Hạ tầng CNTT: Mô hình nào cho doanh nghiệp?
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Tuy nhiên, với 95% doanh nghiệp nhỏ và vừa, câu chuyện ứng dụng công nghệ thông tin trong doanh nghiệp đòi hỏi có những mô hình thích hợp…

Doanh nghiệp vẫn loay hoay

TS Đoàn Duy Khương, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã kể câu chuyện người nông dân bán tỏi ở Trung Quốc sau khi tình cờ gặp được một sinh viên và được anh này giúp giới thiệu sản phẩm lên mạng, không những sản phẩm của người nông dân này được bán hết mà vùng trồng tỏi với công nghệ vi sinh được nổi tiếng từ đó… Ngay cả ở Việt Nam, rất nhiều doanh nghiệp (DN) đã thu được lợi từ ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT). 

“Nhận thức được tầm quan trọng của CNTT trong chiến lược phát triển DN, nhiều DN Việt Nam đã mạnh dạn và chủ động đầu tư, áp dụng những thành tựu của CNTT vào hoạt động quản trị, sản xuất, kinh doanh của DN mình và đã đạt được những thành công nhất định. Tuy nhiên, đa số DN Việt Nam hiện nay vẫn chưa nhận thức được đầy đủ vai trò của CNTT và vẫn còn đang loay hoay chưa tìm được mô hình CNTT phù hợp với năng lực tài chính và mục đích của DN mình…”- Phó Chủ tịch VCCI nhận định.

Nhận định về tình hình ứng dụng CNTT trong DN, ông Nguyễn Trường Thắng – Viện trưởng Viện CNTT – Viện Hàn lâm Khoa học & Công nghệ cho rằng, hạ tầng CNTT của Việt Nam giá rẻ, cạnh tranh, tạo nhiều thuận lợi cho DN, trong đó hạ tầng CNTT quốc gia tương đối ổn về đường truyền dẫn và giá cả. Tuy nhiên đối với DN, việc phát triển hạ tầng CNTT chưa thực sự cạnh tranh, do đó DN cần vận dụng CNTT để tối ưu hóa năng suất lao động, tăng suất cạnh tranh…

TS Lê Văn Lợi – Viện trưởng Viện Tin học DN – VCCI cho rằng với phần lớn các DN Việt Nam hiện nay là DN nhỏ và vừa, do vậy để đầu tư một nhân sự vào CNTT là điều quá xa xỉ đối với các DN này. Thực tế cho thấy, nếu có nhân sự được đào tạo chuyên về CNTT thì họ sẽ không tham gia vào các DN nhỏ và vừa mà sẽ đầu quân tại các DN chuyên ngành công nghệ hoặc các DN, tập đoàn lớn.

“Để tháo gỡ khó khăn cho DN, đồng thời hỗ trợ DN thực hiện điện tử hóa, Chính phủ đã định hướng cho DN thuê nhân sự CNTT ngoài theo thời vụ. Đúng là giải pháp này đã tạo thuận lợi cho DN Việt Nam trong bối cảnh khó khăn này. Tuy nhiên, các chủ DN, CEO cần phải ý thức được rõ nếu muốn nâng cao sức cạnh tranh, các DN phải tự đổi mới mình theo trào lưu mới của xã hội, ứng dụng CNTT sâu rộng hơn. Chỉ có các chủ DN mới làm chủ được mình và đưa ra quyết định phù hợp với Chính phủ điện tử và làm hài lòng khách hàng của mình”. – ông Lợi nói.

Mô hình nào?

So với taxi truyền thống, Uber và GrabTaxi mới chỉ ra đời mấy năm gần đây  và thoạt đầu không khiến các DN taxi truyền thống để ý, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, Uber và GrabTaxi đã chiếm được thị phần cao. Thậm chí, các DN taxi phải họp nhau lại để phản đối cách làm ăn của 2 DN này.  

Theo ông Phạm Vĩnh Thái – Giám đốc Công nghệ Tập đoàn Hewlett-Packard Enterprise (HPE), sở dĩ Uber và GrabTaxi thành công  là do họ đã ứng dụng CNTT để vượt lên cách kinh doanh truyền thống. “Ý tưởng về ứng dụng CNTT và thực hiện ý tưởng sẽ giúp DN thu lợi nhuận rất nhanh và rất lớn. Hiện nay chúng ta có hàng trăm tỷ thiết bị kết nối, song song đó chúng ta có hàng nghìn tỷ ứng dụng trên các thiết bị và mang lại giá trị rất nhiều cho DN. Cái cần của DN hiện nay là tốc độ…”- ông Thái đưa ra lời khuyên.

4 mô hình được ông Thái chia sẻ, đó là: Thứ nhất, chủ động quản trị rủi ro. Ví như hãng Uber, hàng năm họ thiệt hại 1 tỷ USD ở Trung Quốc nhưng họ vẫn chấp nhận vì họ quản trị được thiệt hại. Lợi nhuận họ thu về 6 tỷ USD mỗi năm. “Rủi ro không thể không xảy ra, quan trọng là quản trị được rủi ro…”- ông Thái lưu ý; thứ hai, tạo ra DN làm việc theo ngữ cảnh. Theo đó, DN có nhiều khách hàng có thể quản lý qua các công cụ CNTT. Ví dụ khi xử lý các thông tin phản hồi từ khách hàng DN sẽ thu được những góp ý để cải thiện sản phẩm của mình mang lại sự hài lòng cho khách hàng. Khi khách hàng hài lòng thì ta thu lại giá trị lớn; 

Thứ ba, mô hình tận dụng công nghệ, kết nối. Với  90% người ngồi đây đều có smartphone để truy cập internet, nếu duy trì được điều này thì giao tiếp giữa người dùng và người bán hàng trở nên đơn giản và nhanh chóng hơn…; thứ tư, mô hình dùng hệ thống hạ tầng dạng live. Với mô hình này, hoàn toàn có thể dùng điện toán đám mây để tạo ra giá trị…

“Với nền kinh tế toàn cầu hóa như hiện nay, đây là thách thức đòi hỏi DN phải làm trong thời gian tới. Ứng dụng hạ tầng internet sẽ mang lại làn sóng mới với khách hàng, đồng thời mở rộng ra rất nhiều, lợi nhuận mang lại cũng lớn hơn…”- ông Thái quả quyết…

Thanh Hương
Nguồn: Báo Đời sống và pháp luật  điện tử