăng cao so với tỉ lệ mục tiêu của khối trong hơn hai năm qua. Ông Abbassian ước đoán giá lương thực có thể tăng vào năm nay chứ không giảm vì điều kiện thời tiết.

Giáo sư Paul Collier nhận định cuộc khủng hoảng nghiêm trọng ngày càng trở nên tồi tệ hơn chính là do các chính phủ kém tầm nhìn. Trong bài bình luận của mình, ông cho rằng các phản ứng trước đợt khủng hoảng lương thực hiện nay đều rơi vào bế tắc do các quyết định như cấm xuất khẩu của các nước xuất khẩu lương thực.

Chính điều này khiến nguồn cung càng ít hơn và nông dân không có động cơ để đầu tư thêm cho kết quả mùa màng cao hơn. Các nước nhập khẩu lương thực tấn công phủ đầu bằng cách đi thuê đất, sở hữu đất ở nơi khác, trồng trọt và chuyển lương thực về nước mình.

KHỔNG LOAN
Nguồn: Báo Tuổi trẻ  điện tử