Giúp doanh nghiệp tạo thói quen sử dụng pháp luật
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Thờ ơ trước pháp luật, tăng hành vi kinh doanh gian dối

Nền kinh tế thị trường của bất kỳ một quốc gia nào trên thế giới cũng luôn ghi nhận hệ thống pháp luật ổn định, lành mạnh là yếu tố tiên quyết, tiền đề cho sự phát triển của nền kinh tế, động lực thúc đẩy sự tiến bộ, văn minh xã hội. Tại Việt Nam – một quốc gia đang trong quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường – luôn khuyến khích các DN thuộc mọi thành phần kinh tế cạnh tranh lành mạnh nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh thì việc xây dựng một hành lang pháp lý thống nhất, vững chắc đóng vai trò quan trọng, quyết định sự thành, bại trong thu hút đầu tư của quốc gia.

Tuy nhiên, hệ quả tất yếu của nền kinh tế thị trường với nguồn lợi nhuận khổng lồ đã phơi bày rõ nét mặt tiêu cực của nó, những thương vụ cam kết hớ hênh, không minh bạch giữa các DN, sự lừa đảo lẫn nhau thông qua các hành vi gian dối trong kinh doanh nhằm chiếm lĩnh thị phần, loại bỏ đối thủ cạnh tranh, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường sạch trong kinh doanh, trái với xu hướng phát triển của thế giới. Nguyên nhân sâu xa của vấn đề này thể hiện rõ nét ở sự thờ ơ của DN trước pháp luật, do không nắm bắt được các quy định pháp luật liên quan trực tiếp tới hoạt động sản xuất kinh doanh của mình (pháp luật DN, cạnh tranh, pháp luật về hợp đồng, thương mại quốc tế…).

Một trong những lĩnh vực xảy ra nhiều hành vi cạnh tranh không lành mạnh phải kể đến lĩnh vực bảo hiểm bằng các chiêu thức khác nhau, trong đó có việc sử dụng biện pháp hành chính để gây sức ép, lôi kéo, ép buộc người tham gia bảo hiểm phải mua bảo hiểm hoặc sử dụng dịch vụ môi giới bảo hiểm tại một DN, trái với quyền tự do lựa chọn và giao kết hợp đồng.

Việc cạnh tranh thông qua sự can thiệp hành chính đã thể hiện rất rõ trong nghiệp vụ bảo hiểm học sinh. Một vài DN bảo hiểm mới ra đời hoặc mới triển khai nghiệp vụ, vì muốn chiếm lĩnh thị trường nên đã chấp nhận hỗ trợ nhà trường với nguồn kinh phí lớn, thậm chí còn cao hơn cả phí bảo hiểm thu được. Cách hỗ trợ này đã tạo điều kiện cho nhà trường gây sức ép với các DN bảo hiểm khác, làm xấu đi hình ảnh của bảo hiểm học sinh. Đồng thời, trong những năm học tới, việc thuyết phục người tham gia bảo hiểm chấp nhận phí bảo hiểm, mức khấu trừ hoặc điều kiện bảo hiểm bình thường sẽ rất khó khăn.

Trên thị trường bảo hiểm cũng xuất hiện nhiều công ty bảo hiểm chuyên ngành, tại đó ngành này buộc các đơn vị thành viên trong cùng một tổng công ty tham gia bảo hiểm tại một DN bảo hiểm trực thuộc trong khi ngành này, công ty này chỉ có 30% vốn trong công ty bảo hiểm của họ. Đây là một trong những biểu hiện của độc quyền trong kinh doanh đối với những sản phẩm có tính chất đặc thù riêng.

Hành động sử dụng áp lực hành chính để có được những hợp đồng bảo hiểm là hành động phi cạnh tranh. Những hành động này có thể giúp các DN cạnh tranh không lành mạnh độc quyền khai thác dịch vụ nhưng lại gây nên tình trạng phí khai thác dịch vụ bảo hiểm chủ yếu tập trung vào một DN trong một ngành, một lĩnh vực lớn trong khi đó công ty bảo hiểm này lại mới ra đời, chưa đủ năng lực tài chính, kinh nghiệm… dẫn đến có thể mất khả năng thanh toán khi có tổn thất lớn.

Trợ giúp gián tiếp “khó” đến với doanh nghiệp

Tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam bình quân 10 năm  (2000 – 2010) đạt 7,26%/năm, được đánh giá là một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh, ổn định trong khu vực và quốc tế. Điều này đánh dấu bước đổi mới căn bản về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Có được thành tựu đáng kể này là do những đóng góp không nhỏ của nhóm DN thuộc mọi loại hình kinh tế (tổng số đăng ký 541.103 DN), trên 60% GDP. DN hiện là khu vực chủ yếu quyết định tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế Việt Nam, đặc biệt là khối DN nhỏ và vừa với 304.900 DN/tổng số 313 nghìn DN đang hoạt động trên cả nước (chiếm 97%).

Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế nước ta đang ngày càng hội nhập sâu rộng thì điểm bất cập là có quá ít DN Việt Nam hiện nay thấu hiểu được tầm quan trọng của luật pháp cũng như vai trò của việc tư vấn pháp luật trong DN còn mờ nhạt, chưa nhận được sự quan tâm thỏa đáng.

Theo đó, ngày càng nhiều DN, nhất là nhóm DN nhỏ và vừa tại các địa bàn kinh tế – xã hội có điều kiện khó khăn và đặc biệt khó khăn với nguồn lực hạn chế, yếu kém cả về thông tin, tài chính lẫn chuyên môn nghiệp vụ càng gặp khó khăn gấp bội, đã và đang làm ăn thua lỗ, mất dần vị thế trên thương trường dẫn tới phá sản.

Từng bước khắc phục tình trạng trên, những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chính sách, đạo luật quan trọng, thực sự tạo môi trường pháp lý thông thoáng, thuận lợi cho DN thuộc mọi thành phần kinh tế phát triển, đảm bảo tăng trưởng và phát triển ổn định của DN Việt Nam như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư…

Đặc biệt là các nội dung chính sách liên quan tới việc hỗ trợ tư vấn pháp luật cho DN, qua đó giúp DN kịp thời tiếp cận thông tin pháp lý, phòng tránh rủi ro trong hoạt động sản xuất kinh doanh như Luật Luật sư, Nghị định số 77/2008/NĐ-CP về tư vấn pháp luật… Nhưng các quy phạm chính sách này còn bộc lộ những hạn chế, bất cập như hoạt động tư vấn có thu phí, chưa có những chính sách, trợ giúp trực tiếp và cụ thể tới nhóm DN nhỏ và vừa tại các địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn.

Vì vậy, tiếp tục các chính sách hỗ trợ thiết thực cho DN, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 585/QĐ-TTg phê duyệt chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho DN giai đoạn năm 2010 – 2014. Trong đó quy định rõ nội dung hỗ trợ thiết lập mạng lưới tư vấn pháp luật cho DN tại các địa phương có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn nhằm giúp DN thuộc nhóm đối tượng trên được tiếp cận chính sách trợ giúp, nâng cao thói quen sử dụng tư vấn pháp luật, hạn chế các rủi ro, từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả trong hoạt động sản xuất kinh doanh.n               

Hà Sơn 
Nguồn: Báo Pháp luật Việt Nam