Hành lang pháp lý trong phòng vệ thương mại
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Khó áp tiêu chuẩn kỹ thuật

Việc Việt Nam ký kết nhiều Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với nhiều quốc gia và khu vực đem lại cơ hội nhưng cũng đem đến nhiều nguy cơ. Nguy cơ lớn nhất chính là thua ngay trên sân nhà, bởi hàng hóa của nhiều ngành sản xuất chưa thể cạnh tranh với hàng hóa nước ngoài cả về giá cả và chất lượng. Dẫu vậy, không nên bi quan bởi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vẫn cho phép các nước thành viên áp dụng một số công cụ bảo hộ sản xuất nội địa.

Công cụ được nhiều nước sử dụng là xây dựng hàng rào tiêu chuẩn kỹ thuật. Đây được đánh giá là công cụ rất hiệu quả và bền vững. Tuy nhiên, việc áp dụng công cụ này ở Việt Nam khá khó khăn. Nhược điểm đầu tiên là mất thời gian xây dựng. Theo Phó tổng giám đốc Tập đoàn Tôn Hoa Sen Vũ Văn Thanh, để quản lý chất lượng tôn thép nhập khẩu, hiện nước ta vẫn áp dụng Thông tư liên tịch số 44/2013. Thông tư này chấp nhận quá nhiều tiêu chuẩn đối với thép nhập khẩu, bao gồm cả tiêu chuẩn cơ sở nên chưa quản lý chặt chất lượng thép nhập khẩu. Mặt khác, trong khi Việt Nam chưa xây dựng được bộ tiêu chuẩn quốc gia chặt chẽ về quản lý chất lượng tôn thép, thì Indonesia đã có tiêu chuẩn DNI hay Malaysia có tiêu chuẩn SIRIM. Bởi vậy, các doanh nghiệp trong nước gặp khó khăn tứ bề khi vừa phải cạnh tranh với các mặt hàng nhập khẩu tại thị trường nội địa, vừa phải vất vả vượt qua các tiêu chuẩn khắt khe của nước bạn khi thâm nhập vào các thị trường bên ngoài.

Một nhược điểm khác của việc xây dựng hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật là chỉ áp dụng được khi ngành sản xuất trong nước đã có trình độ tương đối cao. Nguyên tắc bắt buộc của WTO khi áp dụng hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật là đối xử quốc gia, có nghĩa là nếu hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật được áp dụng với hàng hóa nhập khẩu thì hàng hóa trong nước cũng phải vượt qua các tiêu chuẩn tương ứng. Do đó, với trình độ phát triển hiện tại của nhiều ngành hàng ở nước ta thì việc xây dựng hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật cao là bất khả thi.

Thiếu quy định về phòng vệ thương mại

Ngoài công cụ trên, WTO còn cho phép áp dụng công cụ phòng vệ thương mại gồm 3 biện pháp là chống bán phá giá, tự vệ và chống trợ cấp. So với xây dựng hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật, các biện pháp này mang tính chủ động hơn, dễ áp dụng hơn và có thể áp dụng bất cứ khi nào có hành vi vi phạm. Đối với những quốc gia có trình độ sản xuất chưa cao như Việt Nam thì việc áp dụng những biện pháp để bảo hộ khả thi hơn.

Tuy nhiên, việc áp dụng các biện pháp này ở nước ta hiện còn rất hạn chế. Trong khi mỗi năm hàng hóa Việt Nam bị kiện phòng vệ thương mại lên đến hàng chục vụ, thì theo Phó cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công thương Nguyễn Phương Nam, số vụ áp dụng thành công biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam đến nay mới dừng ở con số 3. Nguy hại hơn, do Việt Nam chậm xây dựng hàng rào phòng vệ nên nhiều nước đang tăng cường xuất khẩu sang Việt Nam, trong đó có cả hàng hóa kém chất lượng.

Tình trạng trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân chủ quan từ phía doanh nghiệp. Theo ông Vũ Văn Thanh, đa số các doanh nghiệp hiện nay chưa nhận thức được các biện pháp phòng vệ thương mại là biện pháp bảo vệ được Nhà nước quy định, do đó hiếm khi chủ động nộp đơn yêu cầu áp dụng biện pháp phòng vệ để tự bảo vệ mình. Đa số doanh nghiệp cũng không đủ kiến thức về phòng vệ thương mại cũng như tiềm lực để theo đuổi kiện tụng. Các doanh nghiệp nhỏ rất khó tập hợp lại để cùng theo kiện, trong khi vai trò của một số hiệp hội còn mờ nhạt.

Song, cũng khó trách các doanh nghiệp thiếu nhận thức về pháp luật, bởi hành lang pháp lý của nước ta về phòng vệ thương mại đến nay chưa hoàn thiện. Tất cả các quy định về phòng vệ thương mại hiện nay đều nằm trong các pháp lệnh và nghị định được ban hành từ đầu những năm 2000. Các quy định trên vì thế thiếu tính tổng hợp, và thiếu nhiều nội dung quan trọng như nội dung về kháng kiện, ông Nguyễn Phương Nam cho biết.

Từ năm 2016 trở đi là giai đoạn nhiều dòng thuế nhập khẩu được cắt giảm để thực thi các cam kết hội nhập mà Việt Nam đã ký kết. Để giảm thiểu thách thức, tận dụng cơ hội từ hội nhập, hoàn thiện hành lang pháp lý về phòng vệ thương mại là nhu cầu bức thiết.

Ngọc Điệp
Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân