Hạn điền – câu chuyện không chỉ của người sử dụng đất
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Hạn điền sẽ là 50 năm?

Phải làm gì khi rất nhiều thửa đất hết thời hạn sử dụng vào cuối năm 2013 là mối quan tâm của nhiều người sử dụng đất cũng như các nhà hoạch định chính sách trong nhiều năm qua. Và nếu tiếp tục quy định hạn điền thì câu hỏi này lại tiếp tục được đặt ra. Đánh giá cao những quy định tiến bộ cũng như thực tế hơn so với Luật Đất đai năm 2003, song đại diện Liên mạng Vận động chính sách Vũ Quốc Tuấn cho rằng, để phát huy hiệu quả của quỹ đất đai, cần có những đột phá hơn nữa trong chính sách, pháp luật về đất đai, kể cả trong việc sửa đổi Luật Đất đai năm 2003 cũng như trong các văn bản dưới luật sẽ được ban hành trong thời gian tới, trong đó đặc biệt chú trọng đến những quy định liên quan đến hạn điền.

Điều 109 dự thảo Luật Đất đai sửa đổi quy định, thời hạn giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng là 50 năm; khi hết thời hạn, người sử dụng đất được Nhà nước tiếp tục giao đất nếu có nhu cầu tiếp tục sử dụng, chấp hành đúng pháp luật về đất đai trong quá trình sử dụng và việc sử dụng đất đó phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được xét duyệt. Thời hạn cho thuê đất nông nghiệp đối với hộ gia đình, cá nhân sử dụng là không quá 50 năm. Thời hạn giao đất, cho thuê đất đối với các tổ chức kinh tế cũng được kéo dài đến 50 – 70 năm, gấp trên hai lần so với quy định hiện nay. Đây là quy định tiến bộ so với Luật Đất đai năm 2003, song theo ý kiến của nhiều chuyên gia, cần xóa bỏ hạn điền.

Cụ thể, đối với vùng đang sử dụng là đất nông nghiệp, thì Nhà nước nên giao cho các tổ chức và cá nhân “sử dụng ổn định lâu dài” (được ghi nhận tại Điều 18 Hiến pháp 1992), tức là không có thời hạn. Như vậy thì người dân càng thêm yên tâm, tích cực đầu tư thâm canh, hiệu quả sử dụng đất sẽ tăng thêm; đồng thời cũng tránh được những thủ tục hành chính phiền hà mà người dân sẽ phải thực hiện để được tiếp tục sử dụng đất khi hết thời hạn.  Bình luận về vấn đề này, Gs – TSKH Đặng Hùng Võ cho rằng, việc quy định thời hạn và hạn điền cho đất nông nghiệp làm hạn chế khả năng phát triển của lực lượng sản xuất nông nghiệp, không tạo được động lực mới cho tăng năng suất và sản lượng nông nghiệp. Một nguyên nhân dễ thấy là người nông dân chưa thực sự an tâm đầu tư chiều sâu vào sản xuất nông nghiệp vì thời hạn sử dụng đất quá ngắn. Mặt khác, chính sách hạn điền cũng làm cho quy mô sản xuất khó phát triển theo mô hình các trang trại sản xuất lớn – Gs Võ phân tích.

Đại diện Ngân hàng Thế giới tính toán, dù có cho phép một thời hạn sử dụng đất dài hơn thì cuối cùng người sử dụng đất cũng sẽ gặp rắc rối khi thời hạn sắp kết thúc, trừ khi thời hạn sử dụng đất được tự động kéo dài thêm trước khi hết hạn. Nói một cách khác, việc giới hạn thời hạn sử dụng đất có ít ý nghĩa thực tế.

Xóa bỏ hạn mức diện tích sử dụng

Hiện nay, việc sử dụng đất nông nghiệp ở Việt Nam chủ yếu có quy mô nhỏ. Theo Tổng cục Thống kê, trong số 10,4 triệu hộ nông dân, 70% số hộ có ít hơn 0,5ha đất và chỉ có 3% có hơn 3ha. Đặc biệt, ở đồng bằng sông Hồng tới 94% số hộ có ít hơn 0,5ha (năm 2009). Ở mỗi hộ, số đất này thường chia thành nhiều miếng đất nhỏ, tách rời nhau. Do đó, chỉ một số rất ít các hộ nông dân có thể sống được bằng thu nhập từ việc trồng lúa (cụ thể là những hộ có từ 2 – 3ha trở lên).

Những quy định liên quan đến việc giới hạn số lượng đất do cá nhân hoặc hộ gia đình sử dụng được quy định lần đầu tiên trong Luật Đất đai năm 1993 với mong muốn duy trì việc giao đất công bằng cho nông dân và ngăn chặn việc hình thành “tầng lớp địa chủ mới”. Theo đó, diện tích đất nông nghiệp trồng cây hàng năm mỗi hộ được sử dụng là 3ha ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long và 2ha ở những khu vực khác; đối với đất trồng cây lâu năm, giới hạn này là 10ha ở các khu vực đồng bằng và 30ha ở các vùng trung du và miền núi. Và theo Luật Đất đai năm 2003, giới hạn diện tích sử dụng đất nói trên được đổi thành hạn mức giao đất của Nhà nước – tức là diện tích tối đa mà Nhà nước có thể giao cho một cá nhân hay một hộ gia đình (mà không thu tiền); cá nhân, tổ chức muốn có nhiều đất hơn phải nhận đất từ những người sử dụng đất khác. Tuy nhiên, qua thực tiễn triển khai Luật thì các quy định này đã không như mong muốn của các  nhà làm luật. Điều này được thể hiện, không có quy định nào về việc giải quyết các trường hợp khi diện tích đất nhận chuyển quyền vượt quá hạn mức cho phép và các cơ quan quản lý đất đai không có đủ năng lực, một tầng lớp địa chủ mới có thể được giải quyết tốt hơn thông qua các biện pháp bổ sung như thuế, hỗ trợ có mục đích, hay tái phân phối lại đất theo cơ chế thị trường, nếu cần thiết.

Hiện có hai quan điểm tương đối trái ngược nhau về vấn đề này. Một số người đề xuất duy trì các hạn mức đất giao và tích tụ đất để bảo vệ những người nông dân nghèo hơn khỏi bị mất đất và ngăn chặn việc hình thành tầng lớp địa chủ mới. Một số người khác đề xuất, nên xóa bỏ hoặc tăng thêm đáng kể hạn mức diện tích sử dụng đất để khuyến khích phát triển các trang trại quy mô lớn hơn nhằm tạo được ưu thế về quy mô sử dụng đất, tăng năng suất và tuân thủ các tiêu chuẩn an ninh lương thực.

Lựa chọn phương án nào cũng có những lý do riêng. Nhưng có một thực tế là, lợi ích của việc xóa bỏ các hạn mức đối với quy mô sử dụng đất là rất đáng kể và lớn hơn nhiều so với những rủi ro tiềm năng về đầu cơ đất nông nghiệp; đồng thời những lo ngại về việc tích tụ đất, hình thành một tầng lớp địa chủ mới có thể được giải quyết thông qua việc đánh thuế đất, can thiệp có mục tiêu, bao gồm cả việc thực hiện cải cách đất đai dựa vào thị trường khi cần thiết.

Trần Lam Bình
Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân