Hiến pháp và vấn đề kiểm soát quyền lực
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Từ thiết kế “mềm dẻo” của Hiến pháp 1946…

Nhìn lại bản Hiến pháp đầu tiên của nước ta, các đại biểu dự Hội thảo nhấn mạnh rằng, trên thực tế, dù không đề cập trực diện hoặc có một điều khoản riêng biệt quy định về nguyên tắc phân công quyền lực, song tổ chức bộ máy và nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp trong Hiến pháp 1946 đã được thể hiện khá rõ ràng, mạch lạc. Theo đó, Hiến pháp trao quyền lập pháp cho nghị viện nhân dân – cơ quan cao nhất của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; quyền hành pháp thuộc về Chính phủ và Tòa án nắm quyền tư pháp. Ở một mức độ nhất định, chế độ “hành pháp hai đầu” cũng được áp dụng trong Hiến pháp 1946 với việc một phần quyền lực hành pháp thuộc về Chủ tịch Nước và một phần thuộc về Thủ tướng, nhưng chủ yếu vẫn tập trung vào Chủ tịch Nước. Từ góc độ quản trị quốc gia, Tiến sĩ Vũ Công Giao (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, thiết kế của Hiến pháp 1946 giúp kiểm soát quyền lực khá tốt. Ví dụ về quyền lực của nhánh lập pháp, Hiến pháp 1946 quy định Ban Thường vụ Nghị viện nhân dân có quyền: Biểu quyết những dự án sắc luật của Chính phủ, kiểm soát và phê bình Chính phủ; ưng chuẩn hoặc phế bỏ sắc luật của nghị viện nhân dân (Điều 36). Nghị viện nhân dân có quyền: Biểu quyết vấn đề tín nhiệm đối với nội các và có thể dẫn đến việc nội các phải từ chức nếu bị biểu quyết bất tín nhiệm (Điều 54); nghị viên không bị truy tố vì lời nói hay biểu quyết trong Nghị viện (Điều 40). Về phía hành pháp, Hiến pháp quy định, Chủ tịch Nước (đứng đầu nhánh hành pháp) không phải chịu trách nhiệm nào trước nghị viện nhân dân, trừ khi phạm tội phản quốc (Điều 50); Chủ tịch Nước cũng có quyền yêu cầu Nghị viện nhân dân thảo luận lại dự án luật đã được Nghị viện biểu quyết (Điều 31). Về phía tư pháp, theo quy định của Hiến pháp 1946, cơ quan tư pháp được tổ chức theo cấp xét xử (Điều 63), có quyền độc lập trong khi xét xử, chỉ tuân theo pháp luật, các cơ quan khác không được can thiệp (Điều 69)… Mặc dù được thể hiện khá mềm dẻo, không có sự phân chia dứt khoát về thẩm quyền trong bản Hiến pháp đầu tiên, song, theo ông Vũ Công Giao, những quy định nêu trên là cơ sở pháp lý quan trọng để kiểm soát, hạn chế sự lạm quyền của các cơ quan nhà nước.

… đến nguyên tắc “cứng” trong Hiến pháp 2013

Gần 70 năm sau bản hiến văn đầu tiên, nguyên tắc kiểm soát trong thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp mới được quy định “cứng” trong Hiến pháp 2013 với việc ghi nhận tại Khoản 2, Điều 2: Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp.

Là chuyên gia trong lĩnh vực lập hiến, giáo sư Trần Ngọc Đường cho rằng, nguyên tắc này bắt nguồn từ nhận thức sâu sắc rằng quyền lực nhà nước là của nhân dân, thông qua quyền lập hiến của mình, nhân dân giao quyền, ủy quyền cho các cơ quan nhà nước… Ông Trần Ngọc Đường cũng nêu rõ, quyền lực nhà nước tuy thống nhất ở nhân dân, thể hiện tập trung ở Hiến pháp nhưng phải có sự phân công, phân nhiệm một cách minh bạch để tiến hành kiểm soát, phòng, chống lại sự tha hóa của nó. Nhận thức sâu sắc điều này, Hiến pháp 2013 đã phân công một cách minh bạch. Sự phân công, phân nhiệm minh bạch này là cơ sở để nhân dân kiểm soát và đánh giá hoạt động của các nhánh quyền lực mà nhân dân đã giao, đã ủy quyền – ông Trần Ngọc Đường nhấn mạnh.

Tại Hội thảo, một số đại biểu cũng đặt câu hỏi: Tình trạng tham nhũng nghiêm trọng và sự nhũng nhiễu “hành” dân, “hành” doanh nghiệp đang nhức nhối hiện nay có phải là do sự tha hóa quyền lực của một bộ phận cán bộ nhà nước hay không? Nếu đúng là như vậy thì nguyên nhân sâu xa của sự tha hóa này có phải là do cơ chế kiểm soát việc thực thi quyền lực nhà nước chưa thực sự hiệu quả? Theo Giáo sư Trần Ngọc Đường cho rằng, cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước từ bên ngoài, tức là cơ chế để nhân dân kiểm soát quyền lực nhà nước hiện chưa được tăng cường đúng mức. Trong khi đó, cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước từ các chủ thể cấu thành bộ máy Nhà nước, tức là kiểm soát bên trong bộ máy nhà nước giữa các cơ quan thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp cũng chưa thực sự hiệu quả. Chỉ rõ nguyên nhân là vì cơ chế kiểm soát quyền lực được ghi nhận trong Hiến pháp 2013 nhưng chưa được cụ thể hóa kịp thời, một số đại biểu cho rằng, đã đến lúc phải tập trung xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước cả bên trong và bên ngoài.

Đây cũng chính là đề xuất mà Ủy ban Tư pháp đã trình QH tại Phiên họp toàn thể về tình hình phòng, chống tham nhũng, vi phạm pháp luật, thi hành án… ngày 28.10 vừa qua. Ngay tại Phiên họp này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đã khẳng định rằng, quyền lực nếu không được kiểm soát chặt chẽ tất yếu sẽ dẫn đến tha hóa quyền lực, đây chính là bản chất và là nguyên nhân gốc rễ của tham nhũng. Do đó, Ủy ban Tư pháp đã đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu để cụ thể hóa quy định về kiểm soát quyền lực.

Xét đến cùng, việc cụ thể hóa nguyên tắc kiểm soát quyền lực không chỉ là nhu cầu thực tiễn mà còn là biện pháp bảo vệ sự trường tồn của chính quyền nhân dân – một chính quyền của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân như tinh thần xuyên suốt trong các bản Hiến pháp của Việt Nam 70 năm qua.

Nguyễn Bình
Nguồn: Báo Người đại biểu nhân dân điện tử