Giãn, giảm thuế giúp DN giảm bớt khó khăn
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Tính đến hết tháng 9, Cục Thuế TP.HCM đã thực hiện gia hạn 1.996 tỷ đồng tiền thuế GTGT trong quý II-2012; giảm 579 tỷ đồng thuế TNDN; gia hạn 335 tỷ đồng thuế TNDN phải nộp của năm 2011 trở về trước; miễn 9 tỷ đồng tiền thuế đối với các hộ kinh doanh nhà trọ, giữ trẻ; miễn 160 tỷ đồng tiền thuế thu nhập cá nhân tháng 7, 8-2012; miễn 12,5 triệu đồng tiền thuế môn bài năm 2012 đối với hộ đánh bắt hải sản và giảm 2,9 tỷ đồng tiền thuê đất… cho DN,  giúp DN tháo gỡ được khó khăn tạm thời về nguồn vốn đầu tư cho sản xuất kinh doanh.

Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may- Thêu đan TP.HCM cho biết, việc giãn thời hạn nộp thuế GTGT là chính sách có ý nghĩa đối với các DN sản xuất hàng may mặc tiêu thụ nội địa. Việc giãn thời hạn nộp thuế trong thời điểm khó khăn này sẽ giúp DN có thêm nguồn vốn để quay vòng trên thị trường. Đại diện một DN kinh doanh hàng điện tử, điện máy tại TP.HCM cũng cho hay, việc gia hạn 1 năm thuế TNDN của năm 2011 đã giúp DN dành ra được 150 triệu đồng để thanh toán tiền hàng cho nhà cung cấp và trả lương cho công nhân.

Thị trường bất động sản đóng băng đã mang đến muôn vàn khó khăn cho các DN ngành xây dựng, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ. Do vậy, mặc dù  chỉ tiết kiệm được vài chục triệu đồng mỗi tháng nhờ việc gia hạn nộp thuế GTGT nhưng trong tình cảnh phải chạy từng đồng để nuôi công nhân, vài chục triệu đồng đối với một DN nhỏ lại trở thành một vấn đề lớn, giám đốc công ty xây dựng DVA chia sẻ.

Mặc dù đã có những tác động nhất định trong việc hỗ trợ DN vượt qua khó khăn, tuy nhiên nhiều DN cũng cho biết, mong mỏi lớn nhất của họ vẫn là có thể dễ dàng tiếp cận nguồn vốn của ngân hàng với lãi suất hợp lí. Trong tình hình khó khăn hiện nay, giải pháp miễn, giảm, giãn thuế không phải là giải pháp tối ưu, duy nhất để hỗ trợ DN vì hiện nay DN chủ yếu gặp khó khăn trong tiếp cận vốn vay, tín dụng, lãi suất tiền vay cao, thị trường thu hẹp, sức mua giảm, dẫn đến lượng hàng tồn kho tăng cao, gây ứ đọng vốn, nợ đọng thuế. 

Do đó, Chính phủ cần xem xét toàn diện hệ thống chính sách vĩ mô, kết hợp hài hòa giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, chú trọng hơn đến giải pháp tiền tệ, tín dụng, giảm mạnh lãi suất cho vay, kích cầu tiêu dùng, mở rộng thị trường nhằm tăng sức mua, tạo điều kiện để DN thu hồi vốn, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh.

Nguyễn Huế
Nguồn: Báo Hải quan Online