Hoàn thiện cơ chế xác định, xử lý vi hiến hữu hiệu
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Vẫn còn văn bản QPPL có “độ chênh” với Hiến pháp 

Để bảo đảm hiệu lực pháp lý cao nhất, Hiến pháp năm 2013 quy định, mọi văn bản pháp luật phải phù hợp với Hiến pháp, còn theo Điều 5 Luật Ban hành Văn bản Quy phạm pháp luật 2015, việc xây dựng, ban hành Văn bản QPPP phải bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của Văn bản QPPL trong hệ thống pháp luật, tuân thủ đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành Văn bản QPPL.

Soi quy định trên vào thực tế thi hành của cơ quan hành pháp, ông Nguyễn Đức Lam, Trung tâm Bồi dưỡng đại biểu dân cử cho rằng, thời gian qua, hoạt động của hành pháp đã ban hành nhiều văn bản QPPL hoặc dự thảo đang soạn thảo có “độ chênh” với Hiến pháp cả về nội dung, thẩm quyền, quy trình, thủ tục.

Ông Lam nêu dẫn chứng, theo Ủy ban Pháp luật, tính đến giữa năm 2013, trong 1.761 văn bản của Bộ trưởng, Thủ tưởng cơ quan ngang bộ được Bộ Tư pháp thẩm định đã có 223 văn bản có dấu hiệu vi phạm về thẩm quyền, nội dung và hiệu lực. Điều này cho thấy, vẫn còn nhiều hạn chế trong việc bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của hệ thống pháp luật ở giai đoạn trước khi văn bản được thông qua, trong đó không ít dự thảo trái với Hiến pháp, ông Lam nhấn mạnh.

Cần cơ chế thực thi đủ mạnh

Để bảo đảm tính nghiêm minh và tối thượng của Hiến pháp, cần phải có những cơ chế thực hiện nghiêm, trong đó cần phải thay đổi từ nhận thức của các chủ thể trong xã hội. Trong đó, cần phải nhận thức rõ, Hiến pháp là văn bản phản ánh một cách toàn vẹn nhất chủ quyền nhân dân, là đạo luật gốc, có hiệu lực pháp lý cao nhất trong một quốc gia. Các văn bản QPPL, các hành vi của các chủ thể đều phải phù hợp với Hiến pháp, không được trái với Hiến pháp.

Bên cạnh đó, một vấn đề cần phải hết sức lưu ý là tăng cường vai trò giám sát thực thi pháp luật. Thực tế cho thấy, khối lượng lớn các văn bản lập pháp ủy quyền là một xu hướng tất yếu ở tất cả các nước, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, theo ông Lam, vấn đề ở đây là phải giám sát chúng trên các phương diện bảo đảm pháp quyền, kiểm soát quyền lực để không xảy ra lạm quyền từ phía hành pháp, vượt quá giới hạn mà Hiến pháp đã vạch ra. Theo đó, cơ quan được ủy quyền chỉ được ban hành quy định chi tiết trong khuôn khổ đã được ủy quyền trong đạo luật. Các văn bản lập pháp ủy quyền không được xâm phạm đến các quyền cá nhân và tự do của công dân. Đồng thời, văn bản đó không được làm cho các quyền và tự do công dân phụ thuộc vào các quyết định hành chính, mà các quyết định đó lại không nằm trong phạm vi giám sát về mặt nội dung của tòa án.

Tuy nhiên, việc thiếu cơ chế hữu hiệu đế xác định tính hợp hiến hay vi hiến trong văn bản QPPL hoặc hành vi của cơ quan nhà nước là một trong những nguyên nhân làm ảnh hưởng đến tính nghiêm minh của pháp luật. Vì vậy, ông Lam cho rằng, cần hoàn thiện cơ chế này trên các phương diện: tiêu chí để xác định sự vi hiến, ai có quyền “khởi kiện”, khởi kiện đến cơ quan nào, quy trình, thủ tục, xem xét sự vi hiến, thẩm quyền, cách thức, hình thức ra quyết định về vấn đề này, áp đặt trách nhiệm về sự vi hiến.

Việt Nam chưa có Tòa án Hiến pháp như một số quốc gia trên thế giới để xét xử những vụ việc vi hiến nên QH phải là cơ quan đi đầu, chịu trách nhiệm bảo đảm hiệu lực pháp lý cao nhất của Hiến pháp qua các hoạt động như giám sát, xem xét các văn bản QPPL có dấu hiệu trái Hiến pháp, thẩm tra, xem xét thảo luận, thông qua các dự án luật.

Ngoài ra, cần phải phổ biến kiến thức, nâng cao nhận thức cho người dân về Hiến pháp để họ biết được những quyền và những giới hạn quyền của mình, từ đó thực thi đúng quyền, đồng thời vừa giám sát các cơ quan nhà nước trong các hoạt động liên quan đến quyền con người, quyền công dân. Trong quá trình này, không thể nói đến sự đóng góp tham gia hỗ trợ vào cuộc tích cực của báo chí, truyền thông và các tổ chức xã hội.

Hà An
Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân