Gửi hàng trăm kiến nghị, cử tri vẫn tiếp tục bức xúc về BOT
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Thông qua các đợt tiếp xúc cử tri tại một số kỳ họp đã có 132 kiến nghị cử tri gửi đến Quốc hội, phản ánh về chất lượng của một số dự án, công trình BOT giao thông, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết.

Sáng 20/5, lần đầu tiên báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp trước được trình bày trong phiên khai mạc kỳ họp mới của Quốc hội.

Thông qua 1.408 cuộc tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp thứ 6, Ban Dân nguyện đã tập hợp được 2.293 kiến nghị cử tri và chuyển đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết, bà Hải cho biết.

Kết quả giám sát cho thấy, kết quả giải quyết một số tồn tại, hạn chế đã nêu tại báo cáo các kỳ trước còn bất cập, trong đó có kiến nghị về các dự án BOT giao thông, như vị trí đặt trạm, công khai, minh bạch trong thu phí; chất lượng của các công trình BOT,… chưa thỏa đáng nên cử tri tiếp tục kiến nghị.

Cụ thể, bà Hải cho biết, thông qua các đợt tiếp xúc cử tri trước và sau các kỳ họp thứ 2,3,4,5 và 6 của Quốc hội khóa 14 (từ tháng 10/2016 đến nay), đã có 132 kiến nghị của cử tri Hải Phòng, Đà Nẵng, Bình Định, Lạng Sơn, Long An, Ninh Thuận, Cần Thơ, Đồng Tháp, Long An, Thái Bình, Thái Nguyên, Lâm Đồng,…gửi đến Quốc hội. 

Cử tri phản ánh về chất lượng của một số dự án, công trình BOT giao thông, vị trí đặt trạm thu phí, mức thu phí một số nơi còn chưa hợp lý, công tác kiểm tra, thanh tra lượng xe qua trạm chưa được thường xuyên, kịp thời nên hiệu quả chưa cao, việc áp dụng công nghệ thông tin trong thu phí và quản lý lưu lượng xe lưu thông qua trạm, doanh thu tại các trạm, chậm được triển khai, có nguy cơ ảnh hưởng tới nguồn thu ngân sách và quyền lợi của người dân, báo cáo nêu rõ.

Bà Hải cũng nhấn mạnh, tại báo cáo kỳ trước, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã kiến nghị Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải khẩn trương xem xét, giải quyết những vấn đề mà cử tri nêu, cần có cơ chế chính sách quản lý hiệu quả hơn đối với các trạm thu phí BOT.

Bên cạnh đó, tại khoản 5 điều 2 của nghị quyết giám sát số 437/NQ-UBTVQH14 của Uỷ ban Thường  vụ Quốc hội ngày 21/10/2017 đã nêu rõ yêu cầu “… Từ năm 2019, triển khai đồng bộ thu giá dịch vụ không dừng đối với tất cả các tuyến quốc lộ được đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT trên cả nước.”

Qua theo dõi, giám sát cho thấy, Bộ  Giao thông vận tải đã xem xét và có văn bản trả lời và gửi đến đoàn đại biểu Quốc hội nơi cử tri có kiến nghị theo quy định, đồng thời Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, yêu cầu Bộ triển khai đổi mới, tăng cường nhiều biện pháp trong quản lý từng bước khắc phục tình trạng gian lận, che giấu doanh thu của doanh nghiệp để trốn thuế, kéo dài thời gian thu phí,… hoàn thành việc thu phí tự động không dừng theo đúng lộ trình.

Tuy nhiên, cơ quan giám sát đánh giá, đến nay việc triển khai thu phí dịch vụ không dừng tại các trạm BOT vẫn chậm, tỷ lệ đạt thấp. Từ năm 2017, Thủ tướng đã yêu cầu đến hết năm 2018, các trạm thu phí trên Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên phải áp dụng thu phí tự động không dừng; các trạm thu phí trên các tuyến đường khác phải áp dụng xong trong năm 2019.

Song, theo số liệu thống kê của Tổng cục đường bộ Việt Nam, đến hết năm 2018 mới có 26/44 trạm thu phí đường bộ vận hành làn thu phí tự động không dừng (đạt 59,1%) (theo số liệu công bố tại cuộc họp về kiểm điểm tiến độ thu phí không dừng (ETC) ngày 6/3 do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải chủ trì).

Bên cạnh đó, vị trí đặt trạm BOT tại một số tuyến đường vẫn thiếu hợp lý, chưa đảm bảo khoảng cách tối thiểu theo quy định. Theo phản ánh của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Bình Phước, tỉnh lộ 741 dài khoảng 120 km nhưng có tới 6 trạm thu phí BOT.

“Do đó, người dân vẫn tiếp tục bức xúc, kiến nghị cần tăng cường công khai, minh bạch tại các trạm thu phí giao thông BOT và tiếp tục rà soát vị trí đặt các trạm BOT đảm bảo phù hợp, đúng quy định”, bà Hải phản ánh.