Hệ thống quản lý chất lượng (ISO): Đang bị “lạm dụng”
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Con số khiêm tốn

Cả nước hiện có khoảng 5.000 tổ chức, DN, trong đó có hơn 300 cơ quan hành chính đạt chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2000 (hiện đã có phiên bản 2008). Khoảng 300 DN đã xây dựng, áp dụng và được chứng nhận ISO 14000, ISO 22000, góp phần quan trọng vào việc bảo vệ môi trường, tạo môi trường tốt cho sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, nhiều DN, tổ chức cũng đang triển khai áp dụng các hệ thống quản lý đảm bảo chất lượng tiên tiến và nhiều phương pháp, công cụ quản lý chất lượng hiện đại khác như TQM, Q-base, HACCP, GMP, 5S, QC.

Với mục tiêu thúc đẩy việc áp dụng hệ thống quản lý tiên tiến trong DN, một số địa phương như Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Bình Dương đã tạo mọi điều kiện, hỗ trợ để DN đạt tiêu chuẩn ISO. Gần đây nhất, UBND Tp. Hà Nội đã quyết định hỗ trợ DN, bệnh viện, cơ sở sản xuất áp dụng tiêu chuẩn ISO 14000 trên địa bàn thành phố Hà Nội với mức từ 60-80 triệu đồng. Việc hỗ trợ được thực hiện theo nguyên tắc chỉ hỗ trợ 1 lần đến khi được cấp giấy chứng nhận phù hợp với các yêu cầu của tiêu chuẩn ISO 14000 do tổ chức chứng nhận sự phù hợp cấp. Ưu tiên các dự án của DN sản xuất sản phẩm chủ lực, sản phẩm xuất khẩu, sản phẩm thuộc ngành mũi nhọn, trọng yếu của thành phố.

Cũng để giúp các DN hội nhập kinh tế quốc tế, Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng Việt Nam đã tăng cường đào tạo, tư vấn và hướng dẫn các tổ chức và DN áp dụng những hệ thống quản lý tiên tiến về chất lượng, môi trường….

Chưa đi vào thực chất

Theo ông Jean Jacques Camile, Giám đốc kinh doanh và tiếp thị Công ty Bureau Veritas Certification – tổ chức chứng nhận độc lập của Bureau Veritas (Tập đoàn quốc tế chuyên cung cấp dịch vụ đánh giá sự phù hợp trong các lĩnh vực chất lượng, sức khỏe, an toàn, môi trường và trách nhiệm xã hội) thì khi áp dụng việc xây dựng tiêu chuẩn ISO, các tổ chức và DN Việt Nam đã không chú ý đến đặc thù các quá trình, hoạt động tác nghiệp. Do vậy hệ thống được thiết lập không phản ánh thực tế các quá trình, nghiệp vụ của DN, tổ chức. Hệ thống được thiết lập quá thiên về việc đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn để đạt được chứng nhận mà thiếu chú ý đến hệ thống hóa các quá trình hướng đến khách hàng, từ đó gặp khó khăn khi áp dụng.

Bên cạnh đó, nhiều DN được cấp giấy chứng nhận ISO đều tìm mọi cách để truyền thông rất mạnh mẽ. Một số DN còn cố tình nhấn mạnh là sản phẩm của họ “đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế ISO…” để tạo ấn tượng với người tiêu dùng mặc dù Giấy chứng nhận ISO không cấp cho sản phẩm cụ thể nào mà cấp cho DN (hoặc một bộ phận của DN) có hệ thống quản lý chất lượng phù hợp với các yêu cầu của bộ tiêu chuẩn quốc tế như: ISO 9001:2000 ( ISO 9001: 2008). Không ít DN đã tìm mọi cách, kể cả cách thức thông qua quan hệ, để lấy bằng được giấy chứng nhận ISO và xem như đã hoàn thành nhiệm vụ. Họ xem ISO như giấy thông hành để vượt qua đòi hỏi bắt buộc của một số đối tác nước ngoài, một loại bằng cấp để khoe khoang và “lòe”khách hàng.

Thực tế, DN có giấy chứng nhận ISO không có nghĩa là đã có đầy đủ các yếu tố cần thiết cho một hệ thống quản lý DN toàn diện; không phải là “giấy thông hành” cho DN. Do đó, để ISO đúng là thực chất, trong quá trình thiết lập hệ thống cần lưu ý đến năng lực, kinh nghiệm của các tổ chức tư vấn đối với lĩnh vực hoạt động của tổ chức DN. Phải quan tâm đến hoạt động đào tạo, nâng cao nhận thức đối với các tiêu chuẩn áp dụng và điều này là quan trọng khi có sự thay đổi về nhân sự.

Nhật Quang
Nguồn: Báo điện tử Công thương