Góp ý dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi: Cần ưu tiên hoàn thiện tiêu chuẩn về lao động
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Hội thảo do Hội KHKT an toàn vệ sinh lao động VN phối hợp với Liên hiệp các Hội KHKT VN tổ chức tại Hà Nội ngày 26.9. Điểm đáng chú ý là một số chuyên gia đến từ Uỷ ban các Vấn đề xã hội của Quốc hội – cơ quan thẩm định dự thảo BLLĐ trước khi trình ra Quốc hội – đã có mặt hội thảo. 

Tham gia hội thảo có Phó Chủ nhiệm Uỷ ban các Vấn đề xã hội của Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội KHKT VN Trần Việt Hùng, Chủ tịch Hội KHKT an toàn vệ sinh lao động VN Nguyễn An Lương và GS-TS Lê Vân Trình – Uỷ viên ĐCT Tổng LĐLĐVN, Viện trưởng Viện Nghiên cứu KHKT BHLĐ, cùng gần 80 đại biểu là các nhà khoa học, nhà quản lý, cán bộ CĐ.

Vẫn thiếu công bằng về tiền lương

TS Đặng Quang Điều – Uỷ viên Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN, Viện trưởng Viện Công nhân – Công đoàn – tại hội thảo đã nêu ý kiến: “Dự thảo BLLĐ sửa đổi cần quy định người sử dụng lao động (NSDLĐ) “phải” xây dựng thang – bảng lương, định mức LĐ thay vì quy định NSDLĐ “có trách nhiệm” xây dựng như dự thảo hiện nay”.

Theo TS Điều, quy định như vậy chưa đủ sức nặng để các DN thực hiện nghiêm túc việc xây dựng thang – bảng lương. Thực tế trong thời gian qua, nhiền DN không xây dựng thang bảng lương, trả lương cho NLĐ rất tùy tiện. Tiền lương NLĐ mới tuyển dụng và NLĐ làm việc lâu năm; lương của LĐ có đào tạo và LĐ không qua đào tạo lại tương đương nhau, không có sự chênh lệch cần thiết, dẫn đến thiếu công bằng trong tiền lương, làm ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của NLĐ.

TS Đinh Ngọc Quý – Phó Vụ trưởng Vụ các Vấn đề xã hội, Uỷ ban các Vấn đề xã hội của Quốc hội – thì cho rằng: “Trong dự án BLLĐ sửa đổi cần chú trọng quan hệ giữa BLLĐ với Luật CĐ; chú trọng quan hệ LĐ nhưng phải ưu tiên hoàn thiện tiêu chuẩn, điều kiện LĐ”. Theo TS Quý, nhiều nội dung không chỉ dùng pháp luật điều chỉnh để kỳ vọng quá lớn, mà phải dùng các thiết chế khác như: Đối thoại xã hội tại DN, thương lượng, đàm phán, hòa giải…

Về vấn đề quan hệ LĐ trong BLLĐ sửa đổi, TS Đỗ Trọng Hùng – Phó Viện trưởng Viện ITRAO (Liên hiệp các Hội KHKT VN) – nêu ý kiến: “Khi xảy ra tranh chấp LĐ tập thể về quyền thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải chủ động, kịp thời tiến hành giải quyết là rất đúng, góp phần giảm tải các cuộc đình công đã xảy ra lâu nay”.

TS Hùng cho rằng, mặc dù đã giải thích các thuật ngữ “Tranh chấp LĐ tập thể về quyền”, “Tranh chấp LĐ tập thể về lợi ích”, song từ thực tiễn giải quyết các vụ đình công trong những năm gần đây cho thấy, những thuật ngữ này còn mới mẻ đối với các bên trong QHLĐ. Vì vậy, dự thảo cần giải thích cụ thể hơn dưới dạng liệt kê các tình huống thường xảy ra trong thực tiễn.

An toàn vệ sinh LĐ: Cần được xã hội hoá

Ông Phùng Hữu Dật – Trưởng ban Thông tin, tuyên truyền Hội KHKT ATVSLĐ VN – cho rằng: “Trong khoảng 20 năm trở lại đây, với sự tăng trưởng mạnh của số lượng DN, thay đổi lớn về tỉ trọng các thành phần kinh tế và việc hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, tuy chúng ta đã có nhiều nỗ lực trong công tác ATVSLĐ, nhưng điều kiện làm việc tại các DN chưa được cải thiện nhiều, nhiều nơi còn nguy hiểm, khắc nghiệt. Tình trạng vi phạm pháp luật về ATVSLĐ còn phổ biến, tai nạn LĐ chết người còn liên tục gia tăng”.

Theo ý kiến của nhóm nghiên cứu thuộc Hội KHKT ATVSLĐ VN, cần có một luật riêng về ATVSLĐ để bao quát được tất cả các đối tượng và các nội dung còn bỏ trống trong BLLĐ. Trong khi chờ có “Luật ATVSLĐ”, trước mắt, cần mạnh dạn bổ sung một số nội dung ATVSLĐ trong BLLĐ, tạo những điểm đột phá để khắc phục các thiếu sót, phù hợp với đòi hỏi thực tế, cải thiện tình hình thực hiện pháp luật về ATVSLĐ, ngăn chặn đà gia tăng của TNLĐ, thực hiện các cam kết quốc tế và dần dần hòa nhập với luật pháp quốc tế.

Vấn đề ATVSLĐ trong dự thảo BLLĐ lần này, nhón nghiên cứu thuộc Hội KHKT ATVSLĐ VN đề nghị: Trong chính sách nhà nước về ATVSLĐ, cần đẩy mạnh xã hội hóa công tác ATVSLĐ, Nhà nước cần khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để huy động các cơ quan, tổ chức và cá nhân tham gia với Nhà nước và DN đảm bảo ATVSLĐ, đặc biệt là các tổ chức xã hội – nghề nghiệp, các cá nhân có chuyên môn sâu về các lĩnh vực của công tác ATVSLĐ, để nâng cao chất lượng các hoạt động. Về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, cần bổ sung quy định đối với người thiết kế, chế tạo, nhập khẩu công nghệ, thiết bị, dụng cụ, hóa chất… cũng phải thực hiện các quy định về ATVSLĐ nêu trong các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và địa phương về ATVSLĐ…

Theo PGS-TS Nguyễn An Lương – Chủ tịch Hội KHKT ATVSLĐ VN – căn cứ các tham luận, khuyến nghị tại hội thảo, Hội KHKT ATVSLĐ VN sẽ tập hợp biên soạn ra bản dự thảo góp ý kiến về BLLĐ sửa đổi, sau đó trình cho Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội KHKT VN để gửi lên Quốc hội.

Quang Chính – Hà Anh
Nguồn: Báo Điện tử Lao động