Hạn chế điều chỉnh chương trình nhiều lần 
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.
Tình trạng đề nghị bổ sung, điều chỉnh chương trình quá nhiều và có xu hướng trở nên phổ biến đã khiến nhiều đại biểu bức xúc tại Hội nghị triển khai thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 diễn ra hôm qua. Thời hạn lập hồ sơ đề nghị đã được quy định rất rõ trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhưng nhiều bộ, ngành vẫn chưa quan tâm thỏa đáng đến công tác này khiến cơ quan thẩm tra vẫn phải chạy theo cơ quan trình.

Thời gian vừa qua, Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận được nhiều đề nghị bổ sung dự án vào chương trình theo công văn do Bộ trưởng Bộ Tư pháp, thay mặt Chính phủ, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ ký trình. Nhưng trước đó, thứ trưởng phụ trách chuẩn bị dự án luật lại ký quyết định để gửi dự án luật sang cơ quan chủ trì thẩm tra xem xét, có ý kiến. Tức là có tình trạng nội dung đi trước, đề nghị bổ sung đi sau. Cách làm này phải xem xét lại, vì ngược quy trình không cần thiết, không đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Theo quy định hiện hành, đề nghị bổ sung dự án luật phải trình với hồ sơ theo quy định, sau khi được đưa vào chương trình mới chuẩn bị nội dung và có Tờ trình về nội dung kèm theo hồ sơ. Nhưng ở đây lại làm ngược lại theo hướng trình nội dung rồi mới trình đề nghị. Do vậy, đề nghị, Bộ Tư pháp và các bộ, ngành liên quan quan tâm bảo đảm thực hiện đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Các bộ, ngành chủ trì soạn thảo cần tích cực thực hiện gửi báo cáo về tiến độ thực hiện dự án luật vào ngày 30 hàng tháng để Ủy ban Pháp luật tổng hợp, báo cáo kịp thời với Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Thời gian qua, Ủy ban Pháp luật duy trì vấn đề này nhưng công tác thực hiện của các bộ chưa bảo đảm. 

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Thị Dung

Từ "cấp thiết" đang trở nên phổ biến

Tại Hội nghị này, vấn đề được đại diện một số Ủy ban của Quốc hội quan tâm là tình trạng điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm. Dù việc điều chỉnh là cần thiết trong một số trường hợp cấp thiết để đáp ứng yêu cầu của cuộc sống, nhưng Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Thị Dung không khỏi lo ngại khi việc điều chỉnh đang diễn ra quá nhiều và có xu hướng trở lên phổ biến, trước mỗi kỳ họp đều có sự điều chỉnh, bổ sung Chương trình. Riêng trong 6 tháng cuối năm 2019, Chính phủ đã đề nghị điều chỉnh, bổ sung 4 dự án luật, 3 dự thảo nghị quyết. Trong 6 tháng đầu năm 2020, Chính phủ đề nghị bổ sung, điều chỉnh tới 6 dự án luật, 7 dự thảo nghị quyết; Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị điều chỉnh 1 dự án luật. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật khẳng định, tình trạng này ảnh hưởng lớn đến kế hoạch công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội luôn bị động, chạy theo cơ quan trình, không dành được nhiều thời gian tiến hành giám sát, thực hiện các công tác khác theo luật định. 

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Thị Dung cũng thẳng thắn chỉ rõ, tình trạng gần sát kỳ họp mới đề nghị bổ sung dự án vào chương trình kỳ họp Quốc hội diễn ra rất nhiều, không bảo đảm nguyên tắc làm luật theo hai giai đoạn như quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định xem xét dự án luật theo cách “hai trong một” để ủng hộ Chính phủ, xem xét nội dung thấy bảo đảm chất lượng sẽ bổ sung vào chương trình, tức là tuân thủ theo quy định tại Điều 51, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Do vậy, một số Ủy ban của Quốc hội phải gồng mình lên để nghiên cứu, thẩm tra ngay sát kỳ họp, thậm chí có những dự án luật phải tổ chức thẩm tra khi kỳ họp đã diễn ra, dù số dự án được phân công theo chương trình đã rất nhiều. Nguyên tắc mỗi Ủy ban phụ trách không quá 3 dự án luật trong một số trường hợp  cũng không bảo đảm được nên áp lực với các cơ quan này là rất lớn. 

Thực tế nêu trên, theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đã ảnh hưởng đến chất lượng các dự án luật bởi các đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội không có đủ thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng, tham vấn ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động, các chuyên gia… phục vụ việc thảo luận, thẩm tra.

Thấy khó thì… để lại, bổ sung sau

Tình trạng xin bổ sung dự án luật vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm khiến một số đại biểu có ý kiến tại Hội nghị cũng có phần xuất phát từ băn khoăn của Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm về việc dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ chưa được đưa vào chương trình. Trong đó, theo Bộ trưởng Bộ Công an, vấn đề trật tự an toàn giao thông có ý nghĩa rất quan trọng, không thể tách rời trật tự an toàn xã hội. Nghị quyết của Chính phủ về Phiên họp thường kỳ tháng 4.2020 cũng đã thống nhất về sự cần thiết xây dựng, ban hành Luật về vấn đề này và giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan hoàn thiện Hồ sơ dự án Luật, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội Khóa XIV cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Mười, thông qua tại Kỳ họp thứ Mười một… Tuy nhiên, đến nay, dự án Luật vẫn chưa được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, 2021. 

Thực tế, tại một số phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về các dự án luật khác, lãnh đạo Bộ Công an đã có báo cáo về hai dự án luật nêu trên. Nhưng đến nay, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, các cơ quan của Quốc hội vẫn chưa nhận được hồ sơ hai dự án luật này. Khi thảo luận về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh Chương trình năm 2020, nhiều đại biểu Quốc hội tán thành nếu hoàn thiện sớm hồ sơ hai dự án Luật này thì có thể trình Quốc hội đồng thời với dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi).

Hai dự án Luật được Bộ Công an đề xuất bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh không thực hiện đúng thời hạn trình đề nghị được Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định. Các vướng mắc, nhất là điểm chồng lấn về phạm vi điều chỉnh giữa dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ và dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) đã được Chính phủ tháo gỡ, tạo tiền đề hoàn thiện hồ sơ trình ra Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Nhưng nếu Chính phủ có chỉ đạo kịp thời cho hai bộ được giao chủ trì soạn thảo để xác định phạm vi điều chỉnh phù hợp, có lẽ sẽ tránh được sự lỡ hẹn này.

Một nỗi lo khác cũng được nhiều đại biểu chia sẻ tại hội nghị là hiện tượng cơ quan chức năng thấy khó làm sẽ để dự án luật lại, xin bổ sung vào chương trình sau. Hiện tượng này không chỉ là một nguyên nhân khiến chương trình bị điều chỉnh nhiều lần, còn ảnh hưởng đến kỷ luật trong công tác xây dựng luật. Trong thời gian tới, cần có sự cương quyết từ các cơ quan chức năng để chấn chỉnh kịp thời, bởi công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế là công tác quan trọng, khâu đột phát quyết định sự phát triển đất nước.