Hiệu quả học online
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Tôi đã trăn trở nhiều về việc dạy online ở cơ sở của mình, cho đến hôm qua, Hải Phòng dừng học online với nhóm tiểu học.

Là người làm giáo dục, với tôi, đây là quyết định đúng đắn và đáng khích lệ. Bởi tôi biết học online không phải cây đũa thần với mọi lớp học và mọi nhóm học sinh.

Sau Tết, hầu hết trường học chuyển sang hình thức dạy online trong tâm lý lo lắng vì dịch. Tôi nhận được đề nghị của phụ huynh, họ muốn cho con học online vì bọn trẻ ở nhà cũng buồn, thiếu môi trường tương tác.

Chúng tôi đã chuyển đổi chương trình dạy và bài giảng, đào tạo giáo viên, hướng dẫn học sinh cách tham gia tiết học qua mạng. Sau hai tuần, tôi nhận thấy, dù tiện, song có nhiều điều cần bàn thêm về hình thức dạy và học này.

Thứ nhất, học online khá hiệu quả với nhóm học sinh lớn nhưng kém hiệu quả với nhóm tiểu học trở xuống. Học sinh cấp hai, ba thích ứng nhanh hơn với việc sử dụng công nghệ và có ý thức tập trung cao hơn. Việc dạy và học trở nên dễ dàng hơn khi trò hiểu yêu cầu của thầy, biết chuẩn bị bài trước, chủ động thảo luận với thầy cô.

Nhưng với nhóm tuổi tiểu học và thấp hơn, việc tập trung nghe giảng thiếu tương tác trực diện khá khó khăn. Các em không tiếp thu nhanh bài giảng qua màn hình, rất dễ bị phân tán. Với tuổi 5 đến 9-10, các em chưa thể đủ kỹ năng xử lý tình thế một mình học online ở nhà, tự bám theo lịch học. Trong quá trình học, đôi khi mạng yếu và bị bật ra ngoài, nhiều em không biết vào lại như thế nào.

Thứ hai, học online cũng hiệu quả hơn với những em có khả năng tự học cao, chủ động khám phá và quản lý thời gian tốt. Số học sinh ý thức cao không nhiều trong một lớp, nhất là các lớp ở trường công thường 40 đến 50 em. Với học sinh có ý thức, chúng có thể tìm thêm các nguồn học liệu trên mạng để mở rộng kiến thức. Song cũng không tránh khỏi những nhóm trẻ xao nhãng, khả năng tập trung nghe giảng kém hoặc ít tích cực thảo luận. Khi thấy chán, chúng sẽ lang thang các trang mạng khác mà giáo viên và cha mẹ không thể kiểm soát được.

Thứ ba, chất lượng học online phụ thuộc rất lớn vào chất lượng mạng và chất lượng không gian ở nhà của trẻ. Buổi học chỉ hiệu quả với những gia đình có đường truyền mạng tốt, không gian yên tĩnh. Khi số người truy cập nhiều, tốc độ đường truyền giảm đáng kể. Nhiều em bị “bật” ra khởi lớp học, đến cuối buổi học mới vào lại được. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng bài học, thời gian và khâu quản lý học sinh ra vào “lớp” của giáo viên.

Không gian học cũng cần yên tĩnh và ít tiếng ồn, nhưng nhiều gia đình không đảm bảo được điều kiện này. Đôi khi học sinh vừa nghe giảng vừa làm việc riêng, chat hay nói chuyện với bạn khác. Học sinh của tôi khi học online vẫn có tiếng lạch cạch quay bút, tiếng xe cộ, tiếng người nhà nói vọng vào micro.

Thứ tư, việc học online nhiều có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Ngồi lâu trước màn hình có thể mỏi mắt, đau nhức vai gáy, vẹo cột sống. Đối mặt với lịch học online dày cả ngày cũng khiến các em mất cân bằng trong nhu cầu giao tiếp, buồn chán. Tỷ lệ học sinh nghiện mạng, xem youtube, chat với bạn hay chơi games ngày càng nhiều. Điều này càng khiến chúng khó tập trung khi học online.

Theo bác sĩ Nguyễn Minh Mẫn, Trưởng đơn vị tâm lý lâm sàng Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM, số bệnh nhân đến tham vấn từ khi có dịch tăng lên rất cao, bao gồm nhiều thanh thiếu niên bị căng thẳng, rối loạn lo âu hoặc trầm cảm bởi giãn cách xã hội và học online. Sức khoẻ tinh thần đi xuống dẫn đến mất kiểm soát cảm xúc, rối loạn giấc ngủ, dễ nóng giận, mất tập trung và gây ra xung đột trong gia đình.

Tuần trước, sau khi đánh giá hiệu quả việc dạy online trong hai tuần, chúng tôi quyết định tạm dừng một số chương trình chính. Đồng thời, bảo lưu kết quả học của một số học sinh không phù hợp với hình thức này, rút ngắn thời gian tiết học từ hai giờ xuống một giờ, chia lớp thành nhiều nhóm nhỏ, sàng lọc giáo viên có kinh nghiệm dạy online và tương tác tốt với học sinh, thay đổi hướng tiếp cận nội dung bài học.

Giáo dục online là xu thế tất yếu của thời kỳ chuyển đổi số nhưng chưa bao giờ là điều dễ dàng thực hiện với tất cả mọi nhóm, mọi cấp và đồng bộ trên toàn hệ thống. Nếu mục đích cuối cùng của chúng ta là đạt chuẩn kiến thức đầu ra cho từng khối lớp, rất cần đánh giá một cách chính xác bao nhiêu học sinh không đủ điều kiện học online hoặc không thể đạt được chuẩn kiến thức đầu ra. Với nhóm học sinh không đạt chất lượng ấy, giải pháp sẽ là gì khi chúng tồn tại xen kẽ với những nhóm đã hoàn thành chương trình học.

Ngoài ra, tôi cho rằng sẽ phản giáo dục nếu áp dụng một “công thức” dạy và học online với mọi cơ sở giáo dục, mọi cấp, vùng miền trong khi trình độ dạy và học, điều kiện sống cụ thể khác nhau.

Ở các nước phát triển, các chương trình học online hay giáo dục tại nhà (homeschooling) đã tồn tại nhiều thập kỷ. Nhưng với điều kiện giáo viên hướng dẫn, hoặc bố mẹ, người nhà của học sinh đều phải được đào tạo tập huấn, đạt chuẩn thì mới được đăng ký tài khoản học online cho con. Tức là, mô hình giáo dục từ xa này bắt buộc có sự tham gia cân bằng giữa ba bên: nhà trường, học sinh và phụ huynh. Đó là lý do hình thức học này ở phương Tây vẫn đảm bảo chất lượng đầu ra hiệu quả.

Việc học online của giáo dục Việt Nam đang bị động bởi nó như kết quả không thể tránh của đại dịch và chưa có sự chuẩn bị kỹ cả về tâm lý thầy và trò lẫn kịch bản dạy và học. Việc đòi hỏi phụ huynh tham gia học online ở Việt Nam gần như bất khả vì hầu hết họ đều đi làm vào giờ trẻ học. Không có nghĩa học online ở nước ngoài hiệu quả thì với trẻ em Việt Nam cũng thế.

Tôi không phủ nhận các khía cạnh tích cực của hình thức học online, như tiết kiệm thời gian, giúp ngăn chặn dịch bệnh, tiện lợi và nhất là giúp các trường vẫn chạy kịp chương trình. Chỉ có điều, chiếc áo phải được cắt may cho hợp với mọi người dạy và người học.

Tất cả cần được may đo để vừa với mọi thành viên trong nền giáo dục, từ thầy và trò, sách giáo khoa, chương trình học và cả tâm thế của phụ huynh. Một đánh giá toàn diện trên thực tiễn và văn hóa, bối cảnh sinh hoạt kèm giải pháp khả thi và hiệu quả của hình thức giáo dục qua mạng chắc chắn rất cần thiết.

Và thêm nữa, vì chất lượng của đầu ra của giáo dục là con người, chúng ta hoàn toàn có thể bảo lưu một số chương trình học cho các cấp nếu hiệu quả học online không thể đạt được mục tiêu như học tập trung.

Đi chậm lại cũng là cách để ta tìm ra giải pháp về mặt phương pháp, đội ngũ cho một tương lai giáo dục mà không có ai bị vấp ngã hay bỏ lại.

Vân Anh