“Hành động lớn” để không lỡ chuyến tàu lịch sử toàn cầu mới – Kỳ 2: Cần gói kích thích kinh tế theo đúng triết lý chống dịch
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Thay vì chi tiêu công “liệu cơm, gắp mắm” trước đây, Việt Nam cần có một gói chi tiêu công lớn, phù hợp với mục tiêu kép là vừa chống dịch, vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Trong khi các quốc gia giàu có tranh luận sôi nổi về việc cần phải “hành động lớn” bằng các gói kích thích tài khóa, tiền tệ vừa lớn, vừa chưa có tiền lệ nhằm ứng phó với Covid-19, thì các quốc gia mới nổi lại xem chống dịch là ưu tiên hàng đầu, đồng thời thúc đẩy các cải cách mang tính cấu trúc. Vậy phải làm gì để đừng lỡ hẹn chuyến tàu lịch sử toàn cầu mới?

Rất nhiều doanh nghiệp đang rất cần được hỗ trợ để phục hồi sản xuất, kinh doanh. Ảnh: Đ.T

Kỳ 2: Cần gói kích thích kinh tế theo đúng triết lý chống dịch

Thay vì chi tiêu công “liệu cơm, gắp mắm” trước đây, Việt Nam cần có một gói chi tiêu công lớn, phù hợp với mục tiêu kép là vừa chống dịch, vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Bức tranh kinh tế không toàn màu hồng

Trên mạng xã hội của các bạn tôi, từ người Việt tới người nước ngoài, đang tràn ngập hình ảnh TP.HCM vắng vẻ trong dịch. Một nhiếp ảnh gia chụp hồ Con Rùa và đường Đồng Khởi ở TP.HCM đẹp và vắng đến nao lòng. Ở những địa điểm mà đúng ra phải đông đúc chật kín người vào buổi sáng, thì lại yên tĩnh đến đáng lo ngại.

Đó là hình ảnh trái ngược với con số GDP, lạm phát hay sản xuất công nghiệp do Tổng cục Thống kê vừa công bố, nhưng là chỉ báo sớm cho những chỉ tiêu thống kê có độ trễ hàng tháng, thậm chí hàng quý kia.

Một kỹ sư người Nhật của một công ty có gần 400 công nhân nói với tôi qua Linkedin rằng, công ty của anh đã không còn đơn hàng nào để sản xuất cho tháng tiếp theo. Người ta chỉ nghĩ, dịch bệnh đáng lo ngại ở TP.HCM, mà quên mất rằng, rất nhiều thương thảo hợp đồng, thương vụ làm ăn là xuất phát từ đầu mối TP.HCM. Khi đầu tàu kinh tế này giãn cách xã hội, nhiều hợp đồng đã bị đình trệ hoặc mất đi.

Con số GDP tăng trưởng của 6 tháng đầu năm phản ánh kết quả của những đơn hàng và hợp đồng kinh tế đã được ký kết hàng tháng trước khi dịch diễn ra. Còn việc thiếu hợp đồng, sản xuất đình trệ, chi tiêu vui chơi, giải trí, sụt giảm sẽ phản ánh vào những quý sau.

Điều đó cho thấy, những con số thống kê của kinh tế 6 tháng đầu năm chưa cho chúng ta cái nhìn rõ ràng về ảnh hưởng kinh tế của việc bùng phát đợt dịch thứ tư (từ ngày 27/4/2021).

Ngay trong báo cáo kinh tế 6 tháng đầu năm của Tổng cục Thống kê, cũng không phải không có một vài con số gợi lên lo ngại.

Thứ nhất, chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm 30/6/2021 tăng 24,3% so với cùng thời điểm năm trước.

Thứ hai, số doanh nghiệp dừng kinh doanh tăng đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái. Số doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh có thời hạn tăng 22,1%, dừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể tăng 25,7% và số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thế tăng đến 33,8%.

Thứ ba, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý II/2021 giảm 8,4% so với quý trước đó. Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) của ngành chế biến, chế tạo giảm còn 44,1 trong tháng 6, được xem là mức giảm mạnh nhất trong vòng hơn một năm nay. Việc chỉ số này giảm xuống dưới 50 cho thấy, các doanh nghiệp được điều tra khá bi quan về tình hình sản xuất sắp tới.

Tất nhiên, chỉ vài con số như vậy không đủ để khẳng định kinh tế trước mắt là bi quan, nhưng nó cho thấy bức tranh kinh tế không chỉ toàn màu hồng như con số GDP gần 6% thể hiện.

Lo cho doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và người lao động nghèo

Một số người ngạc nhiên là, trong lúc kinh tế khó khăn, thị trường chứng khoán vẫn tăng điểm mạnh. Lý do là, dòng tiền đổ mạnh vào chứng khoán, vậy dòng tiền đó ở đâu ra? Một phần tới từ nhiều doanh nghiệp đã giải thể và dừng hoạt động, hoặc các doanh nghiệp hoạt động cầm chừng. Ví dụ, một người bạn rất thân của tôi tạm thời đóng cửa công ty dịch vụ ăn uống với hơn 6 tiệm cà phê và quán ăn ở TP.HCM và bỏ hơn 100 tỷ đồng vào “chơi cổ phiếu”.

Một người anh của tôi đang hoạt động trong lĩnh vực dệt may thì may mắn hơn. Đơn hàng của anh đã có đến quý III năm nay, do tiến trình hồi phục tốt từ các thị trường xuất khẩu của Công ty. Thế nhưng, khi Covid-19 diễn ra, anh lại đối mặt với nguy cơ thiếu hụt lao động và chậm tiến độ giao hàng. Trái với người bạn tôi, anh không lo thiếu việc, nhưng lại lo phải bồi thường do chậm tiến độ đơn hàng và bị phạt, có thể dẫn đến thua lỗ.

Những câu chuyện như trên cho thấy, với lĩnh vực dịch vụ ăn uống, du lịch, lưu trú và hàng không thì tình hình đang rất khó khăn. Ngay cả ở khu vực được cho là lạc quan hơn của nền kinh tế, như ngành dệt may, thì ở lẩn khuất trong những số liệu lạc quan đó về đơn hàng, về hoạt động kinh doanh, là những rủi ro thua lỗ do đứt gãy chuỗi cung ứng, thiếu lao động và tạm dừng sản xuất do chống dịch.

Trong bối cảnh đó, những doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ sẽ gặp nhiều khó khăn hơn so với doanh nghiệp lớn có nhiều khả năng tiếp cận vốn, tiếp cận người làm chính sách để phản ánh khó khăn của mình và cũng như có vị thế đàm phán lại đơn hàng với khách hàng tốt hơn.

Theo “Sách Trắng doanh nghiệp Việt Nam 2020”, tính tới cuối năm 2019, tuyệt đại đa số doanh nghiệp Việt Nam có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa (97,2%). Trong số này, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chiếm 93,7%.

Vào tháng 3 năm nay, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng công bố số liệu điều tra cho biết, trong số 8.633 doanh nghiệp tư nhân trong nước tham gia khảo sát, có 87,1% doanh nghiệp cho biết chịu ảnh hưởng tiêu cực từ Covid-19, 11% doanh nghiệp không bị ảnh hưởng, 2% doanh nghiệp hoạt động tích cực.

Trong khi đó, khó khăn của đợt dịch bệnh lần này có thể còn hơn cả lần trước vì tính kéo dài và nguy cơ lây nhiễm ra nhiều tỉnh, thành phố. Đứt gãy chuỗi cung ứng và trì trệ hoạt động kinh doanh ở đầu tàu lớn như TP.HCM là một rủi ro.

Dù cho khó khăn như thế nào, các chủ doanh nghiệp nhỏ và những người có thu nhập trung bình trở lên đều còn khả năng xoay xở, có tài sản để bán hoặc cầm cố mà “sống” qua dịch. Nhưng những mảnh đời của những người lao động nghèo (mà một người bạn tôi gọi là “nghèo đúng nghĩa”), đang phải tính toán, chạy vạy vay từng đồng cho con ăn học, lo chăm sóc thuốc thang cho người già trong nhà, phải đi vay mượn để mua máy tính cho con học online. Tầng lớp lao động thu nhập thấp đang vô cùng khó khăn.

Cần thiết kế một gói kích thích kinh tế theo đúng triết lý chống dịch của Việt Nam

Triết lý chống dịch của Việt Nam có thể tóm gọn trong những nguyên tắc: “không để ai bị bỏ lại phía sau”, “kiên trì mục tiêu kép, vừa chống dịch, vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”.

Nếu theo đúng các triết lý đó, thì bắt buộc phải có một gói chi tiêu công lớn.

Có 4 trụ cột chi tiêu phải có.

Thứ nhất, không để người nghèo bị bỏ lại phía sau. Cần phải có một gói chi tiêu hỗ trợ người nghèo với thủ tục đơn giản nhất có thể. Tiền phải đến đúng được tay người cần được hỗ trợ nhất, với tốc độ nhanh nhất. Đây là một thách thức không nhỏ. Rút kinh nghiệm từ các đợt dịch trước đây, vấn đề không phải chỉ là có tiền là được, mà cần đảm bảo giải ngân đúng và nhanh. Lần này phải làm tốt hơn lần trước.

Thứ hai, chi tiêu hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Trong khi những doanh nghiệp lớn như Vietnam Airlines được cứu trợ nhiều ngàn tỷ đồng, thì cũng đang có một lượng lớn doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ hoạt động trong lĩnh vực giải trí, ăn uống, lưu trú, du lịch, đã khó khăn từ năm ngoái tới nay và cần được hỗ trợ.

Theo kinh nghiệm các nước, những gói cho vay ưu đãi, giãn và giảm thuế là cần thiết. Nói như Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: “Lúc khó khăn này, không tháo gỡ cho người dân và doanh nghiệp thì lúc nào?”. Nếu muốn kiên trì mục tiêu kép, buộc phải có gói hỗ trợ doanh nghiệp và đảm bảo không phải các “ông lớn” và người giàu đang dư tiền có thể trục lợi gói hỗ trợ.

Thứ ba, chi tiêu để nâng cao năng lực ứng biến, xét nghiệm và chăm sóc người bệnh của hệ thống y tế. Bài học của nước Anh trong đối phó với dịch là bên cạnh việc đặt hàng với quy mô xấp xỉ 8 liều vắc-xin/người dân từ sớm, họ còn nâng cao năng lực chữa trị của hệ thống y tế, số máy thở và hạ tầng để đón bệnh nhân. Họ trải qua một giai đoạn khó khăn và hàng trăm ngàn người chết, nhưng đổi lại, họ có một hệ thống y tế có đủ khả năng chống chịu đợt bùng dịch với hơn 25.000 ca/ngày mà xã hội đang dần tiến về trạng thái mở cửa như bình thường.

Thứ tư, cần một kế hoạch đầu tư hạ tầng và các ngành công nghiệp mới của tương lai. Chúng ta không thể chỉ cứu trợ kinh tế, mà còn phải nhân cơ hội này đổi mới lại kế hoạch đầu tư công, hướng về những ngành công nghiệp như y sinh học. Kinh nghiệm của dịch bệnh lần này, chúng ta cần đảm bảo có thể tự chủ các loại vắc-xin cũng như có thể cung cấp vắc-xin cho nơi khác. Cũng giống như an ninh năng lượng hay an ninh lương thực, đây nên được xem là một mũi nhọn công nghiệp để đảm bảo an ninh quốc gia trong tương lai.

Ngoài ra, với xu thế một phần lao động sẽ làm việc tại nhà sau dịch bệnh, Việt Nam đang đứng trước cơ hội cung cấp nhân lực làm việc từ xa cho các nước trong những lĩnh vực đang thiếu lao động ở nước ngoài như tự động hóa, trí tuệ nhân tạo. Đầu tư vào lĩnh vực đào tạo nhân lực của những ngành này là không thể chậm trễ.

Cuối cùng, khi nói đến an ninh năng lượng, thì đầu tư một hạ tầng năng lượng tái tạo, phục vụ nền kinh tế xanh là thiết yếu của bất kỳ quốc gia nào trong thập kỷ tới đây. Nhật Bản, Mỹ, châu Âu và Trung Quốc đều đang chạy đua. Đây là những ngành dự kiến tăng trưởng hằng năm liên tục ở mức 2 con số trong cả thập kỷ. Việt Nam không thể đứng ngoài.

Nếu ba trụ cột chi tiêu đầu tiên là tạo thế phòng thủ, thì trụ cột chi tiêu thứ tư chính là mũi nhọn tấn công chính, tạo thành chiến lược đầu tư công thích hợp với triết lý chống dịch của Việt Nam.

Thay cho triết lý chi tiêu công “liệu cơm, gắp mắm” trước đây, Việt Nam cần phải có một gói chi tiêu công được thiết kế phù hợp với triết lý chống dịch và tăng trưởng bền vững của mình.

(Còn tiếp)

Bài viết triển khai thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất – kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19.

Xem thêm nội dung TẠI ĐÂY!