Hộ kinh doanh e ngại trước ngã ba đường
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

“Hộ kinh doanh có vẻ như đang đứng trước ‘ngã ba đường’, lưỡng lự không biết có nên chuyển đổi lên DN hay không. Điều này tùy thuộc rất lớn vào những chính sách mà Nhà nước”, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc phát biểu tại diễn đàn Chuyển đổi hộ kinh doanh thành DN do báo Tuổi Trẻ tổ chức sáng 26/4.

Nhiều trường hợp, hộ kinh doanh bị loại khỏi chính sách

Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng về bản chất hộ kinh doanh và DN vừa và nhỏ là một, nhưng chính sách hiện nay rất phân biệt và có nhiều trường hợp hộ kinh doanh loại ra khỏi chính sách. Cụ thể, là việc hạn chế quyền kinh doanh, chỉ được đăng ký tại một địa điểm, hoạt động kinh doanh trong phạm vi quận, huyện,  không mở chi nhánh, văn phòng đại diện…

Chưa kể, hộ kinh doanh không được hoạt động trong một số ngành nghề. Hộ kinh doanh cũng bị hạn chế quy mô sử dụng lao động, dưới 10 lao động thường xuyên. Bị hạn chế huy động vốn, chủ yếu là vay hoặc từ chính thành viên tham gia hộ. Tuy nhiên, nhiều hộ kinh doanh vẫn chọn mô hình này thay vì DN, vì bên cạnh những hạn chế, hộ kinh doanh có vẫn có những lợi thế nhất định.

Chẳng hạn đơn giản hơn chế độ sổ sách kế toán: hồ sơ, trình tự, thủ tục thành lập, lệ phí thành lập chỉ bằng 50% lệ phí thành lập DN. Chỉ có 6 loại sổ sách kế toán so với vài chục loại của DN vừa và nhỏ. Họ chỉ cần đóng thuế môn bài, nộp kê khai hoặc thuế khoán, không phải đóng VAT, thu nhập cá nhân hoặc thu nhập DN, thuê, tuyển lao động dễ dàng hơn…

Còn với DN, môi trường kinh doanh tại Việt Nam ghi nhận thời gian và chi phí khởi sự mất ít nhất 24 ngày. Gặp khó khăn, muốn rút khỏi thị trường mất  60 tháng. Mất đến 540 ngày cho thời gian trả thuế. Rồi những khó khăn trong thuê tuyển, sa thải lao động. Chính những tuân thủ này thật sự là “ác mộng” với DN.

Ông Hiếu kiến nghị nên cải cách môi trường kinh doanh, tính đến các DN vừa và nhỏ, trong quá trình thúc đẩy hộ kinh doanh lên DN nên dùng các đòn bẩy “kinh tế” hơn là “mệnh lệnh hành chính”.

Điều quan trọng nhất là chính nhà đầu tư thấy được lợi ích lớn hơn “chi phí” khi thành DN. Ngoài ra cần tiếp tục một cách mạnh mẽ cải cách về môi trường kinh doanh nhằm giảm chi phí và thời gian cho hoạt động kinh doanh.

Bên cạnh đó việc gia nhập và hoạt động dưới một số hình thức DN phải dễ dàng như dưới hình thức hộ kinh doanh, rà soát toàn bộ hệ thống pháp luật, đặc biệt là pháp luật về thuế, điều kiện đầu tư kinh doanh, lao động.

Chính sách thuế chưa khuyến khích

Còn bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế nêu thực tế cho thấy dù hiện có hơn 1,6 triệu hộ kinh doanh nhưng số thuế nộp chỉ chiếm vài % trong số thu.

“Thất thu thuế ở mảng này là có, do doanh thu ấn định chưa sát. Nhiều cơ sở kinh doanh kinh doanh lớn nhưng số thu rất thấp, dẫn đến nhà nước bị ảnh hưởng và DN cũng bị ảnh hưởng. Người dân cũng không muốn trốn thuế đâu, họ muốn thực hiện nhưng phải đơn giản, rõ ràng, dễ hiểu”, bà Cúc khẳng định.

Cũng theo bà Cúc, điều các hộ kinh doanh băn khoăn nhất là lên DN sợ sẽ phải nộp thuế nhiều hơn.  Thuế suất thuế TNDN từ năm 2014 đến 3/12/2015 quy định DN có danh thu đến 20 tỉ đồng/năm có thuê suất 20%, doanh thu khác thuế suất 22%, nhưng từ 1/1/2016 mức thuế suất thuế TNDN áp dụng chung cho các DN, không phân biệt quy mô.

“Điều này cho thấy, chưa có chính sách khuyến khích thuế đối với DN khởi nghiệp, DN chuyển đổi từ hộ lên”, bà Cúc nhận xét.

Hơn nữa, hộ kinh doanh chỉ cần một cuốn sổ chợ là có thể kinh doanh được nhưng lên DN thì theo quy định phải lập đến 5 báo cáo khác nhau trong đó có báo cáo lưu chuyển tiền tệ, ngay cả khi họ không cần.

Ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, thuế, tài chính, chế độ kế toán vẫn là những nút thắt cần được tháo gỡ cho các hộ kinh doanh, DN nhỏ và vừa, DN theo mô hình siêu nhỏ.

Các thành phần kinh tế này, theo ông Lộc, cần có được môi trường kinh doanh an toàn, ít rủi ro, được tôn trọng với chính sách hoạt động đầy thuận lợi, cùng một chi phí thấp nhất để tạo ra được lợi nhuận một cách an toàn.

Bà Tạ Thị Phương Lan, Phó Vụ trưởng Vụ quản lý thuế thu nhập cá nhân (Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính) cho biết hiện ở TP.HCM, Hà Nội có những hộ kinh doanh có doanh thu hàng trăm tỉ đồng/năm và số lượng sử dụng hóa đơn gấp nhiều lần DN. Đó chính là đối tượng mà cơ quan thuế nhắm đến trong đợt vận động chuyển đổi thành DN.

Bà Lan cho rằng, hộ kinh doanh không muốn chuyển lên DN có hai nhóm: kinh doanh chân chính ngại lên DN vì sợ thủ tục, nhóm thứ 2 là núp bóng, lợi dụng thuế khoán để xuất hóa đơn bất hợp pháp.

“Tới đây cơ quan thuế sẽ áp dụng quản lý điện tử với hộ kinh doanh khi đó sẽ không còn toàn bộ là khoán theo cách buông lỏng như hiện nay mà sẽ quản lý điện tử, khai điện tử, nộp thuế điện tử, sử dụng hóa đơn điện tử, đặc biệt là những hộ kinh doanh lớn”, bà Lan khẳng định.

Thành Đạt

 Nguồn: http://canhtranhquocgia.vn/Chinh-sach-va-cuoc-song/Ho-kinh-doanh-e-ngai-truoc-nga-ba-duong/304431.vgp