Gỡ khó cho một chủ trương nhân văn
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Quy định vênh nhau

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, sau hơn một năm triển khai Nghị định 67/2014, cả nước đã có 27/28 tỉnh, thành phố phê duyệt danh sách ngư dân đủ điều kiện đóng mới, nâng cấp tàu cá, với 1.084 chiếc. Hiện đã có 84 tàu cá đóng mới và 12 tàu nâng cấp được hạ thủy. Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng đã ký hợp đồng tín dụng cho vay 385 tàu với tổng số tiền 4.000 tỷ đồng. Số tiền giải ngân và dư nợ đến thời điểm báo cáo đạt gần 2.000 tỷ đồng.

Song hiện tại khá nhiều ngư dân không muốn tham gia chương trình nữa bởi sợ không trả được nợ. Theo quy định tại Nghị định 67: Các chủ tàu được hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) 10% đối với tàu đóng mới, nâng cấp có tổng công suất máy chính từ 400CV trở lên. Tuy nhiên từ ngày 1.1.2015, thời điểm Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về Thuế có hiệu lực, thì đóng tàu không còn thuộc diện chịu thuế (GTGT) nên dĩ nhiên không được hoàn thuế.

Cả 2 chính sách này đều nhằm khuyến khích ngư dân đóng tàu chắc chắn, song do thiếu hướng dẫn cụ thể nên dẫn đến sự lộn xộn trong thực hiện. Nhiều ngư dân đóng mới, nâng cấp tàu vẫn nộp thuế GTGT, nhưng khi đến đòi Bộ Tài chính thì bị từ chối, trích dẫn quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về Thuế. Ngược lại, một số ngư dân biết quy định của Luật, không lấy hóa đơn GTGT, thì lại bị các ngân hàng đòi hóa đơn thuế GTGT mới giải ngân vốn vay.

Ngư dân Nguyễn Văn Hùng (Lý Sơn, Quảng Ngãi) bức xúc: “Giá thành đóng mới tàu vỏ thép cao hơn giá thành tàu vỏ gỗ mà lại áp dụng thêm chính sách thuế mới thì giá thành tàu vỏ thép càng tăng cao, thêm gánh nặng nợ nên chúng tôi chần chừ không muốn tham gia. Đã là chính sách mang tính hỗ trợ phải thiết thực chứ kiểu “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, lúc nói có, lúc nói không thì khác nào đánh đố ngư dân”. Nhiều người thì đặt câu hỏi, liệu số tiền hoàn thuế GTGT theo Nghị định 67 có chảy vào túi một số cá nhân?

Ngư dân lại vay vốn ngoài

Bên cạnh quy định về thuế, còn một số điểm chưa rõ ràng trong Nghị định 67. Liên quan đến chính sách bảo hiểm, trong năm 2015 – 2016 có 26/28 tỉnh, thành phố thực hiện bảo hiểm thân tàu, ngư lưới cụ và bảo hiểm tai nạn thuyền viên với tổng số tiền khoảng hơn 26.400 tỷ đồng. Tuy nhiên, đại diện Agribank cho biết, hiện nay các đơn vị bảo hiểm chủ yếu chỉ nhận bảo hiểm thân vỏ tàu, không bảo hiểm cho phần ngư lưới cụ. Trong khi đó, trên thực tế, giá trị của ngư lưới cụ, đặc biệt với các con tàu vỏ thép công suất lớn theo thẩm định của các ngân hàng, có giá trị lên tới 1 – 2 tỷ đồng. Còn theo lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nên giải thích rõ thế nào là “xa bờ”, bởi hiện nay chưa có cách hiểu thống nhất về tàu thực hiện dịch vụ hậu cần xa bờ được hưởng ưu đãi theo Nghị định 67.

Nhiều ngư dân cho biết, do thủ tục quá rắc rối nên đã quyết định xin rút lui, vay vốn bên ngoài. Trong số 73 ngư dân đăng ký đóng tàu cá và được UBND tỉnh Quảng Ngãi phê duyệt, 25 ngư dân xin rút lui. Trong khi lãi suất vốn vay theo Nghị định 67 không chênh lệch bao nhiêu so với tự huy động vốn. Nếu vay của chủ nậu, đi biển về bán lại hải sản cho họ giá thấp hơn thị trường nhưng chừng 3 – 5 năm là có thể trả hết vốn vay. Bù lại, vay chủ nậu thì có tiền liền, còn ngân hàng thì bị “ngâm” không biết bao giờ mới có.

“Thanh minh” cho ngành ngân hàng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết, ngay cả nhân viên ngân hàng cũng không am hiểu về nghề cá nên việc thẩm định hồ sơ mất nhiều thời gian. Để Nghị định 67 thực sự hiệu quả, các hợp tác xã nên nghiên cứu tổ chức thêm mô hình thu mua và tiêu thụ sản phẩm. Sau đó các hợp tác xã liên kết tạo thành liên minh hợp tác xã hỗ trợ ngư dân hoàn thiện hồ sơ vay vốn ngân hàng, lo thu mua, tiêu thụ sản phẩm đầu ra… Như vậy, ngư dân sẽ bớt lúng túng khi làm hồ sơ vay vốn ngân hàng, mà lại không lo bị thương lái ép giá, không lo yếu tố mùa vụ.

Nghị định 67/2014 là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta, hỗ trợ dân đóng tàu công suất lớn. Các ngành chức năng nên sớm vào cuộc tháo gỡ những vướng mắc trên để chủ trương đầy tính nhân văn này thực sự đến với người dân.

Bộ Tài chính đang trình Chính phủ bãi bỏ Khoản 6, Điều 6 Nghị định số 67, cũng như nguyên tắc xử lý cho các địa phương khi thay đổi chính sách. Cụ thể, đối với những hợp đồng đóng mới, nâng cấp tàu đánh bắt xa bờ được ký trước ngày 1.1.2015, chủ tàu được hoàn thuế GTGT đầu vào theo quy định tại Khoản 6, Điều 6 Nghị định số 67 và theo quy định của pháp luật về thuế GTGT tại thời điểm ký hợp đồng. Những hợp đồng đóng mới, nâng cấp tàu đánh bắt xa bờ được ký từ ngày 1.1.2015 trở đi phải thực hiện theo quy định tại Khoản 1, Điều 3 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về Thuế số 71/2014/QH13, có nghĩa là, chủ tàu không được hoàn thuế GTGT đầu vào. Chủ tàu được Nhà nước hỗ trợ vay ưu đãi theo quy định tại Điểm c, Khoản 1, Điều 4 Nghị định số 67. Giá trị tàu đóng mới, nâng cấp được vay ưu đãi bao gồm cả các khoản thuế GTGT đầu vào (nếu có).

Phương Trang
Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân