Gỡ nút thắt an sinh trước khi bàn việc lớn
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Gỡ nút thắt về an sinh xã hội

Nêu quan điểm của một doanh nghiệp, Chủ tịch HĐQT Cty VFAM, ông Vũ Xuân Tiền, cho rằng để nâng cao hơn nữa chất lượng và sức thuyết phục của báo cáo chính trị, cần có nghị quyết về việc tập trung giải quyết, tháo gỡ ngay những nút thắt về an sinh xã hội.

Đất nước đã qua hơn 20 năm đổi mới nhưng đến nay về an sinh xã hội vẫn còn những nút thắt lớn cần được giải quyết. Cụ thể trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo là tình trạng thiếu trường, lớp cho học tập, tình trạng thương mại hóa giảng đường đại học.

Đây là những nút thắt nguy hiểm nhất, nếu không khắc phục ngay sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều thế hệ người Việt Nam. Vì vậy dự thảo báo cáo chính trị cần nêu rõ đến năm nào chúng ta khắc phục được tình trạng thiếu lớp học cho giáo dục mầm non và phổ thông; đến khi nào chúng ta có những trường đại học đạt chuẩn quốc tế và chấm dứt được tình trạng mua bán bằng cấp.

Trong lĩnh vực y tế là tình trạng thường xuyên quá tải ở các bệnh viện và làm giàu trên bệnh tật của người dân không ít bác sĩ, dược sĩ thông qua các khoản thu ngoài quy định. “Đề nghị dự thảo báo cáo chính trị chỉ rõ lộ trình xóa tình trạng 2 đến 3 bệnh nhân nằm chung giường bệnh và chấm dứt tình trạng bác sĩ đòi tiền của bệnh nhân và thị trường thuốc tân dược bị thả nổi như hiện nay. Báo cáo cũng cần cụ thể thời điểm nào sẽ hết ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn”- Ông Tiền kiến nghị.

Theo ông Tiền, trước khi bàn đến nhà máy điện hạt nhân, đường sắt cao tốc và những vấn đề to lớn khác, hãy giải quyết ngay 3 nút thắt quan trọng nên trên.

Động lực cho kinh tế tư nhân

Ông Vũ Quốc Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, cho rằng trong nền kinh tế thị trường, cạnh tranh được coi là động lực chủ yếu của phát triển. Tuy nhiên, trong thực tế có tình trạng không bình đẳng giữa Cty tư nhân với doanh nghiệp Nhà nước.

Kinh tế tư nhân vẫn khó tiếp cận các nguồn lực phát triển, từ đất đai để mở rộng mặt bằng, tiếp cận tín dụng để có thêm vốn kinh doanh, đấu thầu để nhận các dự án đầu tư bằng vốn nhà nước, nhận vốn ODA để thực hiện các công trình cho đến việc tham gia các hội chợ, triển lãm, tiếp cận thị trường.

Theo ông Tuấn, cần khẳng định trong văn kiện kinh tế tư nhân là động lực phát triển chủ yếu của nền kinh tế. Phát triển mạnh mẽ kinh tế tư nhân là nhiệm vụ chiến lược. Cần xóa bỏ mọi kỳ thị, phân biệt đối xử với kinh tế tư nhân. Tạo môi trường thuận lợi khuyến khích doanh nghiệp khu vực tư nhân phát triển sản xuất, kinh doanh không hạn chế quy mô trong những lĩnh vực có lợi cho quốc kế dân sinh.  

Cách diễn đạt còn chung chung

TS Nguyễn Đại Lai, chuyên gia kinh tế, cho rằng trong quan điểm phát triển của Dự thảo Chiến lược kinh tế xã hội 2011-2020, cách diễn đạt trong hầu hết 5 tiểu mục của mục này còn định tính, chung chung, kiểu văn phong nghị quyết, giao nhiệm vụ hơn là văn phong chiến lược kinh tế – xã hội.

Người đọc phải dịch ý mới tìm được nội hàm của quan điểm. Nếu đếm chỉ trong 1,5 trang của mục này có thể tìm thấy vài chục từ chung chung như: Phải, đẩy mạnh, quyết liệt, từng bước, tăng cường, gắn với… Theo ông Lai, những từ này khó có thể chỉ rõ rút cục là chiến lược kinh tế sẽ đi theo mô hình và thể chế kinh tế cụ thể nào. 

Phạm Tuyên
Nguồn: Báo Tiền phong điện tử