Hiệp hội Lương thực Việt Nam mua dự trữ 400.000 tấn gạo cho nông dân
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đã chính thức xác nhận, bắt đầu từ ngày 10/8, các doanh nghiệp sẽ mua dự trữ 400.000 tấn lúa, gạo, giúp nông dân Đồng bằng sông Cửu Long an tâm sản xuất.

Hiện nay, vụ hè thu ở Đồng bằng sông Cửu Long đang thu hoạch rộ, thời tiết mưa nhiều kết hợp lũ lên nhanh nên nhiều ngày liền, lúa bị ẩm ướt do hệ thống sấy hiện có không đáp ứng đủ nhu cầu, cộng với tình hình xuất khẩu gạo trên thế giới có diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tới giá lúa.

Theo dự kiến, vụ hè thu năm nay cơ bản sẽ thu hoạch xong vào đầu tháng 9, năng suất bình quân ước đạt 4,8 tấn/ha, sản lượng ước khoảng 7,75 triệu tấn lúa. Những ngày qua, lúa hè thu liên tục rớt giá, hiện chỉ còn 2.500 – 2.700 đồng/kg lúa tươi, trên 3.500 đồng/kg lúa khô nhưng nông dân vẫn khó bán.

Trước tình hình đó, các thành viên trong VFA bắt đầu mua lúa gạo dự trữ đợt 1 (dự kiến có 21 doanh nghiệp) và sẽ hoàn thành trong tháng 8 với 400.000 tấn của vụ hè thu.

Sau đó, dựa vào tình hình cụ thể sẽ triển khai mua tiếp đợt 2. Giá mua tại các địa phương phải đảm bảo không dưới 3.800 đồng/kg lúa, đây là giá các cơ quan chức năng đã tính toán để nông dân đạt lợi nhuận tối thiểu 30%.

VFA cho rằng thông báo rộng rãi, công khai tại các điểm mua và các phương tiện thông tin đại chúng, để các hộ nông dân sản xuất lúa biết, không để tình trạng doanh nghiệp được giao không mua đủ số lượng được giao hoặc mua dưới giá quy định.

Việc hoạch toán mua nhập kho phải được thể hiện rõ ràng, trung thực và làm cơ sở cho Ban Kiểm tra của Hiệp hội kiểm tra việc chấp hành của các đơn vị mua đợt này cả về số lượng và giá mua.

Trên cơ sở lượng gạo đã mua vào, Hiệp hội khuyến khích các thành viên tranh thủ tìm thị trường để xuất khẩu, trên cơ sở chấp hành nghiêm giá sàn hướng dẫn của Hiệp hội, tránh tình trạng tranh mua, tranh bán làm giảm giá một cách không cần thiết.

Hiện VFA đã gửi văn bản cùng danh sách những doanh nghiệp bán phá giá tới Bộ Công Thương, yêu cầu xử lý nghiêm khắc những doanh nghiệp đã vi phạm quy chế bán gạo vào các thị trường tập trung. Theo văn bản này, doanh nghiệp nào vi phạm sẽ không được chấp thuận đăng ký tiếp các hợp đồng mới, thậm chí bị rút giấy phép kinh doanh./.

Theo TTXVN