Hoạt động liên kết xuất bản: Khách có lấn chủ?
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Thực tiễn hoạt động liên kết xuất bản

Thời gian qua, với việc tham gia của đối tác liên kết (tư nhân) vào lĩnh vực xuất bản đã làm cho thị trường sách trở nên sôi động. Theo Báo cáo của Cục Xuất bản, hiện có đến 70% là sách liên kết và kết quả tích cực của việc liên kết này là điều không thể phủ nhận. PGS.TS Đường Vinh Sường – Nhà Xuất bản Chính trị – Hành chính nêu dẫn chứng: cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm là một ví dụ sinh động và thuyết phục nhất cho hoạt động liên kết xuất bản. Tuy nhiên, hiện nay các nhà xuất bản đang làm công đoạn khó khăn nhất là biên tập với tiền công rẻ mạt, còn bên liên kết đa số là tư nhân bỏ vốn đầu tư, thường có thu nhập gấp nhiều lần nhà xuất bản…

Vấn đề liên kết xuất bản đã trở thành vấn đề nóng được đưa ra tại rất nhiều hội nghị, hội thảo. Hiện nay, một số nhà xuất bản do không nắm được thị trường và chạy theo lợi nhuận đã giao cho tư nhân lo toàn bộ các khâu của quy trình xuất bản, dẫn tới cho ra đời nhiều cuốn sách có nội dung vô bổ, thiếu tính định hướng cho độc giả, thậm chí có tác phẩm sau khi ra đời đã gây bức xúc trong dư luận. Nhiều bất cập trong liên kết chưa được giải quyết như thẩm định nội dung ấn phẩm; tỷ lệ phân phối thu nhập giữa các bên tham gia còn vênh nhau, gây nhiều mâu thuẫn trong tương quan giữa các bên tham gia. Liên kết nhưng vẫn thể hiện tính manh mún, thiếu chuyên nghiệp trong hoạt động xuất bản. Đây được coi là nguyên nhân dẫn đến sai phạm của một số nhà xuất bản về cả nội dung chuyên môn và chủ đề tư tưởng của tác phẩm. Điều đáng tiếc, việc xử lý và khắc phục sai phạm trong lĩnh vực này là rất khó, khó cả về hành lang pháp lý và cả vấn đề thực thi.
 
Cần quy định rõ trách nhiệm, chế tài đối với đối tác liên kết

Điều 21 của dự thảo Luật Xuất bản (sửa đổi) quy định về liên kết trong hoạt động xuất bản: Nhà xuất bản được liên kết với tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả; tổ chức, cá nhân có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh về in hoặc phát hành xuất bản phẩm và tổ chức có tư cách pháp nhân (đối tác liên kết) để tổ chức bản thảo, in và phát hành từng xuất bản phẩm. Việc liên kết của nhà xuất bản đối với đối tác liên kết phải thực hiện bằng hợp đồng. Bộ Thông tin và Truyền thông quy định nội dung cơ bản phải có trong hợp đồng liên kết. Khoản 3 của điều luật này cũng nêu quyền hạn và trách nhiệm của đối tác liên kết: được đứng tên trên xuất bản phẩm theo quy định tại điều 25 của Luật này; thực hiện đúng quyết định xuất bản của tổng giám đốc (giám đốc) nhà xuất bản; thực hiện đúng nội dung bản thảo đã được tổng giám đốc (giám đốc), tổng biên tập nhà xuất bản ký duyệt để in hoặc đưa vào thiết bị số, trên mạng viễn thông, Internet đối với xuất bản phẩm liên kết; nộp xuất bản phẩm liên kết để tổng giám đốc (giám đốc) nhà xuất bản ký duyệt phát hành; trường hợp đối tác liên kết không phải là tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả thì phải được đồng ý bằng văn bản của tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả về việc liên kết.

Nội dung của điều luật này chưa thấy được trách nhiệm của đối tác liên kết về nội dung, hình thức của xuất bản phẩm, trong khi qua thực tế đối tác liên kết đã có khoản thu nhập gấp nhiều lần nhà xuất bản. Khi có vi phạm xảy ra thì trách nhiệm của đối tác liên kết sẽ được xử lý như thế nào? Không có quy định cụ thể, rõ ràng thì sẽ rất lúng túng trong thực thi, xử lý. Đây là điều mà cần phải cân nhắc kỹ khi xây dựng luật. PGS. TS Đường Vinh Sường cho rằng, về liên kết trong hoạt động xuất bản cần cụ thể hóa thêm về tiêu chuẩn và điều kiện của đối tác liên kết, trách nhiệm của đối tác liên kết về nội dung, hình thức xuất bản phẩm, về lưu chiểu, về số lượng in và nộp thuế. Từng nội dung này phải có chế tài cụ thể đi kèm.

Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN,TN và NĐ Nguyễn Minh Thuyết cho rằng khoản b,c,d tại Điều 21 của dự thảo Luật quy định: quyền và trách nhiệm của đối tác liên kết được thực hiện đúng quyết định xuất bản của tổng giám đốc (giám đốc nhà xuất bản); thực hiện đúng nội dung bản thảo đã được tổng giám đốc (giám đốc), tổng biên tập nhà xuất bản ký duyệt để in hoặc đưa vào thiết bị số, trên mạng viễn thông, Internet đối với xuất bản phẩm liên kết; nộp xuất bản phẩm liên kết để tổng giám đốc (giám đốc) nhà xuất bản ký duyệt phát hành. Điều này có nghĩa là hợp pháp hóa việc đối tác liên kết trực tiếp thực hiện các khâu in và phát hành sau khi đã mua được giấy phép và chữ ký trên bản thảo của giám đốc nhà xuất bản. Việc quy định này sẽ không thể nào chấm dứt được tình trạng “khách lấn chủ” như hiện nay. Vì vậy, để bảo đảm độ chặt chẽ về nội dung thì điều luật này cần quy định đối tác liên kết phải chịu trách nhiệm về xuất bản phẩm liên kết. Trách nhiệm này, nên quy định là trách nhiệm liên đới. Nếu quy định trách nhiệm cụ thể như thế thì sẽ nâng cao ý thức trách nhiệm của nhà xuất bản cũng như đối tác liên kết trong sản phẩm xuất bản.

Cùng quan điểm này, Trưởng khoa Xuất bản – Phát hành, Đại học Văn hóa Hà Nội Đỗ Thị Quyên cho rằng, việc đa dạng hóa nguồn bản thảo, chủ động tạo nguồn xuất bản phẩm phong phú đa dạng đáp ứng nhu cầu xã hội cần được khuyến khích bằng chế tài cụ thể quy định trong luật hoặc các văn bản dưới luật. Tuy nhiên, vấn đề liên kết trong hoạt động xuất bản cũng phải được làm rõ về tỷ lệ % xuất bản phẩm được phép liên kết trong năm hoạt động của một nhà xuất bản; tỷ lệ % xuất bản phẩm liên kết nhưng nằm ngoài chức năng nhiệm vụ chính; một số quy định cụ thể khác, liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực chuyên môn của nhà xuất bản khi thực hiện liên kết xuất bản với đối tác.

Không thể phủ nhận rằng thị trường xuất bản phẩm ngày một sôi động, chủng loại phong phú, hình thức đẹp, nhiều cuốn sách có giá trị, đáp ứng được nhu cầu thị hiếu của độc giả trong và ngoài nước. Có được thành công này là có sự đóng góp không nhỏ của việc liên kết trong hoạt động xuất bản. Tuy nhiên, để xuất bản phẩm thực sự là nguồn cung cấp tri thức đến nhiều người về các lĩnh vực của đời sống xã hội, giá trị văn hóa dân tộc, tinh hoa văn hóa nhân loại, góp phần nâng cao dân trí, xây dựng đạo đức, lối sống tốt đẹp của người Việt Nam… theo mục đích mà dự thảo luật đề ra thì việc quy định rõ trong Luật về tiêu chuẩn, trách nhiệm, chế tài đối với đối tác liên kết trong hoạt động xuất bản là điều hết sức cần thiết. Đây sẽ là hành lang pháp lý quan trọng để các đối tác trong quá trình thực hiện hoạt động liên kết xuất bản hạn chế được những sai phạm đáng tiếc xảy ra.

Hà An
Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân