Hoàn thiện pháp luật về quản lý nhà nước đối với Văn phòng công chứng
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

1. Một số bất cập trong công tác QLNN đối với Văn phòng công chứng

Một là, một số quy định về tên gọi của VPCC chưa rõ ràng, cụ thể. Khoản 3 Điều 26 Luật CC quy định:“Tên gọi của VPCC sẽ do công chứng viên (CCV) lựa chọn, tên gọi của VPCC không được trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên tổ chức hành nghề công chứng khác, không được sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc”.Quy định này đơn thuần chỉ lặp lại quy định tại Luật Doanh nghiệp 2005 (Luật DN), và chưa có sự liên thông với khoản 1 Điều 14 Nghị định 43/2010/NĐ-CP (ngày 15/4/2010 về đăng ký doanh nghiệp) để đảm bảo tính chặt chẽ trong QLNN đối với VPCC về tên gọi của doanh nghiệp: “Không được đặt tên trùng hoặc tên gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp khác đã đăng ký trong phạm vi toàn quốc, trừ những doanh nghiệp đã bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, các doanh nghiệp đã giải thể”.Như vậy, pháp luật về công chứng không quy định tên gọi của VPCC không được trùng trong phạm vi cả nước hay trong một địa phương là cấp tỉnh. Để chống trùng tên cho VPCC, Sở Tư pháp phải có văn bản gửi Bộ Tư pháp để xin ý kiến vì chưa có thông tin nối mạng để kiểm tra. Vấn đề này làm mất thời gian và tốn kém cho ngân sách nhà nước. Thêm nữa, khoản 3 Điều 14 Nghị định 43/2010/NĐ-CP quy định: “Không được sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc, tên danh nhân để đặt tên riêng cho doanh nghiệp”.Tuy nhiên, pháp luật lại chưa có quy định cụ thể, rõ ràng về chuẩn mực để đánh giá tên gọi, từ ngữ, ký hiệu như thế nào là vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc. Những quy định này đãdẫn đến việc áp dụng pháp luật tùy tiện, theo cảm tính, nặng tính chủ quan cục bộ, không thống nhất giữa các địa phương, chưa có cơ sở khoa học và pháp lý,về việc cho phép đặt tên VPCC. Hai là, việc chuyển đổi loại hình doanh nghiệp của VPCC theo quy định tại Thông tư số 11/2011/TT-BTP ngày 27/6/2011 hướng dẫn thực hiện một số nội dung về CCV, tổ chức và hoạt động công chứng, QLNN về công chứng là chưa rõ ràng (không quy định trình tự, thủ tục, cách thức chuyển đổi) và chưa phù hợp với pháp luật về doanh nghiệp. Thực tiễn cho thấy,loại hình VPCC do một CCV thành lập đã bộc lộ nhiều bất cập như: trường hợp CCV chết, ốm đau dài ngày thì VPCC phải ngừng hoạt động; những hợp đồng, giao dịch đã được VPCC do một CCV thành lập chứng nhận trong trường hợp CCV chết sẽ kéo theo một số hậu quả là hồ sơ, tài liệu đã công chứng phải chuyển cho tổ chức hành nghề công chứng khác. Thực tế đã có 02 VPCC (01 ở Hà Nội, 01 ở Hà Giang) phải chấm dứt hoạt động do CCV chết.Đối với loại hình VPCC hoạt động theo mô hình công ty hợp danh, đã có nhiều trường hợp do mâu thuẫn giữa các CCV thành lập hay vì lý do nào khác nên họ không còn ý định là thành viên hợp danh nữa và muốn chuyển đổi qua mô hình doanh nghiệp tư nhân (DNTN) do một CCV thành lập; hoặc ngược lại, một số VPCC do một CCV thành lập theo mô hình DNTN nhưng nay do nhu cầu mở rộng, tăng vốn, tăng đầu tư nên muốn kết nạp thêm một số CCV với tư cách là thành viên hợp danh nên muốn chuyển đổi qua loại hình công ty hợp danh[1]. Theo yêu cầu QLNN và thực tiễn hoạt động của các VPCC, nhu cầu chuyển đổi loại hình VPCC từ một CCV thành lập sang hai CCV thành lập trở lên được xem là tất yếu khách quan. Điều 7 Thông tư số 11/2011/TT-BTP quy định:Không khuyến khích loại hình VPCC do một CCV thành lập. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xem xét, có chính sách khuyến khích phát triển loại hình VPCC do hai CCV trở lên thành lập và chuyển đổi loại hình VPCC do một CCV thành lập sang loại hình VPCC do hai CCV trở lên thành lập”. Quy định này chỉ mang tính chất chung nên các Sở Tư pháp có cách nhìn nhận vấn đề khác nhau và thực hiện việc cho phép chuyển đổi loại hình VPCC cũng khác nhau. Theo quy định của pháp luật về công chứng, VPCC được thành lập theo hai loại hình của Luật DN là doanh nghiệp tư nhân (DNTN) do một CCV thành lập và công ty hợp danh (do hai CCV trở lên thành lập). Tuy nhiên, thực tiễn vẫn vướng mắc: việc chuyển đổi VPCC phải bằng các hình thức, thủ tục nào, có tuân thủ quy định pháp luật về doanh nghiệp không? Do là một loại hình doanh nghiệp đặc biệt nên khi được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cho phép thành lập, VPCC phải đồng thời tuân thủ pháp luật về công chứng và pháp luật về doanh nghiệp[2]. Theo đó, việc đăng ký hoạt động được thực hiện tại Sở Tư pháp cấp tỉnh nhưng về tổ chức và hoạt động phải tuân thủ quy định của pháp luật doanh nghiệp về chuyển đổi, giải thể, phá sản… Hiện nay, Điều 154, 155 Luật DN chỉ quy định việc chuyển đổi loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) thành công ty cổ phần hoặc ngược lại; chuyển đổi loại hình công ty TNHH một thành viên thành hai thành viên và ngược lại; chuyển đổi công ty TNHH một thành viên của một cá nhân thành của một tổ chức và ngược lại mà không có quy định việc chuyển đổi mô hình DNTN thành các loại hình doanh nghiệp khác. Như vậy, theo quy định của Luật DN, Nghị định 139/2007/NĐ-CP ngày 05/9/2007 của Chính phủ hướng dẫn một số điều của Luật DN thì không có quy định nào cho phép việc chuyển đổi mô hình từ DNTN sang công ty hợp danh và ngược lại[3]. Do vậy, nhìn từ khía cạnh pháp lý, rõ ràng Điều 7 Thông tư số 11/2011/TT-BTP mâu thuẫn với quy định pháp luật về doanh nghiệp. Thực tiễn hiện nay, muốn chuyển đổi mô hình từ DNTN sang công ty hợp danh và ngược lại là không thể thực hiện đơn thuần theo Thông tư số 11/2011/TT-BTP mà phải tuân thủ các thể chế QLNN đối với doanh nghiệp[4]. Muốn thay đổi loại hình doanh nghiệp của các VPCC thì phải thực hiện thủ tục giải thể theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp[5], sau đó tiến hành thủ tục thành lập lại từ ban đầu. Đây là thủ tục gây khó khăn, phiền hà, tốn kém, phát sinh thêm các thủ tục hành chính, lãng phí thời gian, công sức của các VPCC và cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Vì vậy, cần có những sửa đổi, bổ sung các quy định về việc chuyển đổi loại hình doanh nghiệp của VPCCcho phù hợp với thực tiễn hiện nay. Ba là, việc chấm dứt hoạt động của VPCC chưa được quy định một cách cụ thể để giải quyết các vấn đề phát sinh trên thực tiễn. Luật CC quy định VPCC chấm dứt hoạt động trong hai trường hợp sau: (i) Tự chấm dứt hoạt động; (ii) Bị thu hồi giấy đăng ký hoạt động do vi phạm pháp luật hoặc không còn CCV do bị miễn nhiệm[6]. Quy định trên chưa dự liệu được các trường hợp sau: – VPCC nếu thua lỗ có được thực hiện việc giải thể và phá sản theo quy định của Luật DN và Luật Phá sản không? Trên thực tế nếu xảy ra thì giải quyết như thế nào? Tại sao VPCC là hai trong bốn loại hình doanh nghiệp nhưng lại không có quy định là có được giải thể hoặc phá sản theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp? – VPCC là loại hình doanh nghiệp nhưng chưa có quy định việc chấm dứt (giải thể) trong trường hợp 06 tháng không đủ số lượng thành viên theo quy định. Như vậy, có thể xảy ra hai trường hợp: (i) VPCC chỉ có một CCV duy nhất và CCV này chết (như trường hợp Trưởng VPCC Việt Tín, Hà Nội) thì có được chấm dứt hoạt động hay không; (ii) VPCC có hai thành viên nhưng một thành viên chết nhưng quá 06 tháng không bổ sung được thành viên khác thì giải quyết như thế nào? Luật CC và các văn bản hướng dẫn thi hành đều chưa có quy định, gây khó khăn cho công tác QLNN đối với VPCC. Bốn là, việc góp vốn trong loại hình công ty hợp danh. Theo quy định tại Điều 130 Luật DN thì công ty hợp danh có hai loại thành viên: thành viên góp vốn và thành viên hợp danh[7]. Hai loại thành viên này có tư cách chủ thể và trách nhiệm pháp lý khác nhau. Tuy nhiên, Luật CC và Nghị định số 02/2008/NĐ-CP ngày 4/1/2008 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật CC không quy định loại hình VPCC thành lập theo loại hình công ty hợp danh có thành viên góp vốn hay không, trách nhiệm cụ thể của từng loại thành viên này như thế nào nên thực tế đã xảy ra tình trạng tranh chấp tại VPCC Đống Đa (ở Hà Nội) giữa thành viên góp vốn với Trưởng VPCC. Vấn đề này đã gây lúng túng trong việc xử lý của các cơ quan có thẩm quyền, đặc biệt cơ quan QLNN trực tiếp là Sở Tư pháp Hà Nội vì Luật CC không quy định nhưng Luật DN thì cho phép có thành viên góp vốn trong loại hình công ty hợp danh, trong đó thành viên hợp danh chịu trách nhiệm vô hạn, thành viên góp vốn chịu trách nhiệm hữu hạn. Mặt khác, cơ chế giải quyết tranh chấp về quyền lợi và nghĩa vụ của hai loại thành viên này cũng chưa được quy định một cách cụ thể mà tùy thuộc vào việc các thành viên tự quy định với nhau trong quy chế công ty hoặc trong hợp đồng góp vốn. Năm là, công chứng ngoài trụ sở. Theo quy định của Luật CC thì việc công chứng có thể được thực hiện ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng khi có “lý do chính đáng”[8]. Đây là quy định mang tính chất chung chung, gây nên sự tranh cãi pháp lý và khó khăn cho công tác QLNN. Trong các cuộc họp giao ban ở Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội thì các Phòng Công chứng đều cho rằng,đã có sự cạnh tranh không lành mạnh trong việc công chứng ngoài trụ sở. Hiện nay, các VPCC thực hiện công chứng ngoài trụ sở “mọi lúc, mọi nơi” và luôn cho rằng đương sự có lý do chính đáng, ví dụ bận việc, đau ốm, nhà xa văn phòng nên khó đi lại… Hệ quả là số lượng việc thực hiện công chứng ngoài trụ sở của các VPCC khá cao vì quy định nêu trên chưa rõ ràng, cụ thể.Đây là một chiêu thức cạnh tranh giữa các tổ chức hành nghề công chứng với nhau mà cụ thể là Phòng Công chứng với VPCC. Đối với các việc công chứng ngoài trụ sở, Phòng Công chứng phải yêu cầu đương sự xuất trình các giấy tờ cần thiết để thực hiện, trong khi đó tại VPCC việc này thực hiện dễ dàng vì “lý do chính đáng” được hiểu rất rộng, có thể do người yêu cầu công chứng bận việc, hay vì lý do nào khác muốn công chứng tại nhà… Tình trạng trên dẫn đến hình ảnh CCV cũng như VPCC bị “hạ thấp” vì người yêu cầu công chứng đã trả một khoản thù lao công chứng để thực hiện công chứng ngoài trụ sở. Sáu là,chi“hoa hồng” khi cung ứng dịch vụ công chứng với các tổ chức, cá nhân và công tác QLNN đối với vấn đề này. Hiện nay, các hợp đồng công chứng nhiều nhất và có thị phần nhiều nhất là các hợp đồng công chứng thế chấp nhà đất. Các hợp đồng này chủ yếu do ngân hàng chỉ định nên họ có quyền yêu cầu các tổ chức công chứng chi lại phần trăm “hoa hồng”. Điều này lại phát sinh thêm vấn đề mà các Phòng Công chứng cho rằng có sự cạnh tranh không lành mạnh của VPCC vì VPCC có điều kiện để chấp nhận hoa hồng một cách dễ dàng, còn các Phòng Công chứng phải tuân thủ các quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng, pháp luật về ngân sách nhà nước, chế độ thu chi tài chính nên khó thực hiện. Một khi đã khó thực hiện thì ngân hàng sẽ tổ chức ký kết hợp đồng với VPCC mà không ký kết với Phòng Công chứng nên gây nên sự giảm sút trong các tiêu chí cạnh tranh, giảm thu nhập của Phòng Công chứng. Vì vậy cần có quy định cụ thể để điều chỉnh vấn đề này, tạo sự cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng. Bảy là, VPCC được thành lập theo cách thức “tự do thành lập” như đề án của Hà Nội hay là “thành lập có giới hạn, theo quy hoạch và thời gian” của thành phố Hồ Chí Minh. Thực trạng việc cho phép thành lập VPCC theo cơ chế tự do hay có sự hạn chế từ cơ quan QLNN đang là vấn đề gây tranh cãi pháp lý. Hiện nay có sự tranh luận theo hai quan điểm: (i) Việc thành lập VPCC nên làm như cách của Hà Nội, nghĩa là các cá nhân, tổ chức có đủ điều kiện thì được tự do thành lập VPCC, tự do cạnh tranh trong khuôn khổ pháp luật mà không cần phải có sự hạn chế, không cần có sự quy hoạch về địa điểm, số lượng, thời gian vì quy luật cạnh tranh thị trường đảm bảo cơ chế vận hành, quyết định “tính sống còn” về hiệu quả hoạt động, lợi ích của các VPCC. Nhà nước chỉ dùng chính sách, thể chế để quản lý theo đúng định hướng xã hội hóa, không can thiệp sâu vào cơ chế thị trường; (ii) Phải làm theo cách của thành phố Hồ Chí Minh, nghĩa là phải có sự hạn chế việc thành lập các VPCC theo ý chí chủ quan của cơ quan QLNN, chỉ cho phép thành lập một số lượng VPCC hạn chế, theo thời gian và địa điểm nhất định, vì nếu cho thành lập ồ ạt theo cơ chế thị trường thì Nhà nước chưa đủ sức để quản lý. Các quan điểm trên đều có căn cứ pháp lý và có lý do chính đáng khi triển khai thực hiện. Quan điểm (i) chỉ phù hợp về mặt lý luận, nghĩa là tuân theo đúng quy luật của tự nhiên, đặc biệt là quy luật cung cầu, cạnh tranh của cơ chế thị trường; đáp ứng nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa, tức là Luật CC không cấm những ai đủ điều kiện thành lập VPCC thì họ sẽ được thành lập, tự do cạnh tranh và chịu trách nhiệm trước pháp luật. Tuy nhiên, quan điểm này lại chưa phù hợp với thực tiễn nước ta về ý thức trách nhiệm công dân trước pháp luật sau khi xã hội hóa hoạt động công chứng và năng lực quản lý của Nhà nước. Đối với quan điểm (ii), xét về mặt lý luận thì chưa phù hợp, xét về nguyên tắc pháp chế thì hạn chế quyền công dân nhưng lại phù hợp với điều kiện thực tiễn của nước ta, đặc biệt là phù hợp với năng lực QLNN hiện tại. Theo đó, Nhà nước “bó lại” các vấn đề cần quản lý, hạn chế trong phạm vi có thể quản lý được. Trên thực tế thì mô hình của Hà Nội đã phát sinh nhiều vấn đề bất cập về quản lý như: các quận nội thành có nhiều VPCC nhưng các huyện ngoại thành thì hầu như không có[9]; tình trạng CCV được bổ nhiệm nhiều nhưng hầu hết thuộc đối tượng được miễn đào tạo nghề và tập sự nghề công chứng nên thiếu kinh nghiệm thực tiễn, hệ quả là sai phạm xảy ra nhiều, người dân than phiền về trách nhiệm QLNN, không tin tưởng vào các VPCC. Trong khi đó, thành phố Hồ Chí Minh chỉ cho phép thành lập 22 VPCC trong ba năm, có sự thẩm định, phê duyệt và quản lý chặt chẽ, có sự phân bố tương đối đều địa điểm đặt các VPCC nên hoạt động công chứng hiệu quả hơn, công tác QLNN chặt chẽ hơn, ít xảy ra sai phạm hơn. Do vậy, cần có giải pháp trung hòa giữa hai quan điểm nêu trên để có bước đi thích hợp trong việc xây dựng và triển khai các thể chế QLNN đối với VPCC. 2. Một số giải pháp hoàn thiện 2.1. Cần có định hướng quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng Việc phát triển tổ chức hành nghề công chứng phải đảm bảo sự điều tiết của Nhà nước, gắn liền với tăng cường hiệu lực, hiệu quả QLNN. Để tránh tình trạng các VPCC chỉ chạy theo lợi nhuận mà không đáp ứng được yêu cầu của người dân hoặc tình trạng cho phép thành lập nhiều VPCC nhưng hoạt động không hiệu quả, Nhà nước không quản lý được hoặc quản lý thiếu chặt chẽ dẫn đến hoạt động công chứng không nề nếp, phát sinh nhiều sai phạm làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của người dân và trật tự xã hội… thì việc xã hội hóa hoạt động công chứng tại Việt Nam nói chung và việc phát triển VPCC nói riêng cần phải có quy hoạch và bước đi thích hợp. Thêm nữa, để đảm bảo việc cho phép thành lập các VPCC trên phạm vi cả nước đáp ứng nhu cầu người dân và yêu cầu về QLNN, Chính phủ cần ban hành Đề án quy hoạch chung các tổ chức hành nghề công chứng, trên cơ sở đó, các tỉnh thành sẽ có quy hoạch phát triển từng giai đoạn cụ thể cho địa phương mình. 2.2. Hoàn thiện thể chế QLNN về tổ chức và hoạt động của VPCC Thực trạng tổ chức và hoạt động của các VPCC trong thời gian qua cho thấy, cần sớm có những sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện thể chế QLNN đối với tổ chức và hoạt động của VPCC, cụ thể: (i) Bổ sung quy định cụ thể trong pháp luật doanh nghiệp và sửa đổi Thông tư số 11/2011/TT-BTP về biển hiệu và tên của VPCC. Luật CC và Nghị định số 02/2008/NĐ-CP chưa có quy định về việc ghi biển hiệu của VPCC. Thông tư số 11/2011/TT-BTP đã có quy định cụ thể về tên và biển hiệu của VPCC và đã có mẫu cố định (Mẫu TP-CC-05 ban hành kèm theo Thông tư này[10]) nên đã khắc phục được hiện tượng các VPCC lấy Sở Tư pháp làm tên cơ quan chủ quản đặt tên trên biển hiệu. Tuy nhiên, Thông tư này vẫn có những điểm chưa hợp lý như: quy định không được đánh số thứ tự, không được lấy địa danh khác đặt tên cho VPCC là chưa phù hợp[11]. Trong trường hợp này, Nghị định 43/2010/NĐ-CP không có quy định thuộc trường hợp cấm đặt tên hoặc đặt tên như vậy là gây nhầm lẫn nên VPCC được đặt tên. Do vậy, ngay cả Thông tư số 11/2011/TT-BTP mới được ban hành cũng cần được sửa đổi nhằm bảo đảm thống nhất về mặt thể chế trong công tác QLNN đối với VPCC. Mặt khác, để hạn chế nhận định chủ quan của chủ thể có chức năng QLNN trong việc đặt tên cho VPCC, pháp luật cần quy định cụ thể hơn về những trường hợp nào bị xem là vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc để việc đặt tên cho VPCC được thực hiện thống nhất. (ii) Cần sửa đổi pháp luật doanh nghiệpđể làm cơ sở bổ sung quy định về trình tự, thủ tục cho phép chuyển đổi VPCC do một CCV sang VPCC do hai CCV trở lên thành lập hoặc ngược lại tại Thông tư số 11/2011/TT-BTP. Hiện nay, pháp luật doanh nghiệp chưa có quy định cho phép chuyển đổi qua lại giữa hai loại hình doanh nghiệp của VPCC[12]mặc dù Bộ Tư pháp đã cho phép chuyển đổi loại hình của VPCC tại Thông tư số 11/2011/TT-BTP … và chuyển đổi loại hình VPCC do một CCV thành lập sang loại hình VPCC do hai CCV trở lên thành lập”[13]. Văn bản này chỉ quy định việc chuyển đổi loại hình của VPCC một cách chung chung nên thực tiễn không giải quyết được vấn đề: việc chuyển đổi VPCC phải bằng các hình thức, thủ tục nào, có tuân thủ quy định tại Luật DN không? Vì vậy, cần bổ sung thêm quy định ở Luật DNvề việc chuyển đổi các loại hình VPCC từ mô hình DNTN thành loại hình VPCC là công ty hợp danh và ngược lại, từ đó bổ sung thêm trình tự, thủ tục cụ thể tại Thông tư 11/2010/TT-BTP. (iii) Cần quy định cụ thể hơn những trường hợp được phép công chứng ngoài trụ sở tổ chức hành nghề công chứng và việc quản lý con dấu của VPCC theo quy định tại Nghị định số 110/2004/NĐ-CP ngày 08/4/2004 của Chính phủ về công tác văn thư và Nghị định số 09/2010/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 110/2004/NĐ-CP. Theo pháp luật về công chứng, không kể Phòng Công chứng hay VPCC, việc công chứng phải thực hiện tại trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng. Quy định này nhằm bảo đảm tính pháp lý chặt chẽ của văn bản công chứng. Với điều kiện hiện nay, có một số trường hợp Luật CC cho phép có thể thực hiện công chứng ngoài trụ sở tổ chức hành nghề, cụ thể: người yêu cầu công chứng là người già yếu không thể đi lại được, người đang bị tạm giữ, tạm giam, đang thi hành án phạt tù hoặc có “lý do chính đáng khác” không thể đến trụ sở tổ chức hành nghề công chứng[14]. Tuy nhiên, thực tiễn đặt ra nhiều vấn đề với quy định “lý do chính đáng khác”. Khoản 1 Điều 11 Thông tư số 11/2011/TT-BTP quy định việc công chứng ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng chỉ thực hiện trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 39 của Luật CC và do tổ chức hành nghề công chứng chịu trách nhiệm xem xét từng trường hợp cụ thể để quyết định thực hiện việc công chứng ngoài trụ sở. Lý do này chưa được giải thích cụ thể (thiếu quy phạm giải thích), dẫn đến cách hiểu sai về nguyên tắc thực hiện công chứng nên các VPCC đã thực hiện số lượng lớn việc công chứng ngoài trụ sở với lý do là đương sự muốn giữ bí mật, đương sự không muốn xếp hàng chờ đợi, đương sự muốn công chứng tại nhà… và sẵn sàng trả khoản thù lao công chứng theo thỏa thuận với VPCC. Việc công chứng ngoài trụ sở một cách “dễ dàng” dẫn đến sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các tổ chức hành nghề công chứng, làm giảm uy tín của các tổ chức hành nghề công chứng, nhất là các VPCC. Trong khi đó, các Phòng Công chứng chỉ thực hiện công chứng ngoài trụ sở khi khách hàng có giấy tờ chứng minh thuộc trường hợp được công chứng ngoài trụ sở và có đơn yêu cầu công chứng ngoài trụ sở kèm theo. Từ vấn đề này, cần quy định cụ thể hơn cụm từ “lý do chính đáng khác” là trong trường hợp khẩn cấp, bị đe dọa tính mạng hoặc vì lý do ốm đau dài ngày mà không thể đến trụ sở tổ chức hành nghề công chứng. (iv) Bổ sung quy định VPCC chấm dứt hoạt động khi CCV duy nhất của VPCC chết. Khoản 1 Điều 34 Luật CC quy định: VPCC chấm dứt hoạt động trong hai trường hợp: một là tự chấm dứt hoạt động; hailà bị thu hồi giấy đăng ký hoạt động hoặc không còn CCV do bị miễn nhiệm. Quy định trên của Luật CC chưa dự liệu được trường hợp đối với VPCC được thành lập theo loại hình DNTN do một CCV thành lập và VPCC chỉ có duy nhất một CCV thành lập. Do vậy, khi CCV này chết thì không còn CCV nào để thực hiện công chứng. Vì vậy, Luật CC cần bổ sung quy định về những trường hợp chấm dứt hoạt động của VPCC. (v) Bổ sung quy định về việc mở chi nhánh, văn phòng đại diện Khoản 2 Điều 11 Thông tư số 11/2011/TT-BTP quy định: Tổ chức hành nghề công chứng không được mở chi nhánh, văn phòng đại diện, cơ sở, địa điểm giao dịch khác ngoài trụ sở tổ chức hành nghề công chứng. Đây là quy định mới nhất trong quá trình hoàn thiện thể chế QLNN đối với VPCC. Tuy nhiên, quy định này đang hạn chế quyền của VPCC là doanh nghiệp vì theo Luật DN, các doanh nghiệp được quyền mở chi nhánh, văn phòng đại diện theo quy định của pháp luật. Như vậy, Luật CC không cấm nhưng Thông tư số 11/2011/TT-BTP lại đưa ra quy định cấm là chưa đảm bảo tính thống nhất về mặt thể chế trong công tác QLNN, hạn chế quyền kinh doanh của loại hình doanh nghiệp đặc biệt – VPCC. Do vậy, cần sửa đổi Thông tư số 11/2011/TT-BTP theo hướng cho phép mở văn phòng đại diện, chi nhánh của VPCC phù hợp với pháp luật doanh nghiệp nhưng vẫn đảm bảo tính chặt chẽ trong công tác QLNN chuyên ngành. (vi) Quy định về vấn đề chi trả hoa hồng công chứng cho các tổ chức có liên quan Hiện nay, xuất hiện việc các tổ chức ngân hàng chỉ định các tổ chức, cá nhân thế chấp, vay tiền của ngân hàng đến các tổ chức hành nghề công chứng để công chứng các hợp đồng, giao dịch. Theo đó, các tổ chức hành nghề công chứng phải ký hợp đồng và trả hoa hồng cho các ngân hàng này. Tuy nhiên, có sự bất bình đẳng xảy ra khi các VPCC thực hiện được việc chi trả hoa hồng cho các ngân hàng, ngược lại, các Phòng Công chứng không thể ký hợp đồng để chi trả hoa hồng vì phải tuân thủ các quy định của pháp luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; chế độ thu chi tài chính. Vì vậy, cần bổ sung các quy định về việc chi hoa hồng cho các tổ chức, cá nhân môi giới công chứng, cách tính chi phí, mức thu – chi trong phí dịch vụ công chứng và tỷ lệ % được chi hoa hồng nhằm đảm bảo tính cạnh tranh trong việc thực hiện công chứng giữa hai loại hình tổ chức hành nghề công chứng này. 2.3. Hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan đến CCV Nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ CCV, trong thời gian tới cần hoàn thiện các quy định về CCV, cụ thể là các vấn đề cơ bản sau: Một là, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các quy định về việc CCV góp vốn trong thành lập VPCC. CCV của VPCC là những cá nhân hoạt động kinh doanh dịch vụ đặc thù mà trước đây chỉ có Nhà nước thực hiện. CCV của VPCC được Nhà nước bổ nhiệm theo tiêu chuẩn, trình tự chặt chẽ và được Nhà nước giao cho quyền thực hiện công chứng các hợp đồng, giao dịch là một hoạt động dịch vụ công, hoạt động này ảnh hưởng đến sự ổn định, an toàn, trật tự xã hội. Do vậy, các CCV này khi thực hiện hành vi công chứng phải là người độc lập trong việc thực thi pháp luật, có quyền từ chối công chứng khi nội dung và hình thức văn bản công chứng không phù hợp quy định pháp luật và đạo đức xã hội; CCV của VPCC là người chịu trách nhiệm trực tiếp trước pháp luật về hành vi công chứng của mình, đồng thời cũng chiụ trách nhiệm vật chất trực tiếp với khách hàng. Khoản 1 Điều 26 Luật CC quy định: Trưởng VPCC phải là CCV, là người đại diện theo pháp luật của VPCC. Pháp luật quy định khắt khe như vậy là cần thiết, vì VPCC là một loại hình doanh nghiệp với ngành nghề đặc biệt là thực hiện một dịch vụ công được Nhà nước trao quyền. VPCC được công chứng các hợp đồng, giao dịch của cá nhân, tổ chức, trong đó có nhiều giao dịch có giá trị rất lớn, ảnh hưởng đến sự phát triển ổn định về kinh tế – xã hội của đất nước. Nếu có sự góp vốn của cá nhân, tổ chức khác ngoài CCV thì họ chỉ chịu trách nhiệm hữu hạn về tài sản theo tỷ lệ vốn góp, điều này sẽ làm cho hoạt động của VPCC bị chi phối về lợi nhuận kinh doanh. Theo chúng tôi, cần bổ sung quy định về việc thành lập VPCC chỉ do CCV thành lập, không chấp nhận hình thức góp vốn kể cả trường hợp thành lập theo loại hình công ty hợp danh. Hai là, ban hành quy tắc đạo đức nghề nghiệp CCV. Trong bối cảnh nền kinh tế thị trường và xã hội hóa công chứng, hoạt động công chứng cũng đã xuất hiện tình trạng thương mại. Một số VPCC quảng cáo phóng đại, sai sự thật, vi phạm pháp luật về công chứng… với nhiều hình thức như: giảm giá công chứng, công chứng mọi lúc mọi nơi, công chứng dịch vụ, công chứng 24/24 giờ, công chứng ngoài giờ làm việc… đã làm giảm uy tín của các tổ chức hành nghề công chứng. Nhiều vụ việc công chứng sai quy định được phát hiện như VPCC Việt Tín (ở thành phố Hà Nội), VPCC Gia Định (ở thành phố Hồ Chí Minh)….Theo đánh giá của Bộ Tư pháp, một trong những hạn chế trong việc thực hiện Luật CC trong thời gian qua là “hiện tượng buông lỏng QLNN hoặc QLNN chưa theo kịp tình hình đã dẫn đến việc phát sinh những hiện tượng tiêu cực, sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các tổ chức hành nghề công chứng không được chỉnh đốn kịp thời”[15]. Để công tác QLNN đối với VPCC được chặt chẽ, theo đúng pháp luật, cần hoàn thiện thể chế QLNN đối với tổ chức và hoạt động công chứng, cơ quan QLNN (Bộ Tư pháp) cần sớm ban hành Bộ quy tắc đạo đức hành nghề công chứng quy định về đạo đức kinh doanh, hành vi ứng xử đối với đồng nghiệp và đối với khách hàng, tính trung thực, tuân thủ pháp luật, quyền và nghĩa vụ của CCV, những việc CCV được phép và không được phép làm, hình thức xử lý kỷ luật, chế tài… Nếu xây dựng và ban hành được Bộ quy tắc này, hoạt động công chứng của các VPCC sẽ đi vào nền nếp, các CCV sẽ tuân thủ nghiêm về các quy tắc, hoạt động nghề nghiệp của mình, các cơ quan QLNN thực hiện nhiệm vụ quản lý hiệu quả hơn. 2.4. Kiện toàn tổ chức bộ máy và công chức thực hiện QLNN Hiện nay, việc QLNN đối với tổ chức và hoạt động của VPCC được thực hiện chủ yếu bởi Bộ Tư pháp và Sở Tư pháp. Tại Bộ Tư pháp, Vụ Bổ trợ tư pháp được giao nhiệm vụ giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp QLNN về hoạt động công chứng của cả nuớc. Tại Sở Tư pháp, Phòng Bổ trợ tư pháp được giao nhiệm vụ giúp Giám đốc Sở Tư pháp QLNN về hoạt động công chứng tại địa phương. Để thực hiện tốt chức năng QLNN đòi hỏi những người cán bộ, công chức của Vụ Bổ trợ tư pháp và Phòng Bổ trợ tư pháp phải có trình độ nhất định, có tầm nhìn vĩ mô, am hiểu về lĩnh vực công chứng và có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động công chứng, thậm chí phải tuyển chọn những người có trình độ và nghiệp vụ hơn hẳn CCV.

2.5. Thành lập Tổ chức xã hội nghề nghiệp công chứng

Luật CC quy định CCV trong VPCC không phải là viên chức nhà nước. Hoạt động công chứng đã chuyển từ cơ chế hành chính công sang dịch vụ công, Phòng Công chứng và VPCC được xác định là các tổ chức nghề nghiệp. Thay đổi này đặt ra yêu cầu cần thiết phải thay đổi cơ chế QLNN đối với hoạt động công chứng. Để quản lý các tổ chức hành nghề công chứng có hiệu quả, theo chúng tôi, cùng với QLNN đối với các tổ chức công chứng, cần phải thành lập tổ chức tự quản nghề nghiệp. Tổ chức này sẽ bầu ra những người đại diện cho những người hành nghề trong lĩnh vực công chứng trong cả nước và tự quản lý hoạt động của các tổ chức hành nghề công chứng./.


[1] Hà Nội có 03, thành phố Hồ Chí Minh có 01 VPCC muốn chuyển đổi loại hình từ công ty hợp danh sang DNTN nguồn Bộ Tư pháp. [2] Xem thêm Điu 27 Lut CC, Điu 154 Lut DN. [3] Xem thêm Điều 19, 20, 21, 24 Nghị định 139/2007/NĐ-CP ngày 05/9/2007 của Chính phủ: chỉ cho phép chuyển đổi công ty TNHH một thành viên thành công ty TNHH hai thành viên trở lên; chuyển đổi công ty cổ phần hoặc công ty TNHH hai thành viên trở lên thành công ty TNHH một thành viên; chuyển đổi công ty TNHH thành công ty cổ phần; chuyển đổi doanh nghiệp tư nhân thành công ty TNHH. [4] Xem thêm Luật DN và Nghị định 139/2007/NĐ-CP ngày 05/9/2007 của Chính phủ. [5] Xem thêm các Điều 157, 158, 159 Luật DN. [6] Khoản 1 Điều 34 Luật CC. [7] Điều 130, 131 Luật DN. [8] Khoản 2 Điều 39 Luật CC. [9] Thành ph Hà Ni có 42 VPCC, tp trung ch yếu ti qun Đng Đa và Cu Giy[9] còn các huyn ngoi thành hu như có rt ít VPCC được thành lp, đin hình có các huyn như: Gia Lâm, Thanh Trì, Sóc Sơn và các huyn Hà Tây cũ. [10] Điều 9 Thông tư số 11/2011/TT-BTP. [11] Khoản 1 Điều 8 Thông tư số 11/2011/TT-BTP. [12] Xem thêm Điều 154, 155 Luật DN. [13] Điều 7 Thông tư số 11/2011/TT-BTP. [14] Điều 39 Luật CC. [15] Bộ Tư pháp, tlđd số 1, tr.1. ThS. Phan Hải Hồ Sở Tư pháp thành phố Hồ Chí Minh. Nguồn tin: http://www.nclp.org.vn