Hàng loạt cơ quan thúc Bộ Công Thương bãi bỏ Thông tư 20
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Khi nạn nhân lên tiếng

Tại hội thảo ngày 22/7 do Văn phòng Chính phủ, Bộ KHĐT, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, ông Nguyễn Đình Quyết từ công ty Hưng Hà đã tự nhận là một “nạn nhân” của Thông tư 20.

“Tôi là một nạn nhân của Thông tư 20, nên rất mong mỏi bãi bỏ Thông tư này. Trường Hải là doanh nghiệp ô tô lớn của Việt Nam, nhưng cũng xuất phát từ một doanh nghiệp nhỏ. Với quy định của Thông tư 20, chỉ các doanh nghiệp lớn mới được tham gia nhập khẩu. Tôi tha thiết kiến nghị làm sao điều kiện kinh doanh phải bảo đảm được môi trường thuận lợi cho cả doanh nghiệp nhỏ và vừa, không phân biệt đối xử”, ông Quyết nói. 

Tranh cãi về Thông tư 20 đã nổ ra ngay tại hội thảo này khi trước phát biểu của ông Quyết, lần lượt đại diện Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) và đại diện Honda đều khẳng định Thông tư 20 là cần thiết để bảo vệ người tiêu dùng.

Thông tư 20/2011/TT-BCT của Bộ Công Thương, có hiệu lực từ ngày 26/6/2011, quy định các doanh nghiệp nhập khẩu ôtô mới nguyên chiếc, phải có giấy uỷ quyền chính hãng của nhà sản xuất hoặc hợp đồng đại lý chính hãng. Giấy ủy quyền này còn phải được cơ quan ngoại giao của Việt Nam tại nước ngoài chứng nhận.

Sau 5 năm thực hiện Thông tư, theo các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô, những quy định đó không những gây khó cho doanh nghiệp nhập khẩu ôtô Việt Nam mà còn vô tình tạo ra lợi thế kinh doanh độc quyền cho doanh nghiệp nước ngoài, khiến thị trường bị méo mó. Trước khi Thông tư 20 được ban hành, cả nước có khoảng 200 doanh nghiệp nhập khẩu ô tô, nhưng đến nay, chỉ còn tồn tại khoảng 20 doanh nghiệp. Có những doanh nghiệp trước đây rất lớn nhưng giờ chỉ còn là doanh nghiệp nhỏ, thậm chí siêu nhỏ. Theo các doanh nghiệp, những vướng mắc nói trên đã được họ phản ánh, kiến nghị nhiều lần với Bộ Công Thương suốt 5 năm qua nhưng không được trả lời.

Từ 1/7/2016, Thông tư 20 do trái với thẩm quyền được quy định tại Luật Đầu tư 2014 nên sẽ đương nhiên hết hiệu lực. Trước tình hình này, mới đây, Bộ Công Thương đã đưa các nội dung này vào dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung, ban hành một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực Công Thương.

Động thái này của Bộ gặp phải ý kiến phản đối từ nhiều phía, nên cuối cùng, theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), dự thảo Nghị định mới đã không còn điều khoản nào về vấn đề này.

Tuy nhiên, vấn đề không dừng lại ở đấy. Tuy không “nâng cấp” lên Nghị định, nhưng Bộ Công Thương lại có lập luận khác. Trong một văn bản giải trình, tiếp thu các ý kiến về dự thảo Nghị định trên, Bộ Công Thương nhất trí không quy định việc nhập khẩu ôtô tại Nghị định bởi đó không phải là điều kiện đầu tư kinh doanh nên không cần nâng cấp lên Nghị định.

Tuy nhiên, Bộ này lại cho rằng, những quy định tại Thông tư 20 là các thủ tục hành chính, vì vậy nhập khẩu ôtô chưa qua sử dụng vẫn phải thực hiện.

Có phải điều kiện kinh doanh hay không?

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam khẳng định các quy định tại Thông tư 20 phải được xem là một hình thức của điều kiện kinh doanh, theo quy định tại khoản 7 Điều 2 Nghị định 118 năm 2015 hướng dẫn Luật Đầu tư.

Cụ thể hơn, theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế của VCCI, quy định này chỉ tạo điều kiện cho các “ông lớn” tham gia thị trường. Lập luận ô tô là sản phẩm phức tạp, có thể ảnh hưởng đến tính mạng con người cũng không thuyết phục, vì một chai nước, một món ăn… về lý thuyết cũng có thể ảnh hưởng tới tính mạng con người, nhưng không thể vì thế mà nhà nước có thể bắt tất cả mọi người phải vào siêu thị mua hàng, không được mua ở các chợ.

Mặt khác, với lập luận như vậy thì tại sao lại chỉ áp điều kiện với ô tô từ 9 chỗ trở xuống, trong khi các loại xe tải, xe khách… cũng có thể gây nguy hiểm với tính mạng con người? Hơn nữa, Việt Nam đã có khung khổ pháp lý đầy đủ để bảo đảm rằng trước khi ô tô lăn bánh thì phải bảo đảm an toàn, như quy định về đăng kiểm.

“Tôi cho rằng Thông tư này phản cạnh tranh, trong khi để bảo vệ người tiêu dùng thì giải pháp tốt nhất là thúc đẩy cạnh tranh. Một doanh nghiệp lớn như ô tô Trường Hải cũng xuất phát từ một doanh nghiệp nhập khẩu xe. Có những doanh nghiệp nhỏ làm ăn gian dối, nhưng không thể vì thế mà chỉ dành thị trường cho các doanh nghiệp lớn”, ông Tuấn nói tại hội thảo ngày 22/7.

Cũng tại hội thảo này, Thứ trưởng Bộ KHĐT Đặng Huy Đông cho rằng mấu chốt của vấn đề là quyền của người đã được tham gia và đòi hỏi của người chưa được tham gia nhập khẩu. “Quyền kinh doanh là của doanh nghiệp, mà chính sách hạn chế những người tham gia thị trường là triệt tiêu cạnh tranh. Còn doanh nghiệp đang được nhập khẩu thì đương nhiên muốn có chính sách như vậy”, ông Đông phân tích.

Ông Đặng Huy Đông nói thêm, cái khó nhất của những người làm luật để bảo đảm hài hòa lợi ích của các bên. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rất rõ là không thể tồn tại cách xây dựng chính sách “quyền anh, quyền tôi”. Lợi ích của doanh nghiệp trong nhiều trường hợp phù hợp với lợi ích chung, nhưng cũng có nhiều khi lợi ích của một nhóm doanh nghiệp chưa hẳn phù hợp với lợi ích tổng hòa của xã hội.

“Tôi cho rằng trường hợp này, nhà nước không nên can thiệp để làm méo mó, nên để người mua quyết định. Đại diện VAMA nói rằng cho xe nhập không chính hãng thì ai bảo đảm chất lượng của vô lăng, thì xin thưa là bất kỳ xe nào trước khi lăn bánh cũng đều phải đăng kiểm. Còn ai mua xe trôi nổi thì đó là lựa chọn của họ, khi hỏng thì họ không được bảo hành”, Thứ trưởng Bộ KHĐT bày tỏ quan điểm.

Về vấn đề này, mới đây, Tổng cục Hải quan cũng đã có văn bản gửi Bộ Công Thương, trong đó khẳng định nội dung hướng dẫn tại Thông tư số 20 không phù hợp với quy định tại Luật Đầu tư. Trong danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện quy định tại Luật Đầu tư, việc nhập khẩu xe ô tô chở người loại 9 chỗ trở xuống không thuộc danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Trước đó, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng cũng cho biết Bộ này đã phản đối nội dung của Thông tư 20. Nguyên nhân mà Bộ Tư pháp chỉ ra là do vi phạm Luật Cạnh tranh và Luật Sở hữu trí tuệ.

Được biết, trong quá trình xây dựng các dự thảo Nghị định về điều kiện kinh doanh, Văn phòng Chính phủ cũng không đồng tình với việc Bộ Công Thương đề nghị nâng cấp quy định trong Thông 20 lên thành Nghị định.

Thanh Hằng

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ