Hóa giải thách thức kinh tế 2016
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Số liệu tổng hợp được Tổng cục Thống kê công bố cuối tuần trước cho thấy GDP cả năm 2015 ước tăng 6,68% so với năm trước, cao hơn mục tiêu 6,2% được Quốc hội và Chính phủ đề ra hồi đầu năm, và cũng cao hơn cả dự đoán 6,5% gần đây của Chính phủ. Trong đó, khu vực nông – lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,41%, khu vực công nghiệp – xây dựng tăng 9,64%, khu vực dịch vụ tăng 6,33%. Kết quả trên cho thấy năm 2015 là năm có tăng trưởng kinh tế cao nhất kể từ năm 2011 cho đến nay.

Đà tăng trưởng cho 2016

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2015 là năm “khá đặc biệt” của nền kinh tế VN. Sau cả chặng đường dài hơn 3 năm kinh tế tăng trưởng thấp, và thực hiện chương trình tái cấu trúc nền kinh tế, thì năm 2014 kinh tế đã bắt đầu phục hồi.

“Năm 2014 là năm đầu tiên chúng ta đã vượt qua mốc chỉ tiêu về kinh tế do Quốc hội thông qua, và năm 2015 là năm mà chúng ta khẳng định thêm điều này. Đó là kinh tế vĩ mô của VN ngày càng ổn định hơn, và đang lấy lại tốc độ tăng trưởng” – ông Vinh nhấn mạnh.

Thực tế thì sức bật mạnh mẽ của nền kinh tế trong năm nay đã được nhiều tổ chức nước ngoài, các định chế tài chính và cả Chính phủ dự báo từ giữa năm. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là tăng trưởng thực sự còn cao hơn cả nhiều dự báo trước đó, chỉ khoảng 6,5%. Hãng tin Sputnik của Nga hôm thứ Hai đầu tuần thậm chí còn nhận định tăng trưởng kinh tế VN đang ấn tượng hơn cả Trung Quốc. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đối mặt với bất ổn về an ninh, sự tụt dốc của giá dầu, và suy giảm kinh tế Trung Quốc, sự bật dậy của nền kinh tế VN quả là điều đáng nói.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch Đầu tư mới đây gửi Chính phủ đã chỉ rõ động lực tăng trưởng chủ yếu của năm 2015 là nhờ sự phục hồi và tăng trưởng cao của sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo, sự tăng nhanh của sản xuất và xuất khẩu của khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài, tiêu dùng trong nước tăng mạnh và lạm phát thấp.
“Tôi nghĩ đây là đà tốt cho năm 2016 cũng như cả nhiệm kỳ năm 2016 – 2020” – ông Vinh nói khi bình luận với báo chí về kinh tế 2015.

Những yếu kém về trình độ công nghệ, năng suất thấp, khả năng cạnh tranh của nền kinh tế và DN trong nước sẽ là thách thức lớn trong điều kiện triển khai thực hiện các Hiệp định Thương mại Tự do.

Chướng ngại vật

Dù nhận định năm 2015 đã tạo một bàn đạp cho các năm sau, nhưng trong bản báo cáo được người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình lên Chính phủ cũng đã chỉ ra không ít thách thức mà kinh tế VN sẽ phải đối mặt để giữ được ổn định và tăng trưởng cao hơn.

“Bước sang năm 2016, tình hình thế giới và trong khu vực dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường: căng thẳng địa chính trị, xung đột khu vực, chủ nghĩa khủng bố, sự phục hồi chậm của kinh tế thế giới, sự suy giảm đà tăng trưởng của một số nền kinh tế mới nổi, sự bất ổn định ở Biển Đông, biến động giá dầu thế giới… sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế nước ta, nhất là hoạt động xuất khẩu, thu NSNN và huy động vốn cho đầu tư phát triển”– bản báo cáo nhận định.

Đồng thời, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã chỉ ra những yếu kém về trình độ công nghệ, năng suất thấp, khả năng cạnh tranh của nền kinh tế và DN trong nước sẽ là thách thức rất lớn trong điều kiện triển khai thực hiện các Hiệp định Thương mại Tự do và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Thực tế thì những khó khăn đó không phải không có trong năm 2015. Tuy nhiên, những con số có thể cho thấy nền kinh tế đang ngày càng chịu nhiều áp lực hơn trước những thách thức đó. Sau 3 năm hưởng niềm vui xuất siêu, năm 2015 bóng ma nhập siêu lại qua trở lại với mức nhập siêu là 3,2 tỷ USD. Năm tới, nhập siêu có thể cao hơn, riêng quý I/2016 đã được dự báo ở mức 2 tỷ USD. Trong khi đó, xuất khẩu dù vẫn tăng nhưng tốc độ tăng cũng đã giảm hơn so với năm 2014, chỉ ở mức 8,1% so với mục tiêu 10% mà Quốc hội đề ra. Xuất khẩu năm sau có thể sẽ khó khăn hơn nữa do nhu cầu trên thị trường thế giới đã bị thu hẹp lại, và sự cạnh tranh trên trường quốc tế ngày càng gay gắt hơn. Một trong những mặt hàng đã chịu tác động xấu từ thị trường quốc tế chính là nông sản.

Hơn nữa, biện pháp thắt chặt chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) mới đây cũng có thể có nhiều tác động đến nền kinh tế VN. Cụ thể đã có nhiều chuyên gia quốc tế phân tích việc tăng lãi suất của Fed sẽ khiến cho áp lực trả nợ của các nền kinh tế mới nổi, bao gồm cả VN, lớn hơn. Và sự bất ổn của giá dầu sẽ khiến cho nguồn thu ngân sách bị ảnh hưởng.

Tạo điều kiện cho DN phát triển là vấn đề then chốt

bui quang vinh copy

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh

Sau hai năm thực hiện Nghị quyết 19/NQ-CP, thứ hạng năng lực cạnh tranh của Việt Nam năm nay tăng ba bậc, từ vị trí 93 lên vị trí 90; cải thiện năm chỉ số, gồm: Khởi sự DN (tăng 7 bậc); Tiếp cận điện năng (tăng 22 bậc); Tiếp cận tín dụng (tăng 8 bậc); Nộp thuế và BHXH (tăng 4 bậc); Giải quyết phá sản DN (tăng 2 bậc)…

Năm 2015, sản xuất công nghiệp có mức tăng cao hơn nhiều so với các năm trước, là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của cả nước. Lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn được quan tâm đầu tư. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tiếp tục được triển khai và đạt nhiều kết quả; chính sách phát triển thủy sản, kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền quốc gia được chú trọng. Khu vực dịch vụ tiếp tục phát triển, sức mua và tổng cầu được cải thiện đáng kể.

Để đảm bảo việc thực hiện các mục tiêu phát triển năm 2016, Nhà nước sẽ luôn đồng hành cùng DN, đưa ra các khung pháp lý thuận lợi nhất, thông thoáng nhất. Chính phủ sẽ tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện tốt chính sách về tiền tệ. Qua đó, DN có thể tiếp cận các nguồn vốn với lãi suất thấp. Đồng thời, môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục cải thiện tốt hơn. Đây là những vấn đề then chốt nhất của năm 2016.

Trên nền tảng những kết quả đạt được, Chính phủ đã dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH và dự toán NSNN năm 2016, trong đó phân công, chỉ đạo rõ nhiệm vụ của từng bộ, ngành, địa phương và yêu cầu đặt ra là phải thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, hiệu quả Nghị quyết. Chúng ta có quyền kỳ vọng năm 2016 là năm có mức tăng trưởng cao, có kinh tế vĩ mô ổn định, bảo đảm được các vấn đề về an sinh xã hội…

Cần cơ chế đặc thù cho TP Hà Nội và TP HCM về dư nợ

nguyen thanh phong copy

Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong

Để đạt được các chỉ tiêu phát triển do Quốc hội đề ra, chúng tôi kiến nghị Chính phủ đẩy mạnh tuyên truyền FTA, TPP đồng bộ, thường xuyên. Đồng thời, Chính phủ cần kịp thời ban hành chính sách tạo điều kiện, tạo sự chủ động cho DN… Ngoài ra, các cơ quan cần nghiên cứu đưa một số hàng rào kỹ thuật, chống bán phá giá, trợ cấp và tự vệ cho các ngành công nghiệp còn non trẻ trước áp lực hàng ngoại nhập. Đối với địa phương, chúng tôi kiến nghị Chính phủ cần có cơ chế đặc thù về dư nợ cho TP Hà Nội và TP HCM. Theo đó, quy định mức dư nợ vay của ngân sách đia phương không bao gồm dư nợ vay của nước ngoài.

Ngoài ra, Chính phủ có thể nâng giới hạn vay nợ của TP Hà Nội và TP HCM cho phù hợp. Bởi vì, Luật Ngân sách Nhà nước 2015 quy định, dư nợ của các địa phương không vượt quá 60% số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp. Mức dư nợ này không đảm bảo các yêu cầu phát triển của hai thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM. Chính phủ cần ưu tiên nguồn vốn ODA cho các dự án lớn trên địa bàn TP HCM như tuyến xe bus nhanh, nạo vẹt luồng Xoài Rạp, một số đường hướng tâm quan trọng…

Lãnh đạo TP HCM cũng kiến nghị được xem xét hỗ trợ cơ chế tạo vốn, bảo lãnh, tạo điều kiện phát hành trái phiếu đô thị. Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ xem xét điều chỉnh Nghị định 93/2011 về phân cấp một số lĩnh vực cho TP. Trong đó, phân cấp mạnh hơn thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cụ thể như phí, lệ phí, thẩm quyền xử phạt hành chính; quy định chặt chẽ trách nhiệm của Bộ, ngành Trung ương để phân cấp thực sự có hiệu quả.

Công nghiệp hỗ trợ sẽ phát triển mạnh

nguyen-bich-lam copy

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm

Nền kinh tế năm 2016 sẽ có độ mở cửa mạnh hơn, nhanh hơn với vác FTA song phương vừa được ký kết và chuẩn bị có hiệu lực, như FTA Việt Nam – Hàn Quốc, Việt Nam – EU, Việt Nam – Nhật Bản, Việt Nam – Chile, Liên minh Hải quan Việt Nam – Nga, Belarus và Kazakhstan, kể cả việc hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC).

Cùng với việc gỡ bỏ hàng rào thuế quan về cơ bản còn 0%, chắc chắn tác động tích cực tới sự phát triển kinh tế. Hiện tại Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và ASEAN là những thị trường xuất – nhập khẩu lớn nhất của nước ta. Trong đó, ngoại trừ Hoa Kỳ, EU và Nhật Bản là chúng ta xuất siêu, còn lại nhập siêu ngày càng lớn từ Trung Quốc, Hàn Quốc và ASEAN. Nếu nhập khẩu hàng hóa về để tiêu dùng, thì đúng là không có lợi cho nền kinh tế, nhưng trên 80% kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam là nguyên, nhiên, vật liệu để sản xuất hàng phục vụ trong nước và xuất khẩu. Nhập khẩu máy móc, thiết bị, phụ tùng phục vụ sản xuất, gia công, chế biến, lắp ráp trong nước thì nền kinh tế được lợi vì thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo công ăn việc làm, tăng thu ngân sách nhà nước, đẩy mạnh xuất khẩu.

Nếu không đẩy mạnh nhập khẩu, thì không thể gia tăng kim ngạch xuất khẩu mỗi năm tăng ở mức 2 con số. Nếu không đẩy mạnh nhập khẩu nguyên, nhiên, vật liệu, thiết bị, linh kiện, phụ tùng máy móc, thì chúng ta không thể xuất khẩu sang Hoa Kỳ, EU hàng chục tỷ USD và cũng không thể đạt được tốc độ tăng trưởng GDP năm 2016 là 6,68% – cao hơn so với mục tiêu Quốc hội đặt ra là 6,2%. Tôi cho rằng, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế, những năm tới, nhập siêu vẫn có thể gia tăng ở dưới mức 5% tổng kim ngạch xuất khẩu, nhưng ngành công nghiệp phụ trợ sẽ phát triển mạnh vì từ ngày 1/1/2016, thực hiện Nghị định 111/2015/NĐ-CP về phát triển công nghiệp hỗ trợ, từng bộ, ngành và UBND cấp tỉnh phải thực hiện hàng loạt giải pháp, chính sách, cơ chế ưu đãi, hỗ trợ để phát triển ngành công nghiệp phụ trợ dệt may, da giày, điện tử, cơ khí chế tạo, và các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho công nghệ cao.

Ninh Kiều
Nguồn: Báo Điện tử Diễn đàn doanh nghiệp