Goldman Sachs dự báo về kinh tế Việt Nam
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Bản báo cáo này bao gồm một phần nói về kinh tế Việt Nam mang tựa đề “Vietnam: Rising inflation, growth setback and a likely roadmap of policy response” (tạm dịch “Việt Nam: Lạm phát tăng cao, rào cản đối với tăng trưởng và khả năng phản ứng chính sách”).

Mối đe dọa lớn nhất

Các chuyên gia của Goldman Sachs nhận định, lạm phát chính là vấn đề nổi cộm nhất hiện nay đối với kinh tế Việt Nam. Tháng 4 vừa qua, tỷ lệ lạm phát so với cùng kỳ của Việt Nam là 21,4%, so với mức 8,6% vào tháng 8 năm ngoái.

Lạm phát cao đang đe dọa tới ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam, cũng như luồng vốn nước ngoài tại thị trường này, đồng thời khiến việc giải ngân vốn FDI – một nguồn động lực cho tăng trưởng – có thể bị gián đoạn.

Nếu tình hình tiếp tục xấu đi, kết quả có thể sẽ là sự mất cân đối đáng kể đối với cán cân thanh toán trong thời gian không xa, báo cáo nhận định.

Báo cáo của Goldman Sachs dự báo, tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể giảm trong năm nay và năm tới, với mức dự báo lần lượt là 7,3% và 7,8%, so với mức tăng trưởng 8,5% trong năm ngoái.

Trong khi đó, lạm phát sẽ tiếp tục ở mức cao, với mức dự báo là 19% và 10% cho cả năm nay và năm sau, so với mức 8,3% của năm 2007.

Nguyên nhân lạm phát

Báo cáo của Goldman Sachs cho rằng, lượng cung tiền tăng mạnh chính là nguyên nhân chủ đạo dẫn tới tình trạng lạm phát tăng cao tại Việt Nam.

Tình trạng này bắt đầu xuất hiện từ năm 2006 và tăng tốc vào đầu năm 2007. Số liệu thống kê của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cho thấy, tăng trưởng tiền M2 ở Việt Nam đã tăng từ mức 34% trong năm 2006 lên mức 54% trong năm 2007. Cùng với đó, tốc độ tăng trưởng tín dụng cũng tăng từ mức 29% lên 54%.

Để giữ VND không lên giá so với USD, Ngân hàng Nhà nước đã mua USD về và như thế bơm thêm VND vào nền kinh tế. Để tránh tình trạng dư thừa VND, Ngân hàng Nhà nước đã phát hành tín phiếu bắt buộc và tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc, nhưng vẫn còn một lượng tiền dư thừa lớn trong nền kinh tế.

Bên cạnh đó là sự mở rộng nhanh chóng của hệ thống ngân hàng, đặc biệt là ngân hàng thương mại cổ phần và ngân hàng nước ngoài. Ngoài việc đẩy mạnh cho vay để chiếm thị phần, các ngân hàng cũng tìm mọi cách để tăng dư nợ nhằm đảm bảo tỷ lệ bắt buộc 3% đối với cho vay cầm cố chứng khoán vào thời điểm cuối năm 2007.

Dự báo chính sách

Bản báo cáo cho rằng, hiện đang là thời điểm vô cùng quan trọng để các nhà hoạch định chính sách Việt Nam có những bước đi hợp lý giúp nền kinh tế “hạ cánh an toàn” (soft landing).

Với phân tích về nguyên nhân lạm phát như ở trên, các chuyên gia của Goldman Sachs cho rằng, chính sách tiền tệ phải là công cụ chống lạm phát chính của Việt Nam vào lúc này.

Từ tháng 6 năm ngoái tới nay, Ngân hàng Nhà nước đã áp dụng nhiều công cụ chính sách tiền tệ để chặn lạm phát bao gồm tăng tỷ lệ bắt buộc, sử dụng nghiệp vụ repo, phát hành tín phiếu, tăng lãi suất, nới lỏng biên độ tỷ giá để VND tăng giá so với USD…

Tuy nhiên, theo nhận định của bản báo cáo, từ nay trở đi, Ngân hàng Nhà nước sẽ có ít lựa chọn công cụ chính sách hơn để áp dụng. Và trong số những giải pháp còn lại, hai công cụ có nhiều khả năng được sử dụng nhất là tăng lãi suất và kiểm soát tín dụng.

Động thái dỡ bỏ trần lãi suất huy động, ấn định lãi suất tối đa 18%/năm của Ngân hàng Nhà nước ngày 17/5 được các chuyên gia của Goldman Sachs đánh giá là một bước tiến tích cực trong việc chống lạm phát.

Tuy nhiên, với tình trạng thắt chặt thanh khoản trong các ngân hàng hiện nay kể từ khi Ngân hàng Nhà nước phát hành 20.000 tỷ tín phiếu bắt buộc trong tháng 3 khiến xuất hiện một nhân tố rủi ro trong hệ thống. Do đó, bản báo cáo cho rằng, đã đến lúc Ngân hàng Nhà nước nên tính đến chuyện cung cấp thanh khoản cho các ngân hàng, thay vì tiếp tục tìm cách hút bớt thanh khoản trong ngắn hạn.

Về tỷ giá VND/USD, Goldman Sachs dự báo, VND sẽ tiếp tục mất giá so với USD trong thời gian tới.

Bản báo cáo cũng cho rằng Ngân hàng Nhà nước sẽ không sử dụng công cụ tỷ giá hối đoái, nâng giá VND, để chặn lạm phát vì hai lý do. Thứ nhất, VND chưa phải đã bị định giá quá thấp so với USD, và thứ hai, Chính phủ tiếp tục muốn đẩy mạnh xuất khẩu và thu hút vốn FDI.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Việt Nam