Hàng hoá Việt Nam với xu hướng nhập khẩu ở một số thị trường lớn
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Thương vụ Việt Nam tại Mỹ cho biết, nhiều nhà nhập khẩu Mỹ đang đa dạng hóa thị trường nhập khẩu, trong đó có Việt Nam mà không tập trung vào một số thị trường nhập khẩu chủ chốt như trước, đặc biệt là giảm nhập khẩu từ Trung Quốc. Thực tế trong năm qua, hàng hóa của Trung quốc xuất khẩu vào Mỹ tiếp tục tăng cao và vươn lên đứng thứ 3 trong nhóm các nước xuất khẩu nhiều nhất vào Mỹ. Tuy nhiên, Trung Quốc lại là một trong những đối tác thương mại thường xuyên xảy ra các tranh chấp thương mại với Mỹ, trong đó nổi bật là các vụ kiện chống bán phá giá, vi phạm các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm Mỹ. Các yếu tố khác gây rủi ro cho các nhà nhập khẩu Mỹ là việc Trung Quốc định giá đồng nhân dân tệ thấp so với USD, thặng dư thương mại tăng cao… Thương vụ Việt Nam tại Mỹ dự báo năm nay, hàng Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này sẽ vẫn tăng ở mức cao 23-25% so với năm 2007, cho dù nền kinh tế lớn nhất thế giới đang trên đà giảm sút và đối mặt với nhiều bất ổn. Các mặt hàng chủ lực xuất khẩu vào Mỹ sẽ vẫn là dệt may, đồ gỗ, giày dép, thủy sản và thiết bị điện. Để chủ động nắm bắt được cơ hội này, ông Ngô Văn Thoan, Tham tán thương mại Việt Nam tại Mỹ, cho biết: “Xu hướng các nhà nhập khẩu Mỹ chuyển hướng nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc sang thị trường khác, trong đó có Việt Nam đang diễn ra ngày càng rõ nét. Để tận dụng được cơ hội này, trước hết đối với cơ quan chức năng, đơn vị xúc tiến thương mại cần thông tin rõ cho doanh nghiệp biết cơ hội này. Thứ hai là bản thân doanh nghiệp phải tích cực giao dịch, nhưng điều quan trọng là phải gia tăng năng lực sản xuất vì thị trường Mỹ lớn. Quan trọng là làm sao đáp ứng đủ lượng hàng cho thị trường như đối tác yêu cầu. Công tác tiếp cận thị trường cần tích cực hơn, bài bản hơn. Riêng Mỹ không lo ngại về thị trường mà lo là năng lực của chúng ta đến đâu”.

Nhật Bản cũng chuyển các ngành sản xuất ra nước ngoài

Nhật Bản –nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới và là đối tác thương mại lớn của Việt Nam, cũng đang mở rộng xu hướng chuyển các ngành sản xuất ra nước ngoài để tái nhập khẩu, do chi phí sản xuất trong nước tăng và thiếu lao động. Ví dụ về mặt hàng phần mềm máy tính: Nhật Bản là một thị trường phần mềm rất lớn, đứng thứ 2 thế giới sau thị trường Mỹ, nhưng lại đang thiếu hụt kỹ sư CNTT trầm trọng, trung bình mỗi năm số lượng này giảm 3-4% do dân số già. Đó là chưa kể các ngành hàng sử dụng nhiều lao động như: nông lâm sản, cơ khí, công nghiệp nhẹ cũng đang thiếu lao động. Năm nay, Bộ Công Thương nước ta đặt mục tiêu xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản tăng 17%. Theo Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản, mục tiêu này hoàn toàn đạt và vượt, thậm chí là trên 20%. Điều quan trọng hiện nay, là doanh nghiệp Việt Nam cần đa dạng hóa các mặt hàng xuất khẩu, chủ động tìm kiếm các nhà nhập khẩu lớn của Nhật để giảm giá thành và có đầu mối nhập khẩu ổn định. Ông Vũ Văn Trung, Tham tán thương mại tại Nhật Bản, cho biết: “Tôi cho rằng doanh nghiệp cần nhìn nhận Nhật Bản là thị trường nhiều tiềm năng cần khai thác và phải làm tốt. Từng doanh nghiệp cần xác định thị trường Nhật Bản là thị trường chiến lược. Thứ hai là làm tốt công tác chất lượng hàng hóa, đặc biệt nhóm hàng nông lâm thủy sản cao. Thị trường hội tụ nhiều đối thủ cạnh tranh, do vậy cần tạo được sức cạnh tranh cả về quốc gia và doanh nghiệp. Yếu tố quan trọng khác là vấn đề tiếp cận thị trường. Việc tiếp cận thị trường Nhật Bản chưa được các doanh nghiệp làm đầy đủ, cần phải làm tốt hơn. Chúng ta phải thiết lập được mạng lưới tiêu thụ ổn định lâu dài vững bền thì mới có thể đẩy mạnh xuất khẩu”.

EU tiếp tục có nhu cầu nhập khẩu lớn
Đối với thị trường Liên minh châu Âu (EU), Bộ Công Thương dự báo, năm 2008 này, EU tiếp tục có nhu cầu nhập khẩu lớn các mặt hàng nông lâm thủy sản, dệt may, da giày, xe đạp và phụ tùng xe đạp, sản phẩm nhựa.v.v.. Và Việt Nam là một trong những quốc gia được nhiều nhà nhập khẩu EU lựa chọn. Có nhiều lý do để đưa ra nhận định này. Thứ nhất là chất lượng sản phẩm và thương hiệu hàng hóa của Việt nam ngày càng nâng cao. Thứ hai là quan hệ giữa Việt nam và EU đang có bước phát triển mới. Hiệp định Thương mại tự do FTA – EU – ASEAN trong đó Việt nam là điều phối viên đang bắt đầu quá trình đàm phán; đàm phán Hiệp định hợp tác và đối tác Việt Nam – EU; việc triển khai mạnh mẽ, đồng bộ chương trình hành động của chính phủ và đề án tổng thể quan hệ Việt Nam – EU (2006-2015) là những yếu tố quan trọng thúc đẩy quan hệ toàn diện giữa Việt Nam và EU nói chung, đặc biệt là kinh tế, thương mại và công nghiệp nói riêng.

Để tận dụng cơ hội này, bên cạnh sự nỗ lực của các doanh nghiệp về việc tiếp tục nâng cao chất lượng, thì rất cần sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng, đặc biệt là các thương vụ tại các thị trường này trong việc quảng bá, xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường. Về vấn đề này, ông Nguyễn Thành Biên, Thứ trưởng Bộ Công Thương, cho biết: “Trong điều kiện hiện nay, các tham tán phải làm tốt hơn nữa công tác thị trường ngoài nước, trong đó đổi mới cơ chế cũng như hình thức và nội dung hoạt động xúc tiến thương mại. Các tham tán chủ động đề xuất các chương trình xúc tiến thương mại, nhất là các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, chủ động kết nối các chương trình này với các doanh nghiệp ở nước ngoài để làm sao khi doanh nghiệp Việt Nam sang là có điều kiện trực tiếp tiếp xúc với doanh nghiệp bạn. Ngoài ra chúng tôi cũng khuyến khích các tham tán thương mại mời các doanh nghiệp nước ngoài, nhất là trong lĩnh vực nhập khẩu phân phối, bán buôn bán lẻ vào Việt Nam để khảo sát thị trường, giao lưu giao thương ký kết hợp đồng, nhất là các dịp xúc tiến thương mại. Đây là hình thức mới trong việc đổi mới xúc tiến thương mại”.

Năm nay, mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu của cả nước tăng 22% so với năm 2007. Mặc dù thị trường thế giới năm nay dự báo có nhiều biến động, đặc biệt là kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm lại, kéo theo nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm, song, các chuyên gia thị trường nhận định, với xu hướng đa dạng hóa thị trường nhập khẩu của các nước lớn thì Việt Nam hoàn toàn có thể đạt và vượt mục tiêu này./.

Nguồn: VOV News