Hệ lụy phân cấp
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Tại phiên họp này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã yêu cầu, trong số hơn 4.000 giấy phép khai thác khoáng sản đã cấp, giấy phép nào đã cấp sai thì phải thu hồi và xử lý cán bộ vi phạm, đồng thời cũng làm rõ thời hạn xử lý vi phạm. Song một điều rõ ràng, phân cấp là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới việc số lượng giấy phép khai thác khoáng sản tăng vọt trong thời gian ngắn.

Báo cáo của Chính phủ cho thấy, chỉ trong 3 năm, từ tháng 10/2005 đến tháng 8/2008, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã cấp 3.495 giấy phép, gấp hơn 7 lần số lượng giấy phép mà Trung ương cấp trong 12 năm (478 giấy phép).

Một điều không thể phủ nhận, việc tăng cường phân cấp quản lý nhà nước cho địa phương là chủ trương đúng đắn. Không chỉ trong khai thác khoáng sản, mà trong cấp chứng nhận đầu tư các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), hay ra các quyết định đầu tư đối với các dự án sử dụng vốn đầu tư công…, cơ chế phân cấp đã giúp cải cách thủ tục hành chính, tạo quyền chủ động cho các địa phương và tạo thuận lợi rất lớn cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư thúc đẩy đầu tư, sản xuất – kinh doanh, đóng góp lớn cho phát triển kinh tế – xã hội đất nước. Nhưng vì nhiều lý do khác nhau, có thể do lợi ích nhóm, tư duy nhiệm kỳ, cạnh tranh kém lành mạnh giữa các địa phương…, thậm chí là do năng lực của cán bộ, mà việc phân cấp đã dẫn đến những bất cập và để lại những hệ lụy không nhỏ.

Trong câu chuyện kể trên, việc giấy phép khai thác khoáng sản được cấp vượt quá nhu cầu đã làm tổn hại môi trường, gây thất thoát tài nguyên khoáng sản. Thậm chí, chuyện cấp phép trái quy định pháp luật, cấp chồng lên cả quy hoạch của Trung ương, cấp không đúng đối tượng cũng không phải là hiếm.

Còn với FDI, hơn một lần, dư luận đã đề cập việc các địa phương thu hút đầu tư bằng mọi giá, phá vỡ quy hoạch phát triển ngành. Cũng đã xuất hiện hiện tượng một số địa phương trong quá trình xử lý còn thiên về lợi ích trước mắt mà chưa tính đến lợi ích lâu dài, vì lợi ích địa phương mà bỏ qua lợi ích quốc gia…

Hay với đầu tư công, chuyện ra các quyết định đầu tư một cách thiếu kiểm soát cũng đã dẫn tới tình trạng nguồn lực nhỏ nhưng lại được đầu tư quá tràn lan, gây thất thoát, lãng phí…

Tất nhiên, không thể hoàn toàn đổ lỗi cho địa phương, mà cũng cần phải nói tới trách nhiệm phối hợp, giám sát của các cơ quan trung ương trong việc đảm bảo cơ chế phân cấp được thực hiện một cách hiệu quả nhất. Cùng với trao quyền, phải có ràng buộc trách nhiệm của địa phương và kèm theo đó là sự giám sát chặt chẽ từ các cơ quan trung ương.

Thực tế đã chỉ ra rằng, cơ chế phân cấp là quá trình tất yếu phải làm, nhưng trong thời gian tới, cần có sự điều chỉnh để có thể phát huy hiệu quả cao hơn. Điều kiện quan trọng để thực hiện phân cấp tốt hơn đó là phải có quy hoạch tốt cả về vùng miền, địa phương, lẫn quy hoạch về phát triển từng ngành nghề; có chính sách thống nhất và việc thực thi các chính sách đó cũng phải thống nhất; có bộ máy chính quyền tốt và đội ngũ cán bộ thực thi tốt.

Nguồn: Báo Đầu tư điện tử