Góp ý dự thảo Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi): Nhà nước đầu tư, phải được chia lợi nhuận
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Đó là góp ý của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại phiên họp lần thứ tám của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhằm cho ý kiến về Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi) dự án luật này.

Tái đầu tư phần lợi nhuận của Nhà nước

Chủ tịch Quốc hội nói: “Lợi nhuận thu được từ việc thương mại hóa kết quả NCKH và phát triển công nghệ được tạo ra bằng ngân sách nhà nước phải được phân chia dựa trên nguyên tắc công bằng. Nhà nước đầu tư nên phải được chia một phần, nhưng phần này sẽ không dồn vào ngân sách mà được đầu tư lại cho NCKH và phát triển công nghệ hoặc tiếp tục đầu tư vào Quỹ Phát triển đổi mới công nghệ. Như thế sẽ rất sòng phẳng, khuyến khích được nhà khoa học nghiên cứu chuyển giao và Nhà nước thì thu hồi lại một phần vốn. Tỷ lệ chia cho Nhà nước bao nhiêu thì cần nghiên cứu”.Liên quan đến quy định về thương mại hóa các kết quả nghiên cứu, bà Kim Ngân đề nghị ban soạn thảo rà soát lại vì cho rằng điều này liên quan đến Luật Quản lý tài sản công. Về nguyên tắc, luật được xây dựng mở để tạo sự đột phá mới cho hoạt động chuyển giao công nghệ (CGCN). Cụ thể, khi kết thúc nhiệm vụ, những tài sản Nhà nước trang bị để nghiên cứu khoa học và công nghệ (KH&CN) hay sản phẩm thử nghiệm được giao lại cho cơ quan chủ trì, điều này là hợp lý nhưng phải có quy cách.

“Khi giao tài sản nhà nước thì bên tiếp nhận phải quản lý, sử dụng đúng mục đích, tài sản nhà nước phải bảo toàn được vốn. Không thể có tình trạng một thiết bị nhà nước bỏ tiền ra mua, sau khi cơ quan nghiên cứu thành công, giao lại thiết bị một thời gian rồi mất luôn” – bà Ngân nhấn mạnh.

Làm rõ trách nhiệm trong thẩm định công nghệ

Tại phiên họp, ông Phan Xuân Dũng – Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (UBKH-CN&MT) của Quốc hội – báo cáo một số vấn đề lớn đã được chỉnh lý trong dự thảo luật sau khi tiếp thu ý kiến thảo luận ở tổ và tại hội trường trong phiên họp thứ hai Quốc hội khóa XIV trước đó. Ban soạn thảo (Bộ KH&CN) đã phối hợp chặt chẽ với UBKH-CN&MT, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nghiên cứu, tiếp thu toàn bộ ý kiến của các đại biểu.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh cho biết, các nhóm ý kiến lớn đã được tiếp thu giải trình gồm: Chính sách của Nhà nước về CGCN nói chung, về CGCN trong nông nghiệp nói riêng, các biện pháp khuyến khích CGCN, thẩm định công nghệ trong các dự án đầu tư, hỗ trợ khuyến khích các doanh nghiệp ứng dụng đổi mới công nghệ, quản lý nhà nước trong hoạt động CGCN…

Dự thảo luật trước đó có 7 chương, 62 điều, nay đã xem xét thay thế 11 điều cũ, bổ sung 8 điều mới, điều chỉnh, ghép thêm 3 điều và rút đi 1 chương, điều chỉnh lại kết cấu và đến nay đảm bảo bao quát toàn bộ phạm vi điều chỉnh chính sách của Nhà nước trong hoạt động CGCN.

Cho rằng dự thảo lần này đã tiếp thu rất tốt hầu hết các ý kiến của đại biểu, Chủ tịch Quốc hội tin tưởng dự án luật này sẽ nhận được sự đồng thuận cao của Quốc hội tại kỳ họp tới. “Dự thảo luật đã quy định công tác thẩm định công nghệ dự án đầu tư – đây là khâu quan trọng nhất không thể thiếu trong giai đoạn quyết định chủ trương đầu tư. Về điểm này, ban soạn thảo đã tiếp thu đầy đủ và làm rõ trách nhiệm với Nhà nước trong việc thẩm định công nghệ. Nếu đưa công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường vào trong nước thì người nào chịu trách nhiệm chính trong vấn đề đó phải chịu trách nhiệm” – bà Ngân nhấn mạnh.

Vấn đề thời gian thẩm định công nghệ cũng được nhiều đại biểu cho ý kiến. Hiện điểm này còn vướng bởi theo Luật Đầu tư, thời gian thẩm định công nghệ là 15 ngày, còn theo dự thảo Luật CGCN là 20 ngày. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, không phải tất cả các dự án CGCN đều được thẩm định, như vậy là không phù hợp với Luật Đầu tư, Luật KH&CN.Do đó, ông đề nghị ban soạn thảo cân nhắc quy định theo hướng tất cả các dự án sử dụng công nghệ được chuyển giao thì đều phải thẩm định. Đối với những dự án có công nghệ phức tạp, lần đầu tiên chuyển giao với Việt Nam, thời gian thẩm định kéo dài là phù hợp. Tuy nhiên, nên làm rõ thêm công nghệ phức tạp là công nghệ gì.

Đồng tình với việc kéo dài thời gian thẩm định đối với công nghệ mới từ nước ngoài vào, bà Ngân cho rằng Bộ KH&CN và UBKH-CN&MT của Quốc hội nên cùng xử lý các vấn đề kỹ thuật để không xung đột với Luật Đầu tư mà vẫn nhấn mạnh được rằng những công nghệ phức tạp, công nghệ mới nhập từ nước ngoài cần thời gian thẩm định dài hơn.

Theo Báo điện tử Khoa học & Phát triển