Hoàn thiện chính sách phát triển thị trường lao động
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Nhiều chính sách được ban hành

Hệ thống pháp luật về lao động tiếp tục được hoàn thiện, tạo điều kiện phát triển thị trường lao động. Cụ thể, các văn bản pháp luật như Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Dạy nghề, Luật Người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng… đã tạo nền tảng pháp lý tiếp tục tự do hóa lao động. Người lao động được đặt vào vị trí trung tâm, năng động và chủ động tìm kiếm việc làm. Người sử dụng lao động được khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Hệ thống luật pháp về giáo dục, đào tạo và dạy nghề cũng tương đối đầy đủ, bao gồm Luật Giáo dục, Luật Dạy nghề và các văn bản hướng dẫn, những chính sách tín dụng ưu đãi nhằm tăng cường khả năng tiếp cận đào tạo nghề cho người lao động.
Nhà nước ngày càng thể hiện tốt hơn vai trò quản lý vĩ mô, giảm dần sự can thiệp trực tiếp vào thị trường lao động; tích cực áp dụng các chính sách KT – XH để điều tiết quan hệ cung, cầu lao động, đặc biệt có chính sách khuyến khích tăng nhu cầu lao động, nâng cao chất lượng lao động, kết nối cung cầu lao động, như: cung cấp thông tin việc làm, hỗ trợ dạy nghề, hệ thống hướng nghiệp và dịch vụ việc làm. Nhiều chương trình hỗ trợ được triển khai thực hiện, nhất là việc thành lập Quỹ quốc gia giải quyết việc làm (năm 2009). Giai đoạn 2000 – 2010, mỗi năm Quỹ góp phần tạo việc làm cho khoảng 350.000 lao động, chiếm 30% việc làm được tạo mới. Đặc biệt, Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn năm 2009 đã có những tác động đáng kể.

Vai trò bà đỡ trong thị trường lao động cũng được thực hiện tốt hơn. Luật Bảo hiểm xã hội ban hành năm 2006 với chính sách trợ cấp thất nghiệp thực hiện năm 2009 đã hỗ trợ đáng kể cho người lao động bị mất việc làm tạm thời. Các đề án xóa đói giảm nghèo ngày càng phát huy hiệu quả, đặc biệt là Chương trình quốc gia xóa đói giảm nghèo, Đề án Xóa đói giảm nghèo cho 62 huyện nghèo, Đề án Xuất khẩu lao động cho các huyện nghèo, Chương trình hỗ trợ cho các xã đặc biệt khó khăn, các xã bãi ngang, các chính sách tín dụng ưu đãi đối với thanh niên, phụ nữ, dân tộc thiểu số đã hỗ trợ cho lao động yếu thế hội nhập tốt hơn vào thị trường lao động.

… nhưng chưa theo kịp yêu cầu phát triển

Tuy nhiều chính sách đã được ban hành, nhưng theo Phó viện trưởng Viện Khoa học, Lao động và Xã hội, Bộ LĐ, TB và XH Nguyễn Bá Ngọc, các chính sách phát triển thị trường lao động còn chưa theo kịp yêu cầu thực tế. Trước hết chưa tạo ra được điều kiện và môi trường để hình thành giá tiền công thực sự trên thị trường lao động; nhiều chính sách chủ yếu hướng tới khu vực nhà nước, thị trường lao động chính thức. Bộ luật Lao động chưa tạo điều kiện phát triển mối quan hệ lao động hài hòa, cùng có lợi giữa các loại hình doanh nghiệp trong nước và đầu tư nước ngoài; thiếu chính sách khuyến khích phát triển thị trường lao động trình độ cao nhằm thu hút nhân tài, dẫn đến mất cân bằng giữa cung cầu lao động tại các khu công nghiệp, vùng kinh tế động lực.

Chính sách đào tạo người lao động cũng còn bất cập, nhất là thiếu cơ chế khuyến khích đủ hấp dẫn để doanh nghiệp (đặc biệt là khu vực tư nhân) tham gia hay chia sẻ trách nhiệm trong dạy nghề, trong khi, việc đào tạo nghề ở các nhà trường và cơ sở đào tạo nghề chưa phù hợp với yêu cầu thực tế của doanh nghiệp. Hệ thống kết nối giữa hướng nghiệp – đào tạo, dạy nghề – giao dịch việc làm – doanh nghiệp, người sử dụng lao động chưa được chặt chẽ và thể chế hóa. Bên cạnh đó, mặc dù Luật Cư trú đã thông thoáng hơn nhưng việc di chuyển lao động vẫn còn nhiều vướng mắc. Chế độ hộ khẩu vẫn tiếp tục gây ra nhiều sự phân biệt đối với lao động di cư đến các đô thị, đặc biệt trong tiếp cận cơ hội tín dụng, hưởng thụ các dịch vụ về y tế, giáo dục cho bản thân người lao động và gia đình họ. Các chính sách hỗ trợ người lao động nghèo xuất khẩu lao động, các doanh nghiệp xuất khẩu lao động, chế tài xử phạt đối với những tổ chức, cá nhân vi phạm chưa đủ mạnh. Mặc dù có vai trò quan trọng nhưng Quỹ quốc gia giải quyết việc làm mới chỉ đáp ứng 35 – 40% nhu cầu vay vốn của người dân. Cơ chế phân bổ tín dụng bị phân tán nhỏ lẻ (khoản vay nhỏ, thời gian ngắn, thủ tục đôi khi còn phức tạp); các dự án cho vay giải quyết việc làm chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, kinh tế hộ, các cơ sở sản xuất kinh doanh chỉ chiếm dưới 10%, nên chưa tạo ra nhiều việc làm mới và không bền vững.

Đặc biệt, mức tiền lương tối thiểu mặc dù được điều chỉnh liên tục nhưng chỉ đáp ứng 60 – 65% nhu cầu cơ bản của người lao động, thấp hơn mức lương tối thiểu trên thị trường khoảng 20%. Hệ thống thang, bảng lương khu vực nhà nước còn phức tạp, hệ thống thang bảng lương trong khu vực DNNN do Nhà nước quy định chưa phù hợp với điều kiện sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, tiền lương chưa bảo đảm ngườâi hưởng lương sống chủ yếu bằng lương. Một bộ phận đáng kể người lao động có thu nhập ngoài lương, làm cho quan hệ tiền lương bị méo mó. Một trong những nguyên nhân cơ bản do chính sách tiền lương bị ràng buộc với các chính sách an sinh xã hội, đặc biệt là chính sách về trợ giúp xã hội; chính sách tiền lương tối thiểu có sự phân biệt giữa doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp dân doanh và doanh nghiệp FDI. Bên cạnh đó, chưa xây dựng được cơ chế đối thoại xã hội về tiền lương. Thực tế, rất ít doanh nghiệp xây dựng thang lương, bậc lương dựa trên mức cải thiện về năng suất lao động, hiệu quả sản xuất, nhất là các doạnh nghiệp FDI và doanh nghiệp dân doanh…

Hoàn thiện chính sách phát triển thị trường lao động

Để đẩy mạnh việc phát triển thị trường lao động, trước hết cần tăng cường năng lực cạnh tranh của nguồn nhân lực thông qua việc nâng cao chất lượng chung về giáo dục – đào tạo, nhất là phát triển mạnh hệ thống dạy nghề. Cụ thể, hoàn thiện quy hoạch mạng lưới dạy nghề, liên thông giữa các cấp độ đào tạo, quan tâm đến các đối tượng yếu thế. Xây dựng các chương trình, dự án Quốc gia về dạy nghề và quy định hướng dẫn thực hiện các chương trình dạy nghề theo các nhóm đối tượng. Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong đầu tư phát triển dạy nghề, nhưng cũng cần chú trọng xây dựng cơ chế, chính sách, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trở thành một chủ thể quan trọng trong đào tạo nghề, như: xây dựng các mô hình và phương thức hợp tác, gắn kết giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo; tăng vai trò đại diện của doanh nghiệp trong quá trình xây dựng chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và triển khai hoạt động dạy nghề…

Bên cạnh đó, gắn kết cung – cầu lao động thông qua việc phát triển hệ thống định hướng nghề nghiệp, hệ thống dịch vụ việc làm và thông tin thị trường lao động. Sớm ban hành Luật Tiền lương tối thiểu, điều chỉnh nâng dần mức lương tối thiểu chung, mức lương tối thiểu vùng và tiến tới mức lương tối thiểu giữa các loại hình doanh nghiệp. Bảo đảm sức mua của mức lương tối thiểu đối với các mặt hàng thiết yếu. Tách tiền lương tối thiểu đối với khu vực hành chính sự nghiệp và khu vực sản xuất kinh doanh theo cơ chế thị trường. Đồng thời, xây dựng cơ chế tiền lương bảo đảm quyền tự chủ thực sự cho doanh nghiệp và dựa vào cơ chế đối thoại, thương lượng, thoả thuận.

Đặc biệt, chú trọng hỗ trợ các nhóm yếu thế và đẩy mạnh chính sách an sinh xã hội. Cụ thể, xây dựng hệ thống chính sách tín dụng thống nhất, ưu tiên vay vốn hỗ trợ ưu đãi đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh tạo nhiều việc làm, sử dụng nhiều lao động yếu thế hoặc hoạt động trên địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa, địa bàn dân tộc thiểu số. Tăng cường sự tham gia của người nghèo, cận nghèo vào các chương trình việc làm tạm thời và việc làm có hỗ trợ bù đắp chi phí thông qua các dự án phát triển cơ sở hạ tầng quy mô nhỏ nông thôn, thu gom rác thải và vệ sinh môi trường. Bên cạnh đó, hoàn thiện chính sách và hiện đại hóa mô hình bảo hiểm thất nghiệp. Hỗ trợ người lao động tham gia BHXH, hỗ trợ nông dân tham gia bảo hiểm nông nghiệp nhằm bảo đảm đời sống người dân và duy trì sản xuất… Cũng cần nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ xã hội đối với người nghèo, người dân nông thôn và các đối tượng yếu thế khác; đồng thời tăng cường hiệu quả trợ giúp đột xuất, nâng cao năng lực của người dân đối phó với rủi ro đột xuất.

Nguyên Nhung
Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân