Góp ý dự thảo Luật Đất đai: “Nóng” chuyện đền bù, giao đất!
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Sáng nay (9/10), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Bộ Tài nguyên – Môi trường đã tổ chức lấy ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp về dự thảo Luật Đất đai sửa đổi.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Mạnh Hiển cho biết, dự thảo sửa đổi Luật đất đai lần này có 14 chương, 190 điều (tăng 6 chương và 44 điều so với Luật hiện hành). Dự kiến dự thảo sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp tháng 10/2012 và thông qua tại kỳ họp tháng 5/2013.

“Nên bỏ bảng giá đất của Nhà nước” – (GS Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường):

Mỗi năm các tỉnh, thành phố đều công bố bảng giá đất ở địa phương mình nhằm làm căn cứ tham chiếu cho các giao dịch liên quan tới đất đai trên địa bàn. Tuy nhiên những bảng giá đất này bao giờ cũng thấp hơn thị trường, không thể áp dụng cho trường hợp gây thiệt hại cho người dân và là nguyên nhân gây ra các vụ kiện cáo. Do đó, nên bỏ bảng giá đất của Nhà nước.

Hơn nữa, việc thỏa thuận giá đất giữa doanh nghiệp và người dân nên áp dụng nguyên tắc đồng thuận của cộng đồng, tối thiểu bằng hai phần ba đồng thuận của cư dân trong cộng đồng đó.

Về phía doanh nghiệp thì không thể đòi công bằng tất cả các đối tượng đều như nhau. Bởi lẽ, việc cấp đất đối với an ninh quốc phòng, y tế, giáo dục… chắc chắn sẽ được ưu tiên hơn đối với việc sử dụng vào các mục đích khác.


“Không thấy có sự đột phá” – (TS Phạm Sĩ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam):

So với Luật Đất đai năm 2003, dự thảo lần này ngoài những bổ sung chi tiết thì không thấy có sự đột phá nào, ngược lại vẫn còn nhiều hạn chế.

Theo dự thảo Luật thì giá bồi thường đất không nên quy định nguyên tắc phù hợp với giá thị trường vì giá thị trường là giá thỏa thuận cho từng mảnh đất tại địa điểm xác định vào thời điểm xác định.

Trong khi giá bồi thường áp dụng cho một khu vực trong một khoảng thời gian. Vì vậy nên thay thế nguyên tắc này bằng nguyên tắc giá công bằng, tức là giá có thể giúp tạo được tài sản tương đương tài sản bị thu hồi tại địa điểm khác tương tự và cộng thêm một khoản lợi ích cho dự án phát triển đất đem lại.

Hiện nay, đa số người dân đang nghĩ họ bị đền bù giá thấp, còn doanh nghiệp khi hoàn thành sản phẩm bán lại giá cao. Vì vậy, đã đến lúc cần làm cho người dân hiểu thật rõ tại sao mức giá bán ra lại như thế. Doanh nghiệp đã phải bỏ những chi phí như phát triển cơ sở hạ tầng, nộp thuế cho Nhà nước bao nhiêu để đêm lại giá trị mới cho mảnh đất đó.

“Vướng 6 nút thắt, Luật khó có tác dụng” (Luật gia Vũ Xuân Tiền, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty tư vấn VFAM Việt Nam):

Luật Đất đai hiện hành có quá nhiều kẽ hở trong việc giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất. Trên thực tế, sau khi có Luật Đất đai, số vụ khiếu nại, tố cáo về đất đai lại tăng lên. Nhiều vụ khiếu kiện số người tham gia lên tới hàng nghìn gây ra những bất ổn xã hội và khó giải quyết. Khiếu nại, tố cáo không được giải quyết đã dẫn đến xung đột mà điển hình là vụ “chống người thi hành công vụ” tại Tiên Lãng, Hải Phòng.

Thứ 2, việc xác định giá đất quy định trong Luật Đất đai hiện hành thiếu thống nhất, thiếu minh bạch, tự mâu thuẫn, tạo ra sự chênh lệch rất lớn khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Hơn nữa, việc phân cấp quản lý về đất đai quá rộng dẫn đến có quá nhiều người có quyền giao đất, cho thuê đất và thu hồi đất. Điều đó đã dẫn đến hậu quả là, mặc dù trên lý thuyết, đất đai thuộc sở hữu toàn dân nhưng trên thực tế, đất đai đang thuộc “sở hữu” của một nhóm lợi ích.

Thêm vào đó, vấn đề quy định về tiền sử dụng đất trong Luật Đất đai hiện hành không hợp lý. Bởi, không chỉ rõ tiền sử dụng đất là một loại thuế hay lệ phí. Chính vì vậy, việc đưa tiền sử dụng đất lên “sát giá thị trường” nhằm tăng thu cho ngân sách đã không thực hiện được.

Quy định về hạn mức giao đất nông nghiệp trong Luật Đất đai hiện hành không còn hợp lý, duy trì một nền nông nghiệp manh mún, phân tán, là vật cản lớn cho mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp và nông thôn.

Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đất đai quá nhiều, chắp vá, chồng chéo. Đó là lực cản rất lớn trong việc phổ biến pháp luật về đất đai cho toàn dân và tạo kẽ hở cho sự vận dụng một cách tuỳ tiện.

Thuý Ngân 
InfoTV